Khởi nghiệp làm ngay, chung tay hội nhập

Hơn 200 sinh viên đã có mặt tại Lễ phát động Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015, được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sáng 4/4. GTTNLVC do Báo Doanh Nhân Sài Gòn sáng lập và phối hợp cùng CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức từ năm 2010. Ở mùa giải thứ 5 này, chương trình có nhiều điểm mới về cách thức thi cũng như giá trị giải thưởng.

15.585

Mùa thi mới - nhiều điểm mới

Tuyên bố khởi động GTTNLVC 2015 của Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi - bà Nguyễn Thị Kim Dung - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, nêu một số điểm mới của cuộc thi năm nay gồm: Giá trị giải thưởng dành cho các thí sinh đạt giải tăng lên gấp đôi; BTC chính thức chấp nhận các đề án kinh doanh được thực hiện bởi một nhóm thí sinh; đặc biệt, BTC cung cấp hướng dẫn (format) tóm tắt đề án kinh doanh cho thí sinh được vào vòng 2. "Điều này sẽ hỗ trợ cho thí sinh có những bước chuẩn bị bài bản hơn, nâng cao chất lượng những đề án kinh doanh tham dự GTTNLVC 2015", bà Kim Dung chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, tiết lộ từ ông Nguyễn Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Brain Mark Việt Nam, Ủy viên BTC cho biết, sau khi vượt qua được vòng 1, các thí sinh sẽ nhận được nhiều hỗ trợ của BTC.

Trưởng BTC GTTNLVC 2015 - Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung, Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn tuyên bố phát động cuộc thi. Ảnh: Quý Hòa
Cụ thể, ngoài việc được các doanh nhân trực tiếp hướng dẫn cách triển khai đề án chi tiết cũng như cách trình bày và bảo vệ đề án, các thí sinh còn được tạo điều kiện tham quan các doanh nghiệp để có kiến thức thực tế. Ở vòng đặc biệt, trong thành phần Hội đồng Giám khảo có sự tham gia của các nhà đầu tư, và đây chính là cơ hội để các thí sinh "gọi vốn" cho dự án kinh doanh của mình.

Trước những thông tin hấp dẫn mà BTC công bố, Lâm Văn Bé, sinh viên năm I khoa Kế toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tỏ ra phấn khích: "Nhất định tôi sẽ tham gia sân chơi này". Ấp ủ ý tưởng kinh doanh vỏ điện thoại sáng tạo từ những vật liệu mới từ lâu nhưng vẫn chưa có cơ hội thử sức, biết đến GTTNLVC, sinh viên này đã biết mình nên bắt đầu từ đâu.

Câu chuyện của Lâm Văn Bé cũng là của những sinh viên giàu ý tưởng lẫn nhiệt huyết nhưng vẫn còn loay hoay ở điểm khởi đầu. "Hãy tranh thủ thời gian còn ở giảng đường, chưa bị áp lực kiếm tiền đè nặng để khởi phát những dự định của mình. Và, những sân chơi kinh doanh như GTTNLVC là cơ hội để bước đầu hiện thực hóa ước mơ bước vào thương trường của các bạn", bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food tư vấn.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, từ một vài điển hình của thế giới, hiện rất nhiều người trẻ cho rằng có thể thành công mà không cần đến với giảng đường đại học. Thực chất, những con người vượt trội ấy chỉ là số ít. "Đây là thời đại của kiến thức, muốn trở thành doanh nhân cũng phải học và GTTNLVC là môi trường tốt để học tập trở thành doanh nhân", ông Phong nhấn mạnh.

Khép lại Lễ phát động cũng là lúc trang thi trực tuyến của cuộc thi được mở ra. Từ nay đến hết ngày 30/5, thí sinh đăng ký tại địa chỉ www.doanhnhansaigon.vn ; hoặc http://luongvancan.doanhnhansaigon.vn.

Phần thi đầu tiên kiểm tra kiến thức về tư tưởng, đạo làm giàu của Lương Văn Can. Đạt yêu cầu, thí sinh sẽ tiếp tục được kiểm tra khả năng Anh ngữ. Vượt qua được vòng thi này, thí sinh sẽ bước vào vòng 2 với hình thức thi viết đề án kinh doanh. Qua 4 vòng thi, giải thưởng cho danh hiệu cao nhất lên đến 50 triệu đồng cùng một Học bổng toàn phần chương trình đào tạo Thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (trị giá 40 triệu đồng).

