Hơn 20 câu hỏi được BS Thu Cúc giải đáp hôm 14/8

Từ 18-20h tối nay (14/8), bác sĩ Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc đã dành thời gian “online” tư vấn trực tiếp cho độc giả AloBacsi.

0

Số lượng câu hỏi không ngừng đổ về email: [email protected]  các cuộc gọi điện, nhắn tin qua số 0976 328 725  hoặc 0866 800 367 để được BS Trần Thị Thu Cúc tư vấn cũng không ngừng tăng lên.

"Khám bệnh Online hàng ngày" - Chuyên mục mới - phi lợi nhuận - tư vấn hoàn toàn miễn phí, được độc giả trong và ngoài nước quan tâm và theo dõi.

Sau hai ngày trực tại bệnh viện, BS Thu Cúc đã tranh thủ thời gian nghỉ ngơi của mình để đến với độc giả Alobacsi trên tinh thần tự nguyện nhằm tư vấn và giải đáp những thắc mắc bạn đọc gửi về.

Nội dung buổi tư vấn trực tiếp của BS Thu Cúc với đôc giả AloBacsi tối 14/8:

Minh Thien - ([email protected])

Chào bác sĩ,

Em bị ho đàm có màu trắng và ngứa ở cổ, đau xương bã vai và nhói ở ngực gây khó thở.  Em còn bị tiêu chảy, ra phân nhày và bị đau bao tử, em cảm thấy cơ thể mệt mỏi và gây chán ăn. Xin cho  em hỏi  em bị bệnh gì vậy bác sĩ ơi? Em lo lắm.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Tiêu chảy, phân nhầy nhớt, đôi khi có cảm giác mót rặn là một trong những triệu chứng của tiêu chảy nhiễm trùng. Bạn có thể bị tiêu chảy nhiễm trùng kèm nhiễm trùng hô hấp trên. Bạn nên ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, trong thời gian này nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa. Khò miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp bạn dễ chịu hơn.

Nếu bạn vẫn tiếp tục tiêu chảy, ho nhiều, đàm đổi màu kèm sốt, bạn nên đi khám để được điều trị kịp thời và nhanh chóng khỏi bệnh.

Thân ái,

Tu Nghia Tinh - ([email protected])

Thưa bác sĩ,

Cháu vừa sinh con được 17 ngày và đang cho con bú. Khoảng 10 ngày gần đây cháu liên tục bị đi ngoài phân sống, đi 4 - 5 lần 1 ngày và hay đau trong hậu môn. Sau sinh cháu phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ vì cháu có bị khâu tầng sinh môn. Sau sinh 12 ngày cháu đi khám lại ở phòng khám gần nhà, BS phát hiện cháu bị viêm đường tiết niệu và sót nhau thai. Cháu lại uống thêm thuốc theo đơn của BS để khắc phục những bệnh trên.

Mẹ cháu theo kinh nghiệm dân gian bảo cháu bị đi ngoài như vậy là do ăn hoa quả trong tháng cữ. BS giúp cho cháu biết nguyên nhân và cách điều trị với ạ. Thêm nữa là cháu cần kiêng ăn, nên ăn như thế nào trong giai đoạn này. Mẹ cháu nấu các món bà đẻ nên hay cho gừng, nghệ... và nấu mặn theo các cụ dạy thời trước, như thế có anh hưởng gì không ạ? Cháu cám ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Việc đi ngoài phân sống có thể do rối loạn hấp thu. Sau khi sinh bạn không cần quá kiêng cữ, nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để có nhiều sữa cho bé. Không nên ăn quá mặn hay ăn các thức ăn sống để đường tiêu hóa hoạt động tốt.

Nếu vẫn tiếp tục có cảm giác đau trong hậu môn, cảm giác mót rặn bạn nên tái khám để được kiểm tra vết khâu tầng sinh môn, kịp thời phát hiện những biến chứng nếu có nhé.

Thân ái,

Duy Phạm - ([email protected])

Chào bác sĩ,

Em bị tai nạn nên mu bàn chân bị bầm va lột da gần cổ chân. Chụp x quang thì không bị ảnh hưởng xương. Ngày đầu thì em có thể đi lại bình thường, sang ngày thứ hai em bị đau nhói ở mu bàn chân, nhói ở một điểm sau đó lan dần ra cả bàn chân không thể đi lại được.

