Lợi ích "không tưởng" khi mẹ tiếp xúc với con ngay lúc chào đời

Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé ngay sau sinh giúp bé bớt khóc, cải thiện tương tác mẹ con, giữ ấm trẻ và giúp mẹ cho bé bú dễ dàng.

0

Thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho thấy lợi ích của cái ôm đầu tiên khi bé sơ sinh vừa chào đời. Nó còn trở thành một chiến dịch nổi tiếng được Tổ chức Y tế Thế giới WHO phát động trên toàn thế giới.

Chiến dịch ‘Cái ôm đầu tiên’ của Tổ chức Y tế Thế giới

Vào ngày 14/7/2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động chiến dịch ‘Cái ôm đầu tiên’ tại Việt Nam và nêu cao tầm quan trọng của hành động này đến với những ông bố bà mẹ.

Cái ôm đầu tiên của mẹ có thể cứu sống trẻ sơ sinh giữa bờ sinh tử (ảnh minh họa)

Chỉ với một vài bước đơn giản này nhưng nó không chỉ đem lại lợi ích cho sức khỏe của trẻ mà còn có khả năng cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh. Hơn nữa, nó cũng có tác dụng ngăn ngừa hàng nghìn cơn biến chứng hàng năm do nguyên nhân các lỗi hoặc thực hành sai khi chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời.

Lợi ích "không tưởng" khi mẹ tiếp xúc với con ngay lúc chào đời

1. Ổn định thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở và đường huyết

Duy trì nhiệt độ cơ thể là điều hết sức quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Sự chuyển tiếp từ môi trường ấm áp trong tử cung ra môi trường ngoài lạnh lẽo, cộng thêm làn da ẩm ướt khiến trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.

Tạo hóa đã lập trình để chăm lo việc này. Ngực của mẹ ấm hơn nhiều so với các vùng khác của cơ thể, chỉ trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc 'da kề da', ngực mẹ sẽ tự điều chỉnh để làm ấm hay làm mát bé sơ sinh, tùy theo nhu cầu của trẻ.

2. Giảm khóc và căng thẳng

Tiếp xúc 'da kề da' giữa mẹ và con chỉ trong vòng 20 phút đã giúp làm giảm 67-72% nồng độ cortisol (hoóc môn gây stress) trong cơ thể bé. Kề cận mẹ cũng giúp bé đỡ đau và nhanh chóng phục hồi sau cuộc đẻ. Kết quả là bé được chăm sóc theo cách này thường ít quấy khóc và ít căng thẳng hơn.

3. Bảo vệ bé khỏi tác hại của việc tách khỏi mẹ

Nếu bị tách khỏi mẹ ngay khi mới sinh, tất cả các loài thú đều có phản ứng giống nhau: 'phản đối' rồi 'tuyệt vọng'. Ban đầu, con thú nhỏ 'phản đối' bằng tiếng gào khóc và ngọ nguậy dữ dội. Đây là đáp ứng bản năng khi thú con bị đẩy khỏi ‘môi trường sống tự nhiên’, nơi nó được cho ăn, ủ ấm và cảm thấy an toàn.

Tiếng khóc to và sự ngọ nguậy là sự phản đối của thú con nhằm thu hút sự chú ý của thú mẹ, để lại được gần gũi mẹ. Nếu mẹ và con bị cách ly trong một giai đoạn dài, phản ứng tiếp theo của thú nhỏ sẽ là ‘tuyệt vọng’.

4. Tạo điều kiện cho sự phát triển tối ưu của não

Khi mới chào đời, não của trẻ chưa trưởng thành hoàn toàn và có kích thước bằng 25% của người lớn.

Sự tiếp xúc của mẹ và con làm cho trí não của trẻ phát triển tốt hơn (ảnh minh họa)

Tiếp xúc 'da kề da' là một trải nghiệm đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan cảm giác. Sự tiếp xúc này giúp phát triển các đường dẫn truyền thần kinh - điều đặc biệt cần thiết cho sự trưởng thành của não. Tiếp xúc 'da kề da' cũng thúc đẩy sự trưởng thành của các hạch hạnh nhân, bộ phận quan trọng nằm sâu trong trung tâm não. Các hạch này liên quan tới quá trình hình thành cảm xúc, tạo lập trí nhớ và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm.

Trong thời gian tiếp xúc 'da kề da' với mẹ, phần lớn trẻ ngủ thiếp đi một cách dễ dàng và đạt được trạng thái ngủ sâu tự nhiên kéo dài 60 phút hoặc hơn. Điều này rất quan trọng vì giai đoạn ngủ sâu là một trong những yếu tố thuận lợi nhất giúp đẩy nhanh quá trình trưởng thành của não.

5. Kích thích tiêu hóa và giúp bé tăng cân

Chỉ sau 1 giờ tiếp xúc 'da kề da', hệ tiêu hóa của bé đã được phục hồi về trạng thái cân bằng tối ưu. Dây thần kinh phế vị được kích hoạt, dẫn tới tăng kích thước các vi mao trong lòng ruột bé sơ sinh.

Kết quả là diện tích bề mặt ruột tăng, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện. Chăm sóc 'da kề da' cũng làm giảm hàm lượng cortisol và somatostatin ở trẻ, tạo điều kiện cho bé hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ít bị rối loạn tiêu hóa hơn.

6. Tăng cường hệ miễn dịch

Tiếp xúc 'da kề da' giúp bé thu nạp các vi khuẩn quen thuộc từ làn da của mẹ. Điều này không gây nguy hiểm vì bé sơ sinh đã nhận được kháng thể chống lại đa số các vi khuẩn này ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Tiếp theo, cơ thể mẹ sẽ sản xuất các kháng thể chống lại vi khuẩn có trong môi trường của cả mẹ và của con. Các kháng thể này được truyền sang con thông qua sữa mẹ, giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng.

7. Tăng tỷ lệ mẹ cho con bú và thời gian cho con bú

Tiếp xúc 'da kề da' giúp khởi động hành vi tìm vú bản năng của trẻ. Bé sẽ ngậm bắt vú nhiều hơn và chính xác hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ bé bú mẹ ngay trong giờ đầu sau khi sinh tăng gấp đôi nếu bé được tiếp xúc ‘da kề da’ ngay thay vì bị quấn chặt trong tã.

.Hảo Min (tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]