Giải mã bài thuốc dùng "tam độc" chữa bách bệnh

Hiện nay, nhiều người có thói quen dùng "tam độc" để chữa bệnh. Tuy nhiên dùng nọc độc của rắn, rết, bọ cạp chữa bệnh theo cách thủ công có thể nguy hiểm đến tính mạng.

32.3766

Theo ghi nhận của PV, nuôi bò sát trong nhà không còn là điều xa lạ đối với nhiều người tại TP. HCM. Có người nuôi vì thích được sở hữu những loài bò sát lạ, độc, nhưng cũng có không ít người nuôi với mục đích kinh doanh. Xung quanh vấn đề này là vô vàn những đồn thổi về tác dụng của các loài bò sát (mà điển hình là rắn, rết, bò cạp). Không ít người cho rằng, sau khi sơ chế thủ công, chúng sẽ có khả năng chữa bệnh. Nọc rắn, rết, bò cạp được y học thừa nhận có tác dụng chữa bệnh là điều không thể bàn cãi. Nhưng có những người vì tin vào những lời đồn đoán không có căn cứ nên đã dùng nọc 3 loài độc trên trộn lẫn vào nhau để chữa bệnh như những loại thuốc bình thường.

Nọc độc của rết của thể gây nguy hại đến sức khỏe con người

Lạm dụng chữa bệnh bằng nọc độc

Anh Hoàng Minh Quyền, ngụ khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết: "Rắn, rết, bò cạp ngày càng hiếm đi vì có nhiều người săn bắt. Hình ảnh những chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh đồ bên trong đựng những loài bò sát độc hại được rao bán khắp nơi không còn xa lạ. Bên cạnh những lời rao về tác dụng bổ thận, tráng dương là những câu rỉ tai về tác dụng chữa bệnh nếu cho chúng cắn vào tay, chân".

Thông thường tâm lý của người bệnh là nghe ai đồn gì cũng thử mong gặp được may mắn. Ông Hà Văn Tốt, ngụ thành phố Tân An (Long An) cho biết: "Con trai tôi bị bệnh động kinh từ nhỏ, mỗi lần lên cơn là nó lại co giật, sùi bọt ở miệng. Nghe mấy người bạn tập thể dục cùng ở công viên mách nước, tôi mua bò cạp về nuôi. Mỗi lần nó lên cơn là tôi cho bọ cạp cắn vào người. Tôi thấy nó cũng giảm bớt được một phần. Có người hàng xóm nhà tôi sau khi tai biến bị liệt nửa người, cũng cho bò cạp cắn mỗi ngày. Cùng với tập vật lý trị liệu, giờ cũng đã có thể cử động".

Chưa dừng lại ở đó, có những người còn ăn cả thức ăn do rết, rắn cắn. Họ cho rằng không thể lấy được nọc của những con vật này, nên khi chúng cắn vào những con vật khác, nọc độc sẽ lưu lại trên đó. Ăn thịt con vật bị cắn sẽ giúp chữa nhiều bệnh, đặc biệt là những người già. Chị Nguyễn Xuân Q., ngụ đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức nói: "Tôi bị đau khớp lâu ngày, gần đây lại mắc thêm bệnh đường ruột nên mỗi lần có gió mùa là rất đau. Tôi nghe nói dùng nọc rết có thể giảm đau nên cũng nhờ người cháu tận Tây Ninh bắt rết cho. Tôi cũng mới chỉ nghe nói nhưng chưa dám ăn vì sợ nọc rết rất độc, có thể tử vong".

Anh Hoàng Văn Châu (Nghệ An) người có hơn 30 năm chữa bệnh rắn cắn

Thành thuốc độc nếu dùng sai cách

Trao đổi với PV, một bác sĩ Đông y cho rằng, việc dùng ba loại nọc độc của rắn, rết, bọ cạp chữa bệnh là có cơ sở nhưng phải được các nhà có chuyên môn sâu nghiên cứu, bào chế mới có tác dụng chữa bệnh. Nhiều người lấy nọc của những loại bò sát cực độc này rồi chế biến thủ công, sau đó sử dụng như một loại thuốc là rất nguy hiểm. Trên thực tế, rất nhiều người do tin tưởng uống các loại rượu ngâm rắn, rết đã bị dị ứng, toàn thân bị ngứa, sưng… phải nhập viện cấp cứu. Rượu ngâm rắn, bò cạp vừa tốt cho cơ thể, nhưng cũng rất có hại nếu bên trong có chất độc.

