Liệu pháp gen trong điều trị ung thư

Trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh ung thư, các nhà khoa học Nhật Bản đã đưa liệu pháp gen và miễn dịch vào chế tạo văcxin và thay thế thuốc chữa bệnh.

15.6042

GS Ken Ichi Arai - Ảnh: MINH ĐỨC
 
Tại hội nghị liệu pháp gen và miễn dịch 2013, GS.TS Ken Ichi Arai, chủ tịch Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương, nguyên hiệu trưởng Học viện Khoa học y tế - Đại học Tokyo, Nhật Bản - đã có trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này.

* Xin giáo sư cho biết vai trò của liệu pháp gen và miễn dịch trong chiến lược điều trị bệnh nói chung và điều trị ung thư nói riêng quan trọng như thế nào?

- Liệu pháp miễn dịch đã được nghiên cứu phát triển tại châu Âu từ những năm 1890, người ta cho rằng liệu pháp miễn dịch là phương pháp kỳ diệu để chữa các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virút gây ra và từ đó có nhiều liệu pháp miễn dịch phát triển với liệu pháp đầu tiên mà hiện nay chúng ta biết đến nhiều là khám phá ra kháng sinh penicillin. Từ đó đến nay liệu pháp miễn dịch chứng tỏ ưu thế của mình hơn các liệu pháp khác trong điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư.

Với điều trị ung thư, liệu pháp hóa trị sẽ tập trung tiêu diệt các tế bào tăng sinh mạnh, tính chuyên biệt không cao dẫn đến việc gây ra tác dụng phụ và gây tác động xấu đến các tế bào bình thường. Trong khi đó liệu pháp miễn dịch có thể dùng cơ chế tự nhiên tác động lên hệ miễn dịch cơ thể người để hệ miễn dịch phân biệt đâu là các đặc điểm độc nhất của tế bào ung thư so với tế bào bình thường và tiêu diệt tế bào ung thư theo hướng chuyên biệt. Vì tính ưu việt này nên các nhà khoa học đang theo đuổi nghiên cứu làm sao tăng cường nhận diện của hệ miễn dịch với riêng tế bào ung thư và hạn chế tác động của chính hệ miễn dịch đó với các tế bào bình thường, dùng tế bào miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư thay cho các liệu pháp truyền thống.

* Theo ông nói, liệu pháp gen đã được đưa vào điều trị bệnh từ lâu nhưng đến nay những ca chữa trị thành công bằng liệu pháp này còn khá ít phải chăng vì quá khó khăn và bao giờ mới trở thành liệu pháp thường quy?

- Về nguyên lý điều trị bệnh bằng liệu pháp gen rất dễ, như sửa một chiếc xe, hư bộ phận nào ta thay bộ phận đó nhưng về kỹ thuật không đơn giản. Một gen hư nằm ẩn trong nhân tế bào, làm sao phát hiện, lấy ra và thay thế bằng một gen khác.
 
Hiện chúng ta đã có công nghệ lấy gen đồng dạng đưa vào tế bào. Gen này sẽ đi tìm các gen giống nó để thay thế. Còn một kỹ thuật khác mới và có vẻ hữu hiệu hơn là thay vì mang gen vào sâu trong tế bào để thay thế thì người ta vẫn để nguyên gen trong tế bào của nó, ví dụ như tế bào gốc và tế bào này sẽ thay thế tế bào hư.
 
Ngoài ra công nghệ gen đã có thể hướng đến các tế bào miễn dịch quan trọng để bảo vệ hệ miễn dịch. Ngày nay liệu pháp gen còn một điểm đáng quan trọng mà chúng tôi muốn đưa công nghệ này vào Việt Nam, đó chính là chế tạo các loại văcxin phòng bệnh chứ không chỉ là việc chữa bệnh phức tạp như nói ở trên. Gen sẽ tạo ra kháng nguyên khi chích vào cơ thể.

Có điểm cần làm rõ là liệu pháp gen không thay đổi gen mà chuyển gen khỏe mạnh vào thay thế gen bị hư, điều trị bệnh di truyền, tạo văcxin và thay thế thuốc hóa học điều trị bệnh.

* Còn nhiều tranh luận ở góc độ đạo đức, pháp lý trong việc điều trị bệnh bằng liệu pháp gen cũng như người ta ngại chi phí cao. Ông có thể chia sẻ thêm?

- Chi phí cho trị liệu bằng liệu pháp gen không tốn kém nhiều, ngay phần tổ chức kỹ thuật trị liệu bằng gen cũng không phức tạp như trị liệu bằng thuốc protein hay các liệu pháp khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang phải rất cẩn thận vì các hiệu ứng mà người ta chưa đoán được. Một trong những hiệu ứng có thể xảy ra là hiệu ứng di truyền, bỏ gen vào sẽ ảnh hưởng đến tế bào trứng, tế bào tinh trùng gây ảnh hưởng đến thế hệ sau. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều công nghệ có tiềm năng an toàn lớn là dùng các tế bào không phải là tế bào sinh sản.

Vấn đề ủng hộ hay không với liệu pháp gen thay đổi theo từng nước, trong đó nước Nhật là khó nhất do người ta nhìn nhận ở góc độ văn hóa chứ không phải khoa học kỹ thuật. Mỹ thì thoáng hơn nhưng họ lại rất cẩn trọng. Tuy vậy hiện nay Mỹ đã cho thử nghiệm một số liệu pháp sẽ mở đường cho việc điều trị bệnh trong tương lai.

Hội nghị liệu pháp gen và miễn dịch 2013 được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) trong hai ngày 21, 22-3 để chia sẻ những tiến bộ và ứng dụng của lĩnh vực gen và liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư và bệnh mãn tính. Tham gia hội nghị có 200 nhà nghiên cứu, giáo dục, kinh doanh trong và ngoài nước về lĩnh vực này với 75 báo cáo của các nhà khoa học đến từ 11 quốc gia. GS Ken Ichi Arai cho biết sau hội nghị này, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu chung...
AloBacsi.vn
Theo Tuổi trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]