Dường như dấu ấn của một nền văn hóa nông nghiệp vẫn còn in đậm trong lối sống của người dân ở các đô thị. Tâm lý ngại khách sáo, rào đón và cả ít tỏ ra tôn trọng người khác (kể cả trong lòng rất tôn trọng) thể hiện rõ qua giao tiếp thông thường.

Thêm một trạng thái tâm lý nữa, đó là cái gì thuộc trách nhiệm, bổn phận của ai đó thì người khác không phải cảm ơn. Ra quán, nhiều người rất ngại nói câu cảm ơn khi người phục vụ mang đồ đến. Họ xem đó là bổn phận, không phải là sự giúp đỡ. Thế nhưng một người dân khi được một công chức giải quyết hồ sơ lại cảm ơn rối rít mà quên mất rằng công chức đó đang thực thi chức trách của mình. Có người đi đường sai luật, bị cảnh sát giao thông thổi lại, xử phạt thì họ lập tức xin lỗi, thậm chí có người… khoanh tay lễ phép, mong được sự thương tình của người đang thực thi công vụ. Người đó cũng quên mất là bản thân mình không có lỗi với cảnh sát giao thông mà có lỗi với luật, sâu xa là với chính mình vì sự vi phạm đó có thể làm ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân.

Hình như có một sự đảo lộn vị trí để cười, để nói câu cảm ơn, nói lời xin lỗi!

Những nụ cườìi tại sân bay như thế này thể hiện tính văn hóa, văn minh như một lời chào làm hành khách sẽ phải hài lòng. Ảnh: HTD

Có người nói con người là một loài động vật biết cười. Con khỉ, con chó chỉ biết… nhe răng chứ không phải biết cười, vì cái nhe răng của nó không có cảm xúc. Vậy mà trong Người Trung Quốc xấu xí, Bá Dương viết: “Nhưng những cô y tá, những cô bán vé xe người Trung Quốc lại là một ngoại lệ (...), trừ phi vứt tiền vào mặt họ thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cạy mồm họ ra cho họ cười được”. Đến đây, cái phạm trù cười đã không chỉ để vui vẻ với nhau nữa mà đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở chỗ các nhân vật đó có phải là con người hay không.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều người không biết cười, nói đúng ra là họ không biết cười ở nơi rất cần cười (cửa khẩu sân bay chẳng hạn). Bởi vậy, gần đây đã có những tập huấn về… cười, tức là những nhân viên này phải cười và biết cười (chứ không phải chỉ nhe răng!). Cái cười ngẫm ra rất quan trọng bởi chẳng phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh chụp một cô gái Việt Nam đang cười lại được sử dụng làm hình ảnh quảng bá cho ngành du lịch. Nụ cười đó mang đến thông điệp: Hãy đến với chúng tôi, người Việt Nam luôn vui mừng chào đón quý vị!

Lời chào cao hơn mâm cỗ. Một nụ cười cũng có thể là một lời chào. Một câu xin lỗi đôi khi cũng là một lời chào chứ đâu phải lúc nào cũng hiểu đó là vấn đề xác định lỗi phải. Vì vậy, người Anh khi muốn hỏi điều gì bao giờ cũng nói: “Excuse me!” (cho tôi xin lỗi - vì đã làm phiền). Mà lời cảm ơn cũng có thể hiểu là một lời chào (tạm biệt) sau khi có được sự giúp đỡ của người khác. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tích cực trong mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan quản lý mà còn thể hiện tính văn hóa, văn minh giữa những con người với nhau.

Vậy thì giá trị của nụ cười, lời chào và lời cảm ơn đều… cao như thế, sao chúng ta không học tập và thực hành đi!

NGUYỄN MINH HẢI (Quận 3)


Video đang được xem nhiều