Điều trị ung thư tuyến nước bọt

Đối với điều trị ung thư tuyến nước bọt thì phẫu thuật là lựa chọn tối ưu nếu phát hiện có u tuyến nước bọt.

15.607

Tuyến nước bọt (TNB) có chức năng tạo nước bọt, nhằm hỗ trợ cho việc tiêu hóa và giữ ẩm vùng miệng. Dù ít xảy ra nhưng ung thư TNB có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Vị trí thường gặp của ung thư TNB là ở mang tai, dưới lưỡi, dưới hàm, trên môi, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Ung thư tuyến nước bọt: Khó chẩn đoán

Theo TS-BS Trần Thanh Phương-Trưởng khoa Ngoại 3, BV Ung Bướu TP.HCM, rất khó để có thể nhận biết được u tuyến nước bọt, bởi triệu chứng bệnh rất mơ hồ, ban đầu chỉ có thể là một khối u rất nhỏ nổi lên bất thường trên mang tai hoặc dưới hàm.

Khi ấn vào có cảm nhận đây là khối tròn, chắc hoặc cứng và di động khi sờ vào, không đau, không nhức nên mọi người thường chủ quan cho qua. Đến khi khối u này tiến triển lớn, gây đau nhức tại chỗ, nuốt khó, khàn tiếng… thì bệnh đã nặng và sức “công phá” của khối u TNB - dù là lành tính hay ác tính - đều dữ dội: bị chảy máu do hạch vỡ, hay biến dạng khuôn mặt, làm liệt cơ mặt…

Tổ chức TNB phân bố rộng rãi: TNB mang tai, TNB dưới hàm, TNB dưới lưỡi và một số những TNB phụ như ở cổ, miệng hoặc cổ họng. Sự phân bố rải rác của các bướu TNB gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Khi phát hiện khối u ác tính thì việc điều trị rất khó khăn, do vị trí của những khối u ác tính khá hiểm hóc.

Điều trị ung thư tuyến nước bọt: Phẫu thuật và điều trị tia xạ

1. Phẫu thuật

Sự khỏi bệnh và chất lượng cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chỉ định điều trị và kinh nghiệm của phẫu thuật viên; vì vậy bệnh nhân phải được giải thích trước về cách phẫu thuật, nguy cơ bệnh nhân phải chịu liệt dây mặt và phải có sự đồng ý của bệnh nhân.

Đối với khối u:

Khi phát hiện được khối u tuyến nước bọt thì đều có chỉ định phẫu thuật, không nên chỉ lấy u (nhân) đơn thuần, lấy bỏ thuỳ nông trong những trường hợp khối u ở thuỳ bên (hay gặp). Cắt bỏ toàn bộ tuyến trong những trường hợp khối u ở thuỳ sâu cùng với phẫu tích bảo tồn dây thần kinh mặt và các nhánh của nó. Phẫu thuật cắt tuyến "thăm dò" tối thiểu nhằm để chẩn đoán và điều trị.

Toàn bộ bệnh phẩm được kiểm tra bằng phương pháp cắt lạnh (sinh thiết tức thì):

+ Nếu lành tính: U nhỏ thì dừng lại, nếu u lớn cắt u còn tiếp cận hoặc u nhỏ ở thuỳ sâu thì cắt bỏ hoàn toàn tuyến nước bọt.

+ Nếu ác tính: Cắt bỏ toàn bộ tuyến mang tai bất kể vị trí kích thước, bảo tồn dây thần kinh mặt. Trường hợp u xâm lấn rộng vào da, cơ... có thể phải phẫu thuật tạo hình ngay sau khi cắt bỏ rộng.

Ảnh minh họa

Đối với dây thần kinh mặt:

Bảo tồn dây thần kinh mặt là một nguyên tắc phẫu thuật. Sự phẫu tích có thể khó hoặc dễ thực hiện. Sự kém cỏi trong động tác là hay can thiệp thô bạo (kéo dài dây thần kinh, kẹp, đốt điện) có thể gây ra liệt.

