Dưỡng sức sau sinh

Sau cuộc vượt cạn vừa mất sức, vừa lo lắng việc nhậm… chức mới nên nhiều bà mẹ trẻ bối rối, không biết nên giữ gìn sức khỏe như thế nào để không gặp tai biến.

15.6023

Sinh thường

Đối với những người sinh thường, nên nằm nghỉ ngơi khoảng 10 giờ. Sau khi bé "sổ lồng", các bà mẹ vẫn thấy bụng mình phình to (sờ thấy khối cứng dưới rốn), là do tử cung sau thời gian chín tháng mười ngày giãn nở sẽ cần khoảng ba-bốn tuần để thu nhỏ lại. Một số ít các bà mẹ sau sinh bị bí tiểu, tiểu khó, là do sinh khó, sinh con to, sinh thủ thuật. Để khắc phục những trường hợp này, các bà mẹ sau sinh nên được vận động sớm.

Trong trường hợp bị bí tiểu, có thể chườm nóng, tắm nước nóng, day ở vùng xương mu, xoa nắn bụng... Trường hợp không thể đi tiểu được, nhân viên y tế sẽ đặt ống thông tiểu và sản phụ phải tập phản xạ bàng quang… Người sinh thường cần chăm sóc vết khâu tầng sinh môn, nếu sau bốn ngày vẫn thấy đau nhức, cần đi khám vì có thể bị nhiễm trùng hoặc dị ứng chỉ khâu.

Sinh mổ

Khi nhờ bác sĩ… sinh giùm thì nên nằm nghỉ khoảng 12 giờ, sau đó tùy theo thể trạng, các bà mẹ được hướng dẫn vận động sớm. Người sinh mổ cần luyện tập bằng cách tự xoay mình, sau đó từ từ ngồi dậy, nếu thấy chóng mặt nên nằm xuống để máu lưu thông lên não, không nên cố sức vì dễ té. Tốt nhất là nên có một người giúp đỡ trong ngày đầu tiên.

BS Lưu Thị Thanh Loan - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: "Vết mổ sau sinh nên được giữ sạch và thoáng, không nên băng kín quá. Sau sinh mổ ba ngày, thường vết mổ sẽ khô. Khi vết mổ đã khô, không còn chảy dịch thì không cần băng kín, chỉ giữ sạch là đủ. Nếu vết mổ chảy dịch, có thể thay băng vết mổ hàng ngày và chăm sóc bằng Betadin".

Đề phòng tai biến

Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng khám Phụ sản Eva Hoàng gia TP.HCM: "Thời kỳ hậu sản (sáu tuần sau sinh) là thời kỳ rất quan trọng. Băng huyết sau sinh (BHSS) và nhiễm trùng hậu sản là các tai biến sản khoa có thể gặp trong giai đoạn này. Đây là những tai biến rất nặng, có thể dẫn đến tử vong"

- BHSS thường gặp trong vòng 24 giờ sau sinh. Tuy nhiên, BHSS có thể gặp một vài ngày đến vài tuần sau, ngay cả sau khi bà mẹ đã xuất viện. BHSS thường gặp ở những người sinh nhiều lần, sinh con to, đa ối, sinh song thai, nhau tiền đạo, cao huyết áp thai kỳ, tiền sử nạo phá thai, có bệnh lý tử cung đi kèm như u xơ tử cung… Bác sĩ phụ sản sẽ nhận định những trường hợp có nguy cơ cao bị BHSS để có hướng dự phòng và xử trí thích hợp. Điều cần quan tâm là những phong tục không đúng như cho người mẹ nằm quá lâu, không đi lại sau sinh làm cho tử cung co hồi kém dễ bị băng huyết. Chườm nóng vùng bụng sau sinh cũng làm bà mẹ dễ bịmất máu.

- Nhiễm trùng hậu sản là nhiễm trùng đường sinh dục như tầng sinh môn, âm đạo, cổ tử cung, nội mạc tử cung, cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng… Đây cũng là một trong những tai biến sản khoa. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong. Nguyên nhân của nhiễm trùng hậu sản có thể có như sót nhau, các kỹ thuật sản khoa không đúng chỉ định, không đảm bảo vô trùng, sức đề kháng kém của người mẹ do dinh dưỡng kém trong lúc mang thai… Bên cạnh đó, những "phong tục" cũng góp phần không nhỏ trong việc làm tăng nguy cơ của nhiễm trùng hậu sản. Các "thói quen" không tắm trong suốt một tháng sau sinh cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng da, viêm nhiễm đường sinh dục…

AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ TP.HCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]