Khởi nghiệp làm ngay...

Trong khuôn khổ Lễ phát động GTTNLVC 2015, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã vô cùng hào hứng trước phần giao lưu, chia sẻ về chủ đề "Khởi nghiệp làm ngay - Chung tay hội nhập" của hai nhân vật khá nổi tiếng: Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam và ông Trần Ngọc Thái Sơn - Sáng lập viên, Giám đốc điều hành tiki.vn.

Các diễn giả giao lưu với sinh viên: Ông Phạm Hồng Hải (giữa) - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam và ông Trần Ngọc Thái Sơn (phải) - Sáng lập viên, Giám đốc điều hành tiki.vn. Ảnh: Quý Hòa
Một người làm thuê, một người điều hành doanh nghiệp (DN) của chính mình, nhưng cả hai diễn giả đều có cách nhìn chung về vấn đề khởi nghiệp: để thành công, phải đam mê và phải làm việc với tất cả nhiệt huyết của mình.

"Nếu như cách đây 10 năm, sinh viên ra trường chỉ có 2 lựa chọn là đi làm thuê hay đi học tiếp để có học vị cao hơn thì bây giờ, đã có lựa chọn thứ ba: khởi sự xây dựng một DN của riêng mình", ông Trần Ngọc Thái Sơn nhận xét. Theo ông Sơn, việc xây dựng một DN hiện tại đang khá thuận lợi nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, các quỹ đầu tư… Nhờ vậy mà xã hội ghi nhận nhiều gương mặt khởi nghiệp trẻ, táo bạo và thành công.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, chỉ cần có ý tưởng tốt, việc khởi nghiệp sẽ không quá khó khăn vì những rào cản như vốn, kiến thức chuyên ngành… đều có thể giải quyết. "Như trường hợp thành công của Uber hay WhatsApp, chỉ cần kết nối người dùng với nhu cầu bằng công nghệ thông tin là đã có thể thành công", ông Hải khẳng định.

Theo các diễn giả, hơn bao giờ hết, internet và sự phát triển của công nghệ đang hỗ trợ tối đa cho những người trẻ năng động mở cánh cửa kinh doanh. "Không nên giới hạn mô hình kinh doanh của mình chỉ ở trong nước. Hãy nghĩ đến thị trường lớn hơn, nghĩ đến chuyện bước ra thế giới", ông Trần Ngọc Thái Sơn tư vấn.

Tuy nhiên, cũng vì biển lớn nên sóng sẽ to. Ông Phạm Hồng Hải khuyên các sinh viên rằng, trong thế giới phẳng, việc cạnh tranh không chỉ diễn ra ở môi trường quốc gia, khu vực, mà là cạnh tranh toàn cầu. Nếu không cẩn trọng trong các quyết định và học hỏi không ngừng thì thất bại trong thế giới phẳng là điều khó tránh. 

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh ngiệp TP.HCM:

Qua nhiều năm theo dõi GTTNLVC, chúng tôi nhận thấy năm nay Ban tổ chức đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là cơ cấu giải đều cao hơn những năm trước.

Lễ Phát động tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM với sự tham dự của các giảng viên là những giáo sư – tiến sĩ và đông đảo doanh nhân cùng các sinh viên đã chứng tỏ sự hấp dẫn và thành công của Chương trình.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – "ngôi nhà chung" của hàng trăm doanh nghiệp TP.HCM - sẽ là chiếc "cầu nối" giữa lực lượng trí thức trẻ với các doanh nghiệp, vừa giúp các em tiếp cận với cơ hội việc làm vừa giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

GS.TS - Nhà nông học Võ Tòng Xuân - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Chủ tịchHội đồng Giám khảo GTTNLVC 2015:

Sau 4 năm gắn bó, với tôi, GTTNLVC là một vườn ươm những tài năng kinh doanh trong tương lai.

Hiện tại nền kinh tế của chúng ta đi lên rất chậm, không ổn định. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa được trang bị tốt khoa học kỹ thuật để áp dụng sản xuất ra sản phẩm nổi tiếng thế giới, nhất là về nông sản. Mặt khác, môi trường kinh doanh trong nước còn tồn tại nhiều doanh nghiệp "ăn xổi ở thì”, thiếu đạo đức với các đối tác.

