Dùng thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân: Đừng lệ thuộc mù quáng

Hiện nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân này, nhiều bệnh nhân đã tự làm… bác sĩ, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

15.5753
Thử đường huyết tại nhà rất dễ mã hóa sai
  Ảnh: An Quý
 
>>

Dễ cho kết quả sai

Dọc đường Thành Thái, 3/2 (Q.10) hoặc Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo (Q.1)… chúng tôi rất dễ dàng tìm mua các thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà. Cùng một sản phẩm, thế nhưng tại mỗi cửa hàng, nhân viên tư vấn khác nhau khiến người mua dễ “rối”, không biết nên chọn loại nào. Theo một chủ cửa hàng bán trang thiết bị y tế trên đường Thành Thái, thiết bị đo huyết áp hiện nay của Nhật là chính xác nhất với giá khoảng 550.000đ/máy. Trong khi chủ một cửa hàng gần đó lại tư vấn máy đo huyết áp do Đức sản xuất là “số một”; nhân viên cửa hàng khác lại khăng khăng “máy đo huyết áp của Đài Loan giá vừa phải mà chất lượng không thua kém”.

Về máy đo đường huyết, cửa hàng y khoa V.P. (đường Thành Thái) giới thiệu loại máy sản xuất tại Mỹ, có giá dao động từ 1.450.000đ đến khoảng 2.000.000đ. Mua máy sẽ được tặng kèm 10 que thử và 10 kim cho 10 lần đo. Theo người bán, khi sử dụng xong 10 que này, khách có thể mua một hộp que khác (50 que) khoảng 340.000đ... Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, que thử sau khi dùng hết khó tìm mua que mới, vì loại này ít phổ biến nên không được nhập về nhiều.

Thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân mua rất dễ dàng nhưng không phải ai cũng biết cách dùng. Trong một số trường hợp, việc lệ thuộc vào thiết bị này đã gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ông Nguyễn H.T. (57 tuổi, Q.Tân Phú) vốn có tiền sử cao huyết áp. Bác sĩ (BS) đề nghị ông T. nên có một thiết bị theo dõi huyết áp tại nhà. Sau một thời gian uống thuốc và sử dụng huyết áp kế, ông T. thấy huyết áp của mình đã ổn định nên bắt đầu bỏ thuốc và không đi tái khám.
 
Một thời gian sau, ông T. bị đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Sau đó, tay ông tê dại, không cầm nắm được đồ vật, đi loạng choạng nên phải nhập viện cấp cứu. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện, ông T. đã tăng huyết áp thêm một đơn vị. Theo các BS, huyết áp cao thêm một đơn vị là điều rất đáng chú ý, cần phải theo dõi chặt chẽ. Thông thường, ở người lớn tuổi, cao huyết áp là do xơ vữa động mạch, nếu muốn ngưng thuốc hạ huyết áp, cần phải có chỉ định của BS.
 
BS Võ Anh Thoại - Trưởng khoa Xét nghiệm sinh hóa huyết học (BV Nhân dân Gia Định) cho biết: “Máy đo đường huyết cá nhân có thể giúp bệnh nhân tự theo dõi biến động đường huyết, qua đó phát hiện tình trạng khẩn cấp hạ hoặc tăng đường huyết, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng máy đo. Một số máy đo đường huyết không thể sử dụng cho bệnh nhân có bệnh thiếu máu hoặc đa hồng cầu.
 
Bên cạnh đó, mọi máy đo đều có những chất gây nhiễu nhất định và sẽ cho kết quả sai nếu thực hiện không đúng quy trình (sát trùng cồn chưa khô, không đủ mẫu), thiết bị không được bảo trì bảo dưỡng định kỳ, que thử hết hạn, không hiệu chỉnh lại máy sau khi thay que thử mới…”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ trong số sáu bệnh nhân đái tháo đường, thì có một người bị máy đo đường huyết sai. Khi kết quả không chính xác sẽ làm ảnh hưởng đến việc điều chỉnh sai liều insulin cần dùng. Điều này rất nguy hiểm, vì việc can thiệp, điều trị không đạt hiệu quả.

BS Võ Đức Chiến - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Nguyễn Tri Phương) tư vấn: “Các thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà đã được Bộ Y tế cấp phép để lưu hành tại Việt Nam, nhưng chọn thiết bị nào phù hợp với mỗi cá nhân người bệnh cần phải dựa vào hướng dẫn của BS chuyên khoa. Cần biết, máy đo huyết áp chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị, nên bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm thường quy sáu tháng/lần tại bệnh viện. Đối với các bệnh lý mãn tính nói chung (hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính - COPD, cao huyết áp, tiểu đường…), nếu ngừng điều trị, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng”.

Cần hiểu và sử dụng đúng

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Công Minh - Phó Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân phải được bảo quản ở nơi thoáng mát, nếu quá nóng, thiết bị đo có thể sai lệch đến một-hai đơn vị. Hoặc thiết bị nếu để trong phòng lạnh, sau đó đem ra ngoài sử dụng, nhiệt độ thay đổi sẽ dẫn đến kết quả đo không chính xác. Các thiết bị y tế gia đình chỉ nên sử dụng khi bệnh nhân cần kiểm tra tình trạng bệnh lý của mình nhiều lần trong ngày để đánh giá diễn tiến bệnh và giúp tránh tai biến.
 
Nhờ vào các thông số đó, BS chuyên khoa có thể đánh giá được tình trạng của người bệnh như mắc bệnh đái tháo đường thật sự, rối loạn chuyển hóa đường, hoặc rối loạn đường lúc đói. Đối với mỗi tình trạng bệnh lý, BS sẽ có cách xử trí khác nhau. “Máy cho kết quả sai khiến người bệnh nhầm tưởng bệnh tình của mình đã ổn định nên ngừng thuốc là điều rất nguy hại”, BS Minh cảnh báo. Theo BS Minh, cao huyết áp là hậu quả của xơ vữa động mạch, khởi nguồn từ rối loạn chuyển hóa mỡ (mỡ trong máu cao).
 
Do đó, điều trị cao huyết áp phải theo một phác đồ chuẩn. Tùy theo nguyên nhân của cao huyết áp, mà bệnh nhân cần phải đặt stent hoặc sử dụng thuốc. Nếu bỏ điều trị, bệnh nhân cao huyết áp có thể bị tai biến hoặc đột quỵ rất nguy hiểm. Nếu người cao huyết áp đã có dấu hiệu suy tim, việc bỏ thuốc có thể dẫn tới tử vong.

Theo TS-BS Nguyễn Thị Bích Đào - Trưởng khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy: ước tính trên toàn thế giới, cứ 14 người trưởng thành có một người mắc bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường là nguyên nhân thứ tư gây tử vong, trong đó, 75% do biến chứng tim mạch. Việc theo dõi đường huyết tại nhà là cần thiết, nhưng những yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết của người bị đái tháo đường vẫn là chế độ ăn (quá nhiều đạm có thể làm tăng đường huyết, nhiều mỡ làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch), mức hoạt động của cơ thể, tình trạng sức khỏe (khi lo lắng, căng thẳng quá mức; mất ngủ; bị các bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy…). Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp... cần phải tuân thủ chế độ điều trị, đặc biệt phải tái khám định kỳ.

 AloBacsi.vn (Theo Phụ nữ TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]