+ Sự hy sinh một hay nhiều nhóm dây thần kinh mặt được chỉ định trong những trường hợp: Ung thư xâm lấn vào dây thần kinh do nhận định trên lâm sàng và giải phẫu bệnh (dấu hiệu liệt mặt trước khi mổ).

+ Đối với ung thư biểu mô tuyến nang đã xâm lấn vào dây thần kinh thì phẫu thuật cắt bỏ dây VII được chỉ định và cắt bỏ tới tổ chức lành, được kiểm tra bằng sinh thiết tức thì (vì lý do ở thể này u xâm nhiễm vào vỏ dây thần kinh và tái phát ở xa của vùng phẫu thuật).

+ Các trường hợp bị đứt hoặc cắt đoạn dây VII có thể ghép dây thần kinh, thông thường người ta lấy dây thần kinh tai lớn hoặc thần kinh da - đùi (sự phục hồi khoảng tháng thứ 8 đến tháng thứ 12). Chống chỉ định ghép thần kinh trong các trường hợp ung thư xâm lấn rộng.

Đối với hệ hạch:

- Trường hợp không sờ thấy hạch: vét hạch cổ chọn lọc – sinh thiết tức thì nếu (+) vét hạch cổ chức năng.

- Trường hợp sờ thấy hạch nhỏ: vét hạch cổ chức năng.

- Trường hợp hạch to đường kính > 6cm: vét hạch cổ triệt căn.

Đối với u tái phát:

Thường phẫu thuật khó khăn, đặc biệt là phẫu thuật bảo tồn dây VII. Có thể phải phẫu thuật vào xương chũm để tìm gốc dây thần kinh hoặc tìm từ nhánh nhỏ ngoại biên (sử dụng kính phóng đại và máy kích thích thần kinh).

2. Điều trị tia xạ

Là chỉ định điều trị hỗ trợ: được áp dụng khá rộng rãi sau phẫu thuật đặc biệt các trường hợp phẫu thuật nghi ngờ tiếp cận u, u ở thuỳ sâu, xâm nhiễm ra ngoài, hoặc thể giải phẫu bệnh loại ít thuận lợi (ung thư ít biệt hoá) có di căn hạch xâm nhiễm vào dây thần kinh.

Chỉ định tia xạ được bàn luận khi: u nhỏ, biệt hoá cao, u ở thuỳ nông, phẫu thuật rộng và không di căn hạch.

Không tia xạ với các khối u lành.

Tia xạ đơn thuần: chỉ áp dụng khi điều trị triệu chứng hay Lymphome malin biểu hiện ở tuyến mang tai.

Hệ hạch cổ: N0 không cần tia xạ hạch cổ. Nếu di căn hạch thì tia xạ hệ hạch cổ.

Phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt được không?

Nên đọc

Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh mà chỉ biết rằng ung thư TNB xảy ra khi một số tế bào trong TNB phát triển đột biến. Khi bị đột biến, các tế bào phát triển và phân chia nhanh chóng. Các tế bào đột biến tích tụ thành một khối u có thể xâm nhập vào mô lân cận. Các tế bào ung thư có thể vỡ và di căn tới các vùng xa của cơ thể.

U TNB có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn. Với trẻ em chủ yếu là u lành tính, còn người lớn thì ngược lại, tỷ lệ ác tính khá cao. Do vậy, biện pháp phòng ngừa quan trọng là đề cao cảnh giác với những dấu hiệu bất thường để tìm đến bác sĩ kịp thời.

Những người làm việc trong môi trường phơi nhiễm bức xạ, những người thường xuyên tiếp xúc với các chất như niken, bụi silica… rất dễ bị ung thư TNB. Vì vậy, những người có nguy cơ cao, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu nhằm phát hiện sớm u TNB.

Thùy Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]