Với tôi, điều quan trọng nhất làm tôi gắn bó với GTTNLVC qua nhiều năm chính là quan điểm khuyến khích sinh viên phải nuôi dưỡng cái tâm kinh doanh với đối tác, người tiêu dùng như tư tưởng của trí thức Lương Văn Can.

Thông qua việc hướng dẫn các sinh viên học nhuần nhuyễn kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, tôi kỳ vọng chúng ta có thể tạo ra lớp doanh nghiệp mới đi lên vững chắc từ nền tảng khoa học kỹ thuật và năng lực của mình.

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM:

Khởi nghiệp là một trong những mục tiêu đào tạo của nhà trường đối với lĩnh vực kinh doanh, tài chính. Và sinh viên ngày nay hoàn toàn đủ điều kiện để làm điều đó. Năm nay là năm đầu tiên Trường Kinh tế tham gia GTTNLVC ở vai trò phối hợp tổ chức.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều sinh viên kinh tế tham gia giải thưởng, đồng thời BTC sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn nữa với hệ thống doanh nghiệp. Tôi cho rằng GTTNLVC sẽ mở ra cơ hội để sinh viên có thể cọ xát thực tế và tích lũy kinh nghiệm nhằm trở thành các doanh nhân tốt, cạnh tranh lành mạnh trong tương lai.

Bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT, Trưởng ban Tài chínhCông ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học (HPT):

Tôi tham gia GTTNLVC ở vị trí giám khảo chấm thi từ vòng sơ khảo đế phản biện đề tài đến năm nay là năm thứ ba. Tôi nhận thấy càng về sau, các bạn sinh viên càng có kinh nghiệm hơn trong trình bày dự án.

Chất lượng các đề án càng ngày càng tốt hơn với những ý tưởng hấp dẫn với cá nhân tôi như môi trường, các ứng dụng thông tin áp dụng cho thực tiễn cuộc sống.

Năm 2015, tôi hy vọng BTC sẽ tiếp tục giới thiệu rộng rãi giải thưởng đến sinh viên của nhiều trường đại học trong thành phố, nhất là các trường liên quan đến nông nghiệp, kỹ thuật.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food:

Năm nay là năm thứ 4 Công ty CP Sài Gòn Food tài trợ cho GTTNLVC. Lãnh đạo Công ty đánh giá GTTNLVC là một sân chơi ý nghĩa, hữu ích cho các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào đời.

Ngoài hoạt động kinh doanh, lãnh đạo công ty cũng rất quan tâm đến các hoạt động xã hội, đặc biệt là trách nhiệm với sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước. Bản thân tôi cũng làm giám khảo, thành viên cố vấn cho CLB TNLVC trong nhiều năm qua.

Tôi làm điều này vì thời sinh viên của chúng tôi không đủ điều kiện để tiếp xúc với doanh giới nên với hoạt động này tôi nghĩ mình có thể chia sẻ được các kinh nghiệm kể cả thất bại lẫn thành công để các bạn sinh viên có thể khởi nghiệp tốt hơn.

Chúng tôi không phải chỉ chia sẻ kinh nghiệm mà qua các đề tài, ý kiến của các em cũng giúp chúng tôi cảm thấy mình trẻ lại và có được những niềm hăng say mới trong công việc kinh doanh.

Sinh viên Phạm Thị Thanh Tâm - năm 2 ngành Kế hoạch - Đầu tư, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Tôi đã tìm hiểu GTTNLVC từ lâu và đây là lần đầu tiên tôi mạnh dạn tham gia chương trình để thực hiện tiếp ước mơ mở một trang trại dê ở quê sau này.

Ngoài việc học hỏi quy trình lập dự án và kỹ năng quản lý nhân sự, tôi cũng mong muốn có cơ hội gặp gỡ trực tiếp các doanh nhân để hiểu mình cần chuẩn bị thêm những gì cho một dự án khởi nghiệp. Nhất định tôi sẽ kêu gọi bạn bè cùng tham gia sân chơi thú vị này.

 >>

NAM KHUÊ - LÂM NGHI - VÂN THẢO - QUÝ HÒA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]