Cơ chế truyền bệnh qua đường hô hấp

SKĐS - Khẩu trang là vật dụng bất ly thân của nhiều người, đặc biệt trong môi trường khói bụi ở nhiều thành phố của nước ta.

31.1995

Khẩu trang là vật dụng bất ly thân của nhiều người, đặc biệt trong môi trường khói bụi ở nhiều thành phố của nước ta. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang, từ khẩu trang vải thông thường đến khẩu trang y tế, khẩu trang than hoạt tính rồi đến cả những loại khẩu trang chuyên dụng. Gần đây, trên một số tờ báo đăng bức ảnh gây ngạc nhiên là có một hội nghị hơn 1.000 nhà khoa học tại Hàn Quốc lại chỉ có lác đác vài người đeo khẩu trang dù đang có dịch MERS-CoV lưu hành. Vậy khẩu trang có giúp phòng được các bệnh lây truyền qua đường hô hấp?

Thông thường, mỗi khi ho, hắt hơi chúng ta phun ra môi trường nhiều giọt nhỏ li ti các chất tiết đường hô hấp. Và nếu ta bị bệnh đường hô hấp thì những giọt nhỏ này giúp phát tán các mầm bệnh ra xung quanh. Tùy theo kích thước của chúng mà các giọt này có thể mang những mầm bệnh khác nhau.

Người dân dùng khẩu trang, cần phải biết cách sử dụng mới có lợi cho sức khoẻ.                        Ảnh: Trần Minh

Dạng truyền bệnh thứ nhất qua các giọt nước bọt nhỏ (droplet). Đây là những giọt có kích thước trên 5 micromet. Những giọt này thường chỉ phát tán ra xa dưới 2 mét và rơi xuống khá nhanh. Tuy vậy, nếu đứng gần người bệnh, hít phải các giọt nhỏ thì chúng ta sẽ bị du nhập lượng mầm bệnh rất nhiều. Hơn nữa, những giọt này khi rơi xuống đọng trên bề mặt các vật dụng, bàn, ghế, sàn nhà và sẽ làm vấy bẩn bàn tay nếu chúng ta sờ vào, từ đó gây ô nhiễm đồ ăn thức uống và gây lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp. Hầu hết các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có cả MERS-CoV đều có thể truyền bệnh qua các giọt nước bọt nhỏ.

Các giọt nhỏ hơn 5 micromet được gọi là airbone. Một số giọt nhỏ bị khô đi trước khi rơi xuống đất gọi là nhân giọt nhỏ (drolet nuclei). Chúng đều có khả năng lơ lửng rất lâu trong không khí và có thể phát tán ra xa hơn rất nhiều. Kiểu truyền bệnh qua các giọt nhỏ này được gọi chung là lây truyền qua không khí (airbone). Đa số những mầm bệnh trong giọt bắn khi bị khô đi thành nhân giọt bắn (drolet nuclei) sẽ bị chết và không còn khả năng truyền bệnh. Thế nhưng một số mầm bệnh có sức sống tốt hơn vẫn có thể lây truyền qua con đường này, điển hình là các bệnh lao, cúm, sởi, nấm. Tuy vậy, khi phân tán tự do rộng ra thì nồng độ các mầm bệnh sẽ giảm dần theo 4 lần bình phương của khoảng cách. Bởi thế nguy cơ lây truyền qua không khí sẽ giảm nếu khoảng cách giữa người lành và người bệnh xa ra và môi trường thông thoáng.

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp

(Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Mời xem bài sau: Khẩu trang: Dùng sai, hại thân

Vào ngày 1/7/2015

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]