Đồng bằng sông Cửu Long quay cuồng chống dịch bệnh

Trong khi dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp thì mấy ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh ĐBSCL liên tục gia tăng.

15.5506
Khiến hầu hết các bệnh viện trong vùng đang phải hoạt động hết công suất để ứng phó.

>>

Dịch bệnh vào mùa

Theo ghi nhận của BV Nhi đồng Cần Thơ, riêng tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận 211 ca sốt xuất huyết, tăng gần 100 ca so với tháng 6, trong đó có 41 ca bị sốc sốt xuất huyết Dengue (độ 3). Còn từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 60 ca sốt xuất huyết và hiện bình quân mỗi ngày vẫn tiếp nhận khoảng 10 ca.

Tại tỉnh An Giang, mấy ngày qua số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cũng đang tăng đột biến. Tính từ đầu năm đến nay tỉnh này đã có trên 3.000 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng gấp 1,5 lần so với cả năm 2011.

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có trên 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2011. Còn tại Cà Mau, Trung tâm Y tế dự phòng ghi nhận được trên 1.000 ca sốt xuất huyết. Các tỉnh khác như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu… ngành y tế dự phòng báo cáo có hàng ngàn ca mắc sốt xuất huyết. Hiện dịch bệnh này vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày.

Điều trị bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ


Trong khi dịch sốt xuất huyết tăng mạnh, dịch bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2012 đến nay, Cà Mau ghi nhận thêm khoảng 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Ông Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, cho biết một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, người dân còn chủ quan. Hiện ngành y tế tăng cường phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi công tác vệ sinh và cách phòng tránh bệnh cho trẻ.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 ca tử vong. Còn tại tỉnh An Giang đã có 9 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm tới nay đã ghi nhận thêm 338 ca mắc tay chân miệng.

Ông Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cho biết bệnh tay chân miệng phát triển phức tạp, gây khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị. Để tránh nguy cơ số ca tử vong, ngành y tế Tiền Giang yêu cầu những gia đình bệnh nhi dưới 1 tuổi và những bệnh nhi mắc các bệnh khác cần nhập viện khi bệnh còn nhẹ.

Tự phòng là chính


6 buồng bệnh của khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vào những ngày này luôn kẹt cứng bệnh nhân. Mỗi buồng có 40 giường nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú luôn dao động từ 70 – 120 người. Dù các giường bệnh đều phải nằm ghép 2-3 người/giường nhưng vẫn không đủ chỗ nằm.

Bà Lê Thị Hiệp (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang nuôi cháu bị mắc sốt xuất huyết ở buồng bệnh số 3, mệt mỏi cho biết: “Cháu tôi nằm đây đã 4 ngày, phải nằm ghép với 2 cháu khác, rất chật chội nhưng không có cách nào khác. Các bác sĩ bảo bệnh đông quá nên phải chịu”.

Người nuôi bệnh mệt mỏi bao nhiêu, các bác sĩ, điều dưỡng cũng “oải” không kém. Điều dưỡng Hoàng Thị Mỹ Hạnh vừa đo huyết áp cho bệnh nhi vừa nói: Những ngày cuối tuần, số bệnh nhân có khi tăng hơn 100, trong khi bệnh đưa vào đây phải theo dõi hàng giờ nên mọi người phải thay nhau trực suốt ngày đêm mới xử lý kịp.

Theo ông Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, bệnh sốt xuất huyết ở ĐBSCL nói chung tăng giảm theo một chu kỳ kéo dài khoảng 3-4 năm. Ở An Giang, gần đây nhất số ca mắc sốt xuất huyết lên cao là năm 2008, khoảng 5.000 ca, sau đó giảm dần, đến năm 2011 thấp nhất khoảng 2.000 ca. Theo chu kỳ này, năm 2012 là đỉnh điểm của chu kỳ mới dự kiến số ca mắc có thể lên đến 5.000 – 6.000 ca, gấp 2,5 – 3 lần so với năm 2011.

Cũng theo ông Danh, bệnh sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL cũng tăng giảm theo chu kỳ trên. Để đối phó với dịch bệnh, ngành y tế tỉnh An Giang đang huy động toàn bộ lực lượng tình nguyện viên, chính quyền, đoàn, hội ở các địa phương ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường… Dựa trên số ca mắc sốt xuất huyết ở các huyện, thị, Trung tâm Y tế dự phòng phun xịt hóa chất khử trùng ở những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, dù có huy động bao nhiêu lực lượng, máy móc vẫn không thể diệt hết muỗi, lăng quăng… Để phòng bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất người dân phải nâng cao ý thức tự phòng tránh. Phải tăng cường vệ sinh môi trường, ngủ mùng, diệt lăng quăng để tự bảo vệ là chính. Trong khi đó, theo dự báo của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL, bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến hết tháng 12. Đặc biệt cao điểm là các tháng 10, 11.

Do đó, biện pháp trước mắt, mỗi người dân cần nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ chơi cho trẻ, tăng cường ý thức phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ gây bệnh và lây lan ra cộng đồng.

AloBacsi.vn (Theo SGGP)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]