Gian nan chặn bệnh bạch hầu ở Phước Sơn

SKĐS - Sự việc 3 người tử vong và 10 người nghi mắc bệnh bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa qua đã dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người dân địa phương.

15.5995

Sự việc 3 người tử vong và 10 người nghi mắc bệnh bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa qua đã dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người dân địa phương. Tuy nhiên, phải tận mắt chứng kiến cách bà con “tự chữa bệnh” cho mình mới thấm thía những “góc khuất” đầy gian nan của các cán bộ y tế ở huyện miền núi xa xôi này trong nỗ lực mang lại sức khỏe cho đồng bào.

“Cúng rồi, không chết đâu mà lo!”

Đó là câu khẳng định chắc nịch của anh Hồ Văn Thiên (cha của bé Hồ Thị Đẩy, 2 tuổi) được cơ quan y tế xác định cháu bé là một trong những ca bệnh rất nặng. Sau 3 cái chết liên tiếp của người dân trong thôn, cơ quan chức năng vào cuộc và nhận định có ổ dịch, cháu bé Hồ Thị Đẩy là một trong những bệnh nhân nặng và cần phải điều trị. Tuy nhiên, gia đình không cho con đi chữa trị dù rằng cán bộ y tế từ sở đến huyện và xã hết lời vận động. Đâm trâu, cúng bái đó là cách vợ chồng này cứu con mình. Bất đắc dĩ, cán bộ xã và y bác sĩ phải đưa ra phương án chữa trị tại nhà, bằng cách hàng ngày cử người phát thuốc tận tay rồi tìm cách dỗ dành vợ chồng này cho con uống thuốc đều đặn. Dù biết gia đình nghèo này vay mượn tổ chức đâm trâu, cúng bái tiêu tốn gần 25 triệu đồng nhưng chính quyền cũng chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, không thể nào cấm đoán được. Thuốc vẫn uống, trâu vẫn đâm. Rồi đây, cháu bé khỏe mạnh, vợ chồng này cũng như dân làng sẽ tin vào viên thuốc hay chiếc đầu trâu treo giữa nhà khi mà anh chồng vẫn nói như đinh đóng cột: “Cúng rồi. Không chết đâu mà lo!”. Đó chỉ là một trong các trường hợp gia đình có người mắc bệnh hay có triệu chứng bị bệnh bạch hầu nhưng không chịu đi khám, điều trị ở cơ sở y tế mà chỉ ở nhà cúng bái.

Người dân được cấp phát thuốc phòng bệnh. Ảnh: Văn Hào

“Dỗ dành” rồi “cưỡng chế” để chữa bệnh

Ngồi nói chuyện với ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc mới hiểu được khó khăn của người lãnh đạo vùng cao này thế nào. Cái chết rình rập, cán bộ nói rát cổ họng nhưng dân không nghe. Theo ông Toàn, dịch bệnh bùng phát, tỉnh, huyện và xã chung sức thì có thể dập, nhưng những hủ tục cúng bái lại là mối lo, nguy hiểm gấp mấy lần dịch bệnh kia, dù rằng chính quyền đã nỗ lực hết mình. Ông Toàn cũng cho biết, đến thời điểm này, Phước Lộc vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên việc tiêm chủng không đảm bảo, thậm chí không thể thực hiện được, bởi vắc-xin lên đây không có tủ lạnh, làm sao bảo quản (?). Ướp đá lạnh từ dưới huyện mang lên đến nơi cũng đã tan rồi. Chỉ mỗi việc uống thuốc phòng chữa bệnh khi dịch đã bùng phát mà cán bộ, y bác sĩ còn phải dỗ dành, dỗ dành không được thì chuyển sang cưỡng chế, thúc ép họ mới chịu uống. Đấy chỉ là chuyện uống thuốc, chưa nói đến chuyện chích kim tiêm vào người là cả một vấn đề. Bởi với người dân nơi đây, viên thuốc và kim tiêm cũng làm họ sợ như ma quỷ, thần linh đã ăn sâu vào tiềm thức. Thế nên nếu vắc-xin có về đến nơi thì việc vận động tiêm phòng cho trẻ là điều không dễ thực hiện.

Cũng cùng tâm trạng như ông Toàn, một cán bộ trong đoàn công tác lo lắng: “Trước mắt thì có thể “cưỡng chế” để người dân uống thuốc và dịch có thể dập được nhưng để “cưỡng chế” và dập được những tập tục mê tín, cúng bái của người dân thì vẫn là một bài toán chưa có lời giải”.

Theo BS. Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phước Sơn, 6 người bệnh đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện đòi về hôm 16/7 và cán bộ y tế phải tiếp tục theo dõi tại địa phương, điều trị theo phác đồ đến nay sức khỏe tiến triển tốt. Cũng theo BS. Dũng, để theo dõi sát sao vùng bệnh, hiện có 8 cán bộ y tế huyện, xã túc trực tại Phước Lộc để nắm tình hình. Việc phun tiêu độc khử trùng vẫn đang tiến hành 2 ngày một lần, đồng bào được cấp phát thuốc kháng sinh để uống 2 lần/ngày.

Nguyễn Thành - Văn Hào

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]