Anh Hoàng Văn Châu ở Hồng Sơn, Đô Lương, Nghệ An, một người có gần 30 năm chữa bệnh rắn độc cắn cho biết: "Tôi không được học qua nhiều trường lớp, nhưng nhờ đọc nhiều sách y học và kinh nghiệm của những người đi trước trong dòng họ truyền lại nên biết được nọc rắn có thể chế ra các loại thuốc giúp ngăn ngừa máu đóng cục, các cơn đau tim, điều trị bệnh parkinson, chứng cao huyết áp... Ngoài ra, nọc rắn còn có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Nhưng là nọc đã được bào chế cẩn thận, được các nhà chuyên môn nghiên cứu kỹ và cấp phép lưu thông thì mới có tác dụng chữa bệnh. Nếu dùng nọc rắn mới qua sơ chế thủ công thì rất nguy hiểm".

Ai cũng biết, rết có thể phóng nọc độc khi cắn, khiến đối tượng bị cắn sưng tấy, nôn mửa và sốt. Nọc của những con rết khổng lồ, những loại rắn độc như rắn hổ chúa, rắn cạp nong… có thể làm chết người nếu như bất cẩn chạm vào nó. Còn nọc độc của bọ cạp có thể làm tê liệt hoặc hủy hệ thần kinh. Tuy nhiên, việc nuôi, mua bán và vận chuyển những loại sinh vật này hiện nay rất sơ sài có thể gây nguy hiểm cho người thường xuyên tiếp cận.

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra và siết chặt hoạt động mua bán, nuôi nhốt những loại sinh vật có khả năng gây hại. Bên cạnh đó, người nuôi cần thận trọng khi lựa chọn những vật nuôi này. Trước khi mua thú cưng, người mua nên tìm hiểu kỹ xuất xứ, điều kiện sống của chúng. Khi nuôi nên nhốt cẩn thận và không để trẻ em lại gần và phải tiêm chủng cho vật nuôi (nếu vật nuôi nằm trong danh mục phải tiêm chủng định kỳ), không nên nuôi những loài có độc. Bởi nếu không may bị chúng tấn công, hậu quả sẽ khó lường.

Một bác sĩ tại Viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết: "Rết còn có tên là rít, bách túc trùng. Tên y học của nó là ngô công. Người ta bắt những con rết to, béo, đập chết, đem phơi hoặc sấy khô. Dược liệu ngô công có tác dụng tiêu mụn nhọt, giảm đau, chữa vết rắn cắn, co giật và tiêu sưng độc. Rết cũng được dùng để ngâm rượu làm thuốc. Đối với bọ cạp, toàn thân đều có thể dùng để bào chế thuốc. Thuốc từ bọ cạp, đặc biệt là chiết xuất từ nọc độc, dùng để chữa bệnh liệt nửa người, động kinh... Nọc độc của loại bọ cạp xanh có tác dụng chữa ung thư, parkinson... Để chữa được những bệnh đó, nọc độc cần được bào chế cẩn thận và nghiên cứu kỹ.

Không thể dùng theo cách truyền tụng

TS Nguyễn Bội Hương, phó giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết: "Công bằng mà nói, chúng ta không nên phủ nhận khả năng trở thành một bài thuốc hữu ích từ nọc độc các loại côn trùng như bọ cạp, rắn, rết,... Tuy nhiên, để các thứ côn trùng này trở thành một vị thuốc có ích, chắc chắn phải qua sự bào chế của những người có chuyên môn sâu, không thể sử dụng một cách tùy tiện theo những lời truyền tụng trong dân gian. Những người muốn phải dùng nọc độc của các loại động vật này cần hỏi ý kiến của bác sĩ, và cân nhắc cẩn thận trước khi điều trị".
AloBacsi.vn
 Theo Công Thư, Quyên Triệu - Người đưa tin
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]