Có lẽ vì học sinh trung học cơ sở là trẻ em, không bị phạt bằng tiền như xử phạt hành chính, cũng không thể phạt học sinh bằng cách cấm túc, buộc phải làm một việc gì đó cho nhà trường như dọn vệ sinh, chép phạt… nên chỉ có một thứ duy nhất của các em đáng giá và được “tấn công” một cách triệt để: đạo đức.

Đối chiếu nội quy học sinh trên, có quá nhiều điều vô lý đến khó tin. Vắng 3 buổi không phép/học kỳ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nghĩa là vắng có một ngày rưỡi mà không có đơn xin phép của cha mẹ thì học sinh sẽ đương nhiên bị hạ xuống còn hạnh kiểm khá.

Vắng ba ngày không phép/học kỳ thì hạnh kiểm còn ở mức trung bình. Nhưng vắng từ bốn ngày không phép trở lên thì không thấy ghi sẽ xử lý mức nào. Chưa kể học sinh trốn học bị xử nặng hơn vắng không phép. Trốn học hai lần, có thể hiểu là trong hai buổi, học sinh bỏ học một vài tiết trong mỗi buổi, thì cũng bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Điều đó vẫn chưa vô lý bằng đi học trễ ba lần/học kỳ (trễ trên 15 phút coi như nghỉ học không phép buổi đó, trễ từ 15 phút trở xuống phải vô văn phòng trường để xin giấy phép vào lớp), không đeo phù hiệu hai lần/học kỳ cũng bị hạ một bậc hạnh kiểm. Trong lúc học sinh đi trễ nhiều khi do lỗi của phụ huynh, vì dậy trễ, hoặc bận bịu công việc gấp nên đưa con đi học trễ, hậu quả là chính các em phải gánh bằng chính cái hạnh kiểm của mình.

Đến phần các điều cấm thì hạnh kiểm còn bị hạ tới tận “đáy” của thang giá trị đạo đức. Nội quy chỉ đưa ra nội dung vi phạm mà không định lượng, nghĩa là dù hút một điếu thuốc lá hay hút nhiều gói thuốc lá, chửi thề hoặc nói tục một lần hay nhiều lần, trộm cắp một cục gôm hay vài trăm ngàn đồng của bạn, nhả sinh-gum bừa bãi… trong trường thì đều bị xử lý như nhau: hạnh kiểm yếu.

Và càng vô lý hơn khi học sinh mang điện thoại theo để gọi điện cho người thân đón về sau giờ học, mà lỡ để chuông reng hoặc lỡ bấm nghe cú gọi của người thân, bị thầy cô, giám thị phát hiện thì… coi như xong, cũng bị hạ xuống hạnh kiểm yếu nốt. Mà hạnh kiểm yếu thì đương nhiên không được lên lớp.

Tôi không hiểu các nhà giáo dục nào đã viết và thông qua cái nội quy kỳ quái này. Trong các quy định về xử lý trách nhiệm cá nhân, từ hình sự, hành chính, kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật lao động… đều ghi rõ mức độ vi phạm cho từng hành vi và mức xử lý.

Không có chuyện một người trộm cắp một lần lại bị xử lý như người trộm cắp nhiều lần. Mỗi loại xử lý trách nhiệm đều luôn có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Một người bị phạt vì ăn trộm đồ ăn trong khi đang đói mà không có tiền mua sẽ bị xử lý khác với một người lấy việc ăn trộm làm “nghề” sinh nhai…

Đạo đức con người là thứ không ai có thể đo đếm được, vì vậy đem nó ra làm món hời để chăm chăm xà xẻo khi học sinh vi phạm nội quy là trái với tinh thần của giáo dục. Có những học sinh chưa ngoan, nhưng vai trò của nhà trường là phải cùng phụ huynh giáo dục trẻ cho nên người, chứ không phải động một cái là đem học sinh ra kỷ luật. Đã có học sinh vào lớp trễ quá 15 phút, trường không mở cổng cho vào nên em phải đạp xe quay về nhà, đành nghỉ không phép buổi học hôm đó. Có cảm giác như cánh cổng trường quá vô tình, hay ở đây là sự quan tâm, sự tận tụy của các thầy cô đã bị nội quy vô cảm nêu trên làm cho chai sạn đi, khiến các thầy cô quay mặt lại với chính học sinh của mình.

Tại sao nội quy không ghi vào trễ dăm ba phút, không đeo phù hiệu… giáo viên hoặc giám thị phải kêu các em lại nhắc nhở, nếu phạm phải vài lần thì đưa ra giáo dục trước lớp, trước toàn trường? Hay nếu học sinh phạm các lỗi lớn hơn thì giáo viên chủ nhiệm sẽ mời phụ huynh đến làm việc, tìm hiểu tại sao học sinh lại làm như thế và giúp gia đình hỗ trợ các em vượt qua những yếu kém đó? Cách thức cảm hóa là chính mới là cách thức mà ngành giáo dục nên dùng, chứ không phải là răn đe, trừng phạt. Chẳng hạn, nói về chửi thề, nói tục, lắm người lớn chúng ta còn mắc phải, chẳng lẽ học sinh chửi thề một lần là hạnh kiểm yếu liền hay sao? Chưa nói tới học lực yếu sẽ kéo hạnh kiểm tụt bậc theo.

Nội quy thì khắt nghiệt như thế, nhưng theo thông báo của trường, năm rồi tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở tới 97%, trong một trăm học sinh thì chỉ có ba em ở lại hoặc bỏ học và có lẽ không có học sinh nào bị ở lại vì hạnh kiểm yếu do vi phạm nội quy. Vậy chẳng lẽ học sinh trường con tôi học đều chấp hành tốt nội quy hay sao? Chắc chắn là không. Ngay cuộc họp phụ huynh đầu năm, một phụ nữ đã bức xúc nhờ giáo viên xem lại vấn đề bạo lực học đường, vì con chị bị vài học sinh lớp 9 xô té ngã ngay trước cổng trường.

Nội quy là luật lệ trong trường học, đã đặt ra là phải tuân thủ. Nếu đề ra nội quy hạ hạnh kiểm khủng khiếp như thế chỉ để dọa học sinh, các em vi phạm không bị xử đúng như nội quy, thì lại khiến học sinh nhờn luật từ bé, mai mốt lớn lên ra đời dễ có cách hành xử tùy tiện vì đã có sẵn tâm lý “quy định như vậy nhưng xử lý không phải vậy”.

Tường Vân