Em đi khám BS chỉ tập trung khám ở phần da hở và nói là đau do vết thương chưa lành. Em biết đau ở phần da thì khác, còn em đau buốt ở bên trong. Không biết em có bị sao không, có phải bị bong gân không BS.

Hiện đã một tuần mà vẫn bị đau nhói và tê cả bàn chân khi thả chân xuống, khi để gác chân lên thì không thấy đau. Mong bác sĩ cho lời khuyên. Chân thành cám ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Với tính chất đau như bạn mô tả có thể đau do tổn thương thần kinh, nguyên nhân có thể do thần kinh bị tổn thương trực tiếp hay do vết thương phù nề chèn ép thần kinh gây đau. Khi gác chân lên không thấy đau, theo tôi trường hợp của bạn có thể do phù nề chèn ép gây đau. Nếu vết thương được xử trí tốt, tụ dịch giảm, triệu chứng đau sẽ giảm dần.

Nếu vẫn tiếp tục đau nhiều không đi lại được bạn nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa Chấn thương - chỉnh hình để được thăm khám kỹ hơn.

Thân ái,

Đoàn Phan Huy - Trảng Bàng, Tây Ninh

Chào bác sĩ,

Mấy năm nay tôi thường hay đi cầu nhiều lần trong ngày, có khi đi 3-4 lần, ăn thức ăn lạ là bị. Nhiều khi đi phân lỏng, lâu lâu có màu đen, mỗi lần đau là phải đi cầu liền. Tôi có đi khám tại BV Hòa Hảo cách đây 3 năm, BS cho chụp citi và chẩn đoán là xuất huyết tá tràng, tôi uống thuốc rồi nhưng không hết.

Lâu lâu tôi có uống viên thuốc Loperamide 2mg khi đau bụng thì thấy bình thường, xin BS cho tôi biết dùng nhiều thuốc này có làm sao không? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều!

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Loperamide là một thuốc có tác dụng làm giảm nhu động ruột. Vì vậy khi bạn đau bụng, ruột tăng co thắt nên Loperamide làm giảm đau nhanh và giảm tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc này lâu ngày sẽ gây lệ thuộc thuốc, nếu dùng quá liều có thể gây táo bón khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn.

Với các triệu chứng như bạn mô tả có thể bạn bị hội chứng ruột kích thích hay cũng có thể bạn bị viêm loét đại tràng. Bạn cần đến những bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để được nội soi trực tràng, nội soi đại tràng nếu kết quả nội soi trực tràng có vấn đề. Sau khi có kết quả nội soi BS sẽ có hướng chữa trị thích hợp cho bạn.

Thân ái.

Vy - ([email protected])

Chào bác sĩ,

Cháu tên Vy năm nay cháu 14 tuổi mà chỉ có bé xíu thôi. Cân nặng là 49kg chiều cao là 1m55. Mẹ cháu thì 1m50 bố cháu thì 1m70. Cháu biết là do gen. Nhưng cháu muốn phát triển chiều cao như các bạn. Cháu không có thời gian để đi học bóng rổ và bơi lội vì lịch học kín cả rồi.

Cháu muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp cháu còn cách nào khác để giúp cháu tăng chiều cao không. Cháu không biết loại sữa nào tăng chiều cao. Cháu có dùng thử sữa Grown 1 năm nay nhưng chỉ cao được có 3cm. Mong bác sĩ giúp cháu.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Muốn tăng chiều cao phải kết hợp luyện tập thể dục thể thao và chế độ dinh dưỡng. Nếu em không thể  chơi bóng rổ và bơi lội em có thể chơi cầu lông hoặc chạy bộ, bóng chuyền, nếu không có thời gian thì em có thể tranh thủ chơi các môn thể thao này vào giờ ra chơi hay giờ học thể dục. Các môn thể thao này cũng giúp phát triển chiều cao.

