Đi tìm người bệnh để chữa bệnh

Vượt chặng đường gần 2.000 cây số, tôi về Bình Phước - mảnh đất miền Đông Nam Bộ, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế.

15.6047

Vùng đất đỏ bazan với những rừng cao su bạt ngàn, hơn 30 dân tộc anh em sinh sống, nhiều địa danh lịch sử như sóc Bom Bo, căn cứ Tà Thiết, chiến thắng Đồng Xoài... đã cuốn hút tôi ngay từ những ngày đầu tiên. Và điểm đến cuối cùng trong đợt công tác là huyện Lộc Ninh. Nơi đây đã đọng lại trong tôi những cảm xúc lạ thường...

Đến Bệnh viện đa khoa Lộc Ninh là chúng tôi bắt tay ngay vào công việc, vì ở đây đã có tới hàng trăm người đang ngồi đợi đoàn khám và phẫu thuật mắt.

Sự ồn ào huyên náo lúc chúng tôi đến đã dần lắng dịu dưới sự điều khiển của một cô gái nhỏ nhắn trong bộ blu trắng. Cô cần mẫn chạy đi chạy lại, dắt bệnh nhân này, hướng dẫn bệnh nhân khác, giải thích làm an lòng bệnh nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn khám bệnh làm việc.

 Y sĩ Hoài Nhi đang khám mắt cho bệnh nhân.

Ở đây hầu hết bệnh nhân mắt kém lại là đồng bào dân tộc từ các vùng trong huyện về đây nên không quen với đường đi lối lại bệnh viện. Chính cô gái nhỏ nhắn ấy đã như thoi đưa, dẫn hết người này đến người khác vào khám, làm xét nghiệm, và... cả việc đi xin cơm cho những đồng bào nghèo không có đủ tiền ăn. Hành động ấy khiến tôi xúc động, tò mò... Cô gái ấy chính là y sĩ Nguyễn Thị Hoài Nhi, cán bộ phụ trách mắt của Trung tâm Y tế Lộc Ninh.

Ngay sau khi nhận được công văn về đợt mổ mắt miễn phí cho nhân dân trong huyện, Hoài Nhi đã lập kế hoạch, cùng với bác sĩ Cao Hải, Trưởng trạm y tế, đi khắp 16 xã trong huyện, khám sàng lọc 780 bệnh nhân để chọn ra 86 bệnh nhân bị đục thể thủy tinh, mộng, quặm để đưa về huyện phẫu thuật. Nhiều đồng bào trong khu vực này là người dân tộc, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên nhiều khi đã hẹn mà đồng bào lại quên cả hẹn. Có người nhớ ngày hẹn thì lại không có người đưa đi. Vì thế cán bộ y tế ở đây không chỉ lo chuyện khám, mà còn phải đi tìm bệnh nhân để khám...

Sống gần đồng bào dân tộc nên Hoài Nhi đã rất thấu hiểu nỗi khổ của họ. Những người mắt sáng, cuộc sống đã khó khăn. Những người không nhìn được, sự khó khăn ấy lại nhân lên gấp bội. Thế là tâm nguyện giúp đỡ người mù luôn thôi thúc Hoài Nhi.

Khi phát hiện được bệnh nhân, thấy hoàn cảnh họ khó khăn, Hoài Nhi đã liên hệ với y tế  xã và thôn bản để nhờ các anh chị ấy đưa bệnh nhân về huyện mổ cho đúng hẹn. Có bệnh nhân không có tiền đi xe ôm, cô đi quyên góp xin tiền, xin cơm cho họ, thậm chí giúp họ cả đi vệ sinh cá nhân nữa vì mắt họ không nhìn thấy gì.

Không chỉ có Hoài Nhi, các đồng nghiệp của cô đã vượt qua được những khó khăn của cuộc sống đời thường, giành thời gian và tâm huyết lo cho bà con đồng bào nghèo nơi đây trong khi bản thân cuộc sống của họ cũng rất vất vả. Nhưng "mỗi người cố gắng một ít để giúp đỡ thì họ sẽ đỡ cơ cực hơn ". Tâm sự này của Hoài Nhi khiến tôi suy nghĩ mãi...

Là một bác sĩ chuyên khoa mắt, nhiều năm gắn bó với công tác chỉ đạo tuyến, tôi biết rõ rằng, cái mà chị gọi là "một ít" ấy không hề nhỏ chút nào. Nếu không có người tìm bệnh nhân, không đưa được bệnh nhân từ nơi họ ở ra đến bệnh viện thì dù đoàn phẫu thuật có giỏi đến mấy cũng không thể nào đem lại ánh sáng cho người mù. Điều đó đã thể hiện rất rõ khi chúng tôi đi mổ ở các huyện khác. Có những huyện cả đợt chỉ mổ được 9 bệnh nhân. Còn ở đây, tại Lộc Ninh này, trong 4 ngày chúng tôi đã phẫu thuật cho gần 100 bệnh nhân, trong đó có 69 người mù do đục thể thủy tinh tìm lại được ánh sáng.

BS. Phạm Ngọc Đông - BV Mắt TW

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]