Dạy con tiêu tiền, bố mẹ cũng phải học

ANTĐ - Tại nhiều trường học ở Hà Nội, căng tin là điểm ưa thích của học sinh sau những giờ học căng thẳng. Ở đây, có thể thấy không hiếm trường hợp học sinh tiểu học rút ra tờ 100.000, 200.000 đồng để mua đồ ăn, nước uống khao bạn bè. Điều này khiến không ít người băn khoăn về chuyện tiêu tiền của học sinh ngày nay.

15.5976
Học sinh trường THCS Alpha bán sản phẩm tự làm để đóng góp cho quỹ từ thiện 
 
Được chiều, trẻ dễ nhiễm thói tiêu hoang

Phần lớn các giáo viên đều cho rằng việc cho con quá nhiều tiền là không tốt nhưng thực tế, chuyện học sinh tiêu pha bằng các tờ tiền mệnh giá cao nhất như 500.000, 200.000 đồng ở căng tin, hàng quán không còn là việc hiếm. Cùng với việc trang bị xe máy, xe đạp điện đắt tiền, điện thoại thông minh, không ít phụ huynh để con “găm” túi phòng đói bụng hay khát nước vài trăm nghìn đồng khiến nhiều bạn bè các con ganh tỵ.

Chị Nguyễn Hoài An, phụ huynh học sinh trường THCS Giảng Võ cho biết, con chị hỏi mẹ tại sao bạn Vinh được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt mà mẹ chỉ cho con 10.000 đồng/ngày trong khi nhà mình có nghèo lắm đâu. Điều này khiến chị An thấy cần giải thích cho con rõ ràng để không so bì như vậy.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cũng nhận xét, ông thấy nhiều học sinh thoải mái mua rất nhiều đồ ăn vặt cho mình và bạn bè trong căng tin của trường. Điều này chứng tỏ ngày nay nhiều phụ huynh chưa biết dạy con về cách chi tiêu khi cho quá nhiều tiền tiêu vặt mỗi ngày. Nếu cứ cho con nhiều tiền mà không hướng dẫn  sử dụng sẽ dẫn đến tiêu hoang, đến khi hết tiền lại tìm cách vay mượn, xoay tiền của người khác… Thực tế có những học sinh vì không có tiền mua quà hay chơi game đã hành hung, thậm chí giết cả người thân để lấy tiền. 

Bên cạnh đó, việc học sinh có nhiều tiền tiêu vặt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bạn học vốn không có điều kiện kinh tế hoặc không có thói quen tiêu nhiều tiền. “Nhà trường đang có ý tưởng sẽ cho mỗi học sinh đến lớp tiêu không quá 10.000 đồng/ngày thông qua quản lý thẻ học sinh” - PGS Văn Như Cương cho biết. 

Tiêu tiền cũng phải được dạy dỗ cẩn thận

Đề cập đến việc dạy chi tiêu trong trường học, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, quản lý chi tiêu là lĩnh vực giáo dục còn rất mới mẻ với người Việt Nam trong khi đã rất phổ biến ở thế giới. Trong các bài học về kỹ năng sống, học để kiếm tiền, tiết kiệm và chi tiêu tiền như thế nào là một nội dung cần thiết bởi nếu sớm hình thành ý thức này từ lứa tuổi tiểu học, các em sẽ biết điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực khi các em lớn hơn.

“Hà Nội đang kết hợp triển khai chương trình giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cơ bản cho hơn 50.000 học sinh tiểu học. Các em sẽ được dạy để biết tiết kiệm, tiêu tiền hợp lý  đồng thời xây dựng tính nhân văn thông qua các hành động quyên góp và làm từ thiện, hướng các em tới việc quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn” - ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Tại trường THCS Alpha, hoạt động từ thiện của học sinh được triển khai với yêu cầu bố mẹ không cho các con tiền mà là tiền từ việc bán các sản phẩm do chính các con làm ra. Trải nghiệm này được nhiều bạn học sinh thích thú vì số tiền 1-2 triệu đồng cả lớp tích cóp được là từ chính công sức của các em với sự hỗ trợ của thầy cô, phụ huynh. “Qua hoạt động này em mới hiểu, kiếm được dù chỉ vài nghìn đồng không phải dễ dàng gì, phải biết thuyết phục người mua, hiểu tâm lý khách hàng và phải đổ mồ hôi làm việc cả ngày trời… ” - em Nguyễn Thế Hải, học sinh trường THCS Alpha chia sẻ.

Có thể thấy, 100% phụ huynh nếu được hỏi đều cho rằng cần giáo dục con sớm về giá trị đồng tiền, sức lao động và cách quản lý chi tiêu nhưng hiện chỉ có ít phụ huynh trực tiếp thảo luận cùng con cái về vấn đề này.  Được biết, với sự phối hợp của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, chương trình giáo dục tài chính cho học sinh hiện đã được triển khai tại nhiều trường, trong đó không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng được trang bị những kỹ năng cơ bản về kiếm tiền và quản lý chi tiêu ở trẻ em. 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]