Về chế độ dinh dưỡng, em nên dùng các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa và các chế phẩm của sữa, sữa chua, phô mai, bơ, các loại hải sản… Tuy nhiên, việc cung cấp vitamin D cũng rất quan trọng vì vitamin D giúp hấp thu canxi, vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm sẽ tốt cho sức khỏe.

Hiện tại em 14 tuổi, đang trong độ tuổi dậy thì là thời điểm tốt nhất cho phát triển chiều cao. Chiều cao của em sẽ tiếp tục tăng lên nếu kết hợp tốt giữa chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao. Chúc em có một chiều cao như mong đợi nhé.

Thân ái,

Tran Thu - ([email protected])

Năm nay tôi 40 tuổi, kinh nguyệt không đều lắm, gần đây tôi bị rong kinh kéo dài hơn 10 ngày rồi, lúc đang hành kinh có thể mệt mỏi, đau lưng rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết tôi nên dùng thuốc gì và khám ở đâu? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Khi hành kinh thường kéo dài 3-5 ngày có thể 7 ngày, với tình trạng của bạn hành kinh 10 ngày được gọi là cường kinh. Có nhiều nguyên nhân gây cường kinh như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm, các bệnh về rối loạn đông máu…

Trước mắt bạn không nên dùng thuốc gì, bạn nên khám tại các BV có phòng khám sản phụ khoa để được tìm nguyên nhân và điều trị.

Thân ái,

Thuy Trang - ([email protected])

Chào bác sĩ,

Cháu năm nay 23 tuổi. Năm ngoái cháu đi khám bệnh tổng quát, tình cờ phát hiện bị nhiễm virut siêu vi B, nhưng bác sĩ chỉ dặn về ăn uống đầy đủ. Tới giờ cháu vẫn chưa đi khám lại, cháu không thấy mệt mỏi, chán ăn.

Vậy giờ cháu muốn đi xét nghiệm lại thì cháu cần xét nghiệm những gì ạ? Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Viêm gan siêu vi B: nếu virus tồn tại trên 6 tháng kèm men gan tăng gấp hai lần  giá trị bình thường có nghĩa là em bị viêm gan siêu vi B mạn. Trường hợp của em nhiễm siêu vi B và BS không điều trị theo tôi có thể là người lành mang virus. Em nên kiểm tra lại men gan: xét nghiệm AST, ALT, mỗi 6 tháng để phát hiện tăng men gan. Nếu men gan tăng, cần làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như: HBV DNA, HbeAg, AntiHbe, để quyết định điều trị bằng thuốc diệt virus đặc hiệu.

Siêu âm bụng mỗi 6-12 tháng để phát hiện khối u ở gan vì viêm gan siêu vi B có thể gây ung thư gan mà không cần chuyển qua giai đoạn xơ gan.

Thân ái,

Rất nhiều bạn đọc đã chủ động gọi điện thoại đến tòa soạn từ sớm để nhận được những tư vấn tận tình của BS Thu Cúc, khi trao đổi trực tiếp qua điện thoại BS có thể nắm rõ hơn tình trạng bệnh của độc giả để đưa ra lời khuyên tốt nhất đến bạn đọc.

Hết giờ tư vấn đã lâu nhưng bạn đọc vẫn gọi về không ngớt nên BS Thu Cúc đã nán lại hơn nửa tiếng để tiếp tục tư vấn cho độc giả AloBacsi.

Thay mặt bạn đọc AloBacsi.vn trân trọng cảm ơn tấm lòng của BS Thu Cúc và chúc mừng các bạn đọc/bệnh nhân có thêm kênh chia sẻ để giải đáp các thắc mắc về sức khỏe của mình và người thân!

Chương trình tư vấn sức khỏe của AloBacsi hoàn toàn miễn phí.
Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates -
Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.
Mời bạn đặt câu hỏi tại email: [email protected]

Trân trọng, 

* Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates (cha đẻ của Y học phương Tây) trước khi ra trường để hành nghề.

Nội dung chính là nhấn mạnh Y đức, BS phải cứu chữa cho người bệnh vô điều kiện.

Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

Đây là buổi lễ hết sức thiêng liêng
và lời tuyên thệ của sinh viên y khoa trong ngày tốt nghiệp vô cùng nhân văn và cao cả.


AloBacsi.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]