Khởi nghiệp trong ngành di động từ đâu?

Nếu bạn đã từng nhiều lần muốn khởi nghiệp trong ngành di động nhưng chưa có một sự lựa chọn cụ thể, thì bài viết này sẽ tư vấn cho bạn những ưu nhược điểm của từng lĩnh vực công việc trong ngành được xem là "hot" nhất hiện nay.

15.5832

Sửa chữa ĐTDĐ

Song song với sự phát triển đa dạng của thị trường ĐTDĐ thì sửa chữa điện thoại hiện đang được xem là tiêu chí lựa chọn nghề hàng đầu đối với các bạn trẻ. Ưu điểm của nghề sửa chữa ĐTDĐ là không đòi hỏi trình độ học vấn cao, thời gian đào tạo ngắn (dao động từ 6 tháng đến 1 năm), và thu nhập tương đối ổn định. Đối với nghề này, người học có thể chọn lựa giữa các chuyên ngành như mở mạng, giải mã điện thoại, cài đặt phần mềm hoặc sửa chữa phần cứng... tùy theo sở thích cá nhân.

Sau quá trình đào tạo, người học có thể chọn lựa môi trường làm việc tại các cửa hàng, các trung tâm bảo hành, hoặc thậm chí mở một cửa hàng chuyên dịch vụ sửa chữa riêng cho mình. Thu nhập của nghề này tùy thuộc phương án kinh doanh của người học, bởi bạn hoàn toàn có đủ kiến thức để hoạt động trong hầu hết lĩnh vực mua bán linh kiện, điện thoại cũ, sửa chữa phần cứng hoặc cài đặt ứng dụng. Nhìn chung, nếu bạn cảm thấy thực sự thích thú với lĩnh vực di động thì đây là một lựa chọn rất lý tưởng.

Lập trình ứng dụng

Đây được xem là một lĩnh vực khá mới mẻ và đầy thách thức đối với hầu hết các bạn trẻ đang có tham vọng thành công trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, điều đòi hỏi đối với những người muốn học lập trình ứng dụng trên di động là phải thật sự sáng tạo, có năng khiếu và niềm đam mê đối với các ngôn ngữ lập trình vốn luôn đầy rắc rối và "khó nhằn". Bù lại, thời gian để một học viên có thể nắm được tương đối vững kiến thức về hầu hết các nền tảng ứng dụng cho iOS, Android và Windows Phone chỉ dao động từ 9 tháng đến 1 năm. Phần kiến thức còn lại sẽ được bổ sung trong quá trình làm việc hoặc những va chạm thực tế.

Hiện tại, người học ngành này có thể thoải mái lựa chọn môi trường làm việc cá nhân hay tại các doanh nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể tự mình viết một ứng dụng di động rồi đem bán chúng trên các chợ ứng dụng. Nếu đó là một ứng dụng có sự sáng tạo và ý tưởng tốt, biết đâu nó sẽ đem lại mức thu nhập mà bạn khó có thể tưởng tượng.

Mở cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ

Đây là một nghề không mới nhưng có thể sẽ không bao giờ cũ khi thị trường ĐTDĐ và thế giới công nghệ vẫn đang phát triển từng ngày. Câu hỏi đặt ra đối với hầu hết những người muốn theo nghề này chính là vốn đầu tư bao nhiêu là đủ? Kinh doanh cái gì? Nguồn hàng ở đâu?... Trong nội dung bài viết này, eChip Mobile khó có thể trả lời hết những câu hỏi trên, nhưng có một gợi ý được rút ra từ kinh nghiệm của đa số những người kinh doanh ĐTDĐ là lợi nhuận phần lớn có được là do mua bán máy cũ, cung cấp phụ kiện và cài đặt ứng dụng.

Nếu bạn có ít vốn và còn thiếu kinh nghiệm, cách tốt nhất là đừng mở cửa hàng ngay mà nên tập mua bán, trao đổi máy cũ trên mạng internet. Việc này không những giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ĐTDĐ, mà còn có thể giảm được tối đa những chi phí phát sinh trong việc duy trì hoạt động cửa hàng. Cũng cần lưu ý rằng, rủi ro đối với lĩnh vực mua bán điện thoại cũ là khá cao, và bạn cũng phải vui vẻ chấp nhận điều đó như những bài học kinh nghiệm.

Kinh doanh SIM số, thẻ cào

Được ví như là một nghề "lượm bạc cắc" nhưng kinh doanh SIM số, thẻ cào lại được xem là một trong những nghề có thể đem lại thu nhập ổn định cho những người kinh doanh. Hơn nữa, đây là một nghề phù hợp với hầu hết mọi đối tượng mà không đòi hỏi quá cao về kinh nghiệm, trình độ học vấn, vốn đầu tư. Thu nhập của nghề này tuy không thực sự hấp dẫn, bình quân chỉ bằng khoảng 4%-6% mệnh giá của mỗi chiếc thẻ cào, hoặc khoảng 5.000đ đối với một chiếc SIM mới, nhưng với sự phát triển của thị trường viễn thông hiện nay thì đây vẫn là một nghề có thể đem lại mức thu nhập cao và ổn định.

Song song đó, kinh doanh SIM số đẹp hiện cũng đang là một ngành có mức lợi nhuận hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng người tham gia. Tuy nhiên, để theo được lĩnh vực này, bạn không những cần phải có vốn đầu tư lớn mà còn đòi hỏi phải có kiến thức nhất định trong việc đánh giá, định giá một chiếc SIM số. Tất nhiên, những kiến thức này không phải có được qua quá trình đào tạo, mà hầu hết đều được rút ra từ kinh nghiệm thực tế của người kinh doanh.
 
Phóng viên, biên tập viên công nghệ

Có lẽ bạn hơi ngạc nhiên với lựa chọn này nhưng thực tế có rất nhiều phóng viên, biên tập viên của các báo, tạp chí công nghệ hiện nay đều xuất phát từ những người đam mê di động và các thiết bị công nghệ. Đối với lĩnh vực này, điều trước tiên mà những nhà tuyển dụng cần là bạn phải thật sự đam mê và có kiến thức tổng quát về lĩnh vực mà mình sẽ tham gia. Khả năng viết lách cũng là một yếu tố cần thiết nhưng không quá quan trọng, bạn hoàn toàn có thể trau dồi và rút kinh nghiệm thêm trong quá trình làm việc.

Vậy nên bắt đầu từ đâu? Phần lớn những người theo nghề này đều xuất phát bằng việc cộng tác với các báo, tạp chí hoặc diễn đàn trực tuyến, trước khi trở thành một phóng viên, biên tập viên chính thức. Đừng quá lo ngại về vốn kiến thức hay khả năng viết lách của bạn trong những lần đầu cộng tác, bởi các biên tập viên có kinh nghiệm luôn hiểu và biết cách để giúp bạn trở thành một phóng viên, biên tập viên giỏi trong tương lai. Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của bạn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]