Giải mã "tử thần" ung thư tuyến tụy

Dạng ung thư tuyến tụy mà Steve Jobs mắc phải chỉ chiếm 5% trong tổng số các ca bệnh ung thư tuyến tụy. Tỷ lệ bệnh nhân sống sót cực thấp.

15.6019

Steve Jobs vừa qua đời ở tuổi 56. Nguyên nhân cái chết không được tiết lộ, nhưng giới y học đều tin rằng thủ phạm là chứng bệnh ung thư tuyến tụy hiếm gặp mà ông mắc phải cách đây nhiều năm.

Năm 2004, tại thời điểm căn bệnh của Jobs mới được phát hiện, các bác sĩ cho rằng đây là một trường hợp hiếm gặp và có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật.
 
Họ cho biết các tế bào ung thư tuyến tụy của Jobs phát triển chậm hơn tế bào ung thư thông thường, do đó có thể chưa di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Jobs đã trải qua một cuộc đại phẫu để cắt bỏ một phần tuyến tụy và một phần ruột, sau đó toàn bộ ổ bụng đã được sắp xếp lại.
Steve Jobs
 
Theo LiveScience, dạng ung thư tuyến tụy mà Jobs mắc phải chỉ chiếm 5% trong tổng số các ca bệnh ung thư tuyến tụy. Tỷ lệ bệnh nhân sống sót của căn bệnh này cực thấp: 75% chết sau khi được chẩn đoán chưa đầy một năm và 94% qua đời trong vòng 5 năm.
 
Rất nhiều người nổi tiếng đã từng mắc phải căn bệnh đáng sợ này, thí dụ như nam diễn viên Patrick Swayze của phim "Oan hồn".

Vậy nguyên nhân nào khiến cho căn bệnh này nguy hiểm đến vậy?

Trước hết, căn bệnh này rất khó chẩn đoán. Theo bà Julie Fleshman, Chủ tịch tổ chức hành động vì Ung thư tuyến tụy (PCAN), hiện vẫn chưa có biện pháp phát hiện sớm nào đối với ung thư tuyến tụy.
 
Bệnh nhân chỉ được biết sau khi tế bào ung thư đã di căn. Hơn nữa, chỉ khi bệnh đã đến các giai đoạn cuối thì triệu chứng mới xuất hiện, bao gồm đau bụng, mất cảm giác ngon miệng, sụt cân đột ngột... Tất cả những triệu chứng này đều không có gì nổi bật nên rất dễ nhầm với các căn bệnh thông thường khác.

Còn theo Viện ung thư Quốc gia Mỹ, chỉ có 8% trường hợp được phát hiện trước khi tế bào ung thư di căn. Trong nhóm bệnh nhân này, 21,5% được chẩn đoán sống thêm 5 năm. Trong khi đó, những bệnh nhân được chẩn đoán muộn còn có tỷ lệ sống sót thấp hơn nhiều: chưa đầy 2% sống thêm được 5 năm.

Tuyến tụy nằm sâu bên trong ổ bụng, vì vậy việc quét CT cũng có thể không phát hiện được khối u nào, bà Fleshman giải thích.

Khó điều trị

Không chỉ khó chẩn đoán mà căn bệnh này còn rất khó chữa trị. Chỉ có 15% bệnh nhân có tế bào ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác tại thời điểm phát hiện bệnh được bác sĩ khuyên phẫu thuật. Với những trường hợp còn lại, bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc và các phương pháp điều trị thông thường.

Ngay cả việc xạ trị, vốn được áp dụng phổ biến trong điều trị ung thư, cũng không có tác dụng trong việc tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy. Do đó, bệnh nhân gần như không có sự lựa chọn nào cả.

Sở dĩ Jobs sống được thêm 7 năm kể từ sau khi phẫu thuật là vì các tế bào ung thư tuyến tụy hiếm gặp của ông phân chia chậm hơn bình thường chứ không phải do việc điều trị đã có hiệu quả, bà Fleshman nhận định.

Viện Ung thư Quốc gia ước tính trong năm 2010 đã phát hiện thêm 43.000 ca mắc ung thư tuyến tụy mới và gần 37.000 người đã không qua khỏi. Khoảng 20% số bệnh nhân có tuổi từ 55-64.

AloBacsi.vn
Theo Trọng Cầm - VietNamNet

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]