Nếu con bạn béo, nên đưa đi khám tiểu đường

Chị Linh (Hà Đông, Hà Tây) đưa con 14 tuổi đi xét nghiệm đường huyết chỉ để phòng xa, nên đã sốc khi bác sĩ nói cậu bé bị tiểu đường. Bề ngoài cháu vẫn khỏe, ngoại trừ thân hình quá khổ: cao 155 cm mà nặng tới 75 kg.

15.6209

Giảm béo là cách tốt nhất để ngừa tiểu đường type 2. Ảnh: Corbis.

Lâu nay chị Linh vẫn biết chứng béo phì sẽ khiến Trường - con trai chị - đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật nhưng đó là chuyện tương lai, và cháu vẫn còn thời gian để giảm cân. Một lần, người bạn bác sĩ khuyên đưa Trường đi khám tim mạch, xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh dễ xảy ra với người béo. Chị làm theo; nhưng vì nghĩ đây chỉ là biện pháp phòng xa nên rất choáng váng khi nghe kết luận Trường đã bị tiểu đường type 2 - dạng bệnh thường do chế độ ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý gây ra.

Trường hợp cháu Trường vẫn rất may mắn vì được phát hiện khá kịp thời. Theo tiến sĩ Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều trẻ em và vị thành niên khác chỉ được chẩn đoán tiểu đường khi bệnh đã nặng, thậm chí có biến chứng. Trường hợp cháu Linh là một ví dụ điển hình. Ở tuổi 15, cháu đã nằm liệt giường với đôi mắt mù lòa và chân phải bị cắt đến đầu gối. Linh được phát hiện bệnh rất muộn, khi đã có biểu hiện tiểu nhiều, mệt mỏi, mờ mắt.

Tiểu đường type 2 vốn được coi là bệnh của người trưởng thành nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em và vị thành niên, thậm chí có cháu mới 11 tuổi cũng bị. Phần lớn các em bị thừa cân - béo phì. Việc ăn uống quá độ, ít vận động khiến chức năng tiết insulin để cân bằng đường máu dần suy giảm.

"Với tỷ lệ thừa cân, béo phì chiếm tới 12-20% lứa tuổi học đường như hiện nay, tiểu đường type 2 ở trẻ em sẽ ngày càng tăng" - ông Bình nói.

Việc bệnh xuất hiện quá sớm sẽ khiến bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nặng như hỏng chân, mù, suy thận... ngay ở tuổi 20 nếu không được điều trị đúng cách.

Điều nguy hiểm là cả người dân lẫn bác sĩ đều ít ai nghĩ đến tiểu đường type 2 khi khám cho trẻ em. Rất hiếm người nghĩ đến việc cho trẻ xét nghiệm đường huyết khi thấy dấu hiệu béo phì. Thậm chí có những cháu đã bị biến chứng hoại tử da nhưng chỉ được điều trị về da liễu.

Xạm da vùng cổ - gáy là dấu hiệu bệnh

Nếu như tiểu đường type 1 (do yếu tố bẩm sinh, không thể phòng ngừa) dễ chẩn đoán bởi triệu chứng rầm rộ như uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh chóng... thì tiểu đường type 2 rất khó nhận biết. Bệnh thường diễn tiến thầm lặng và khi có triệu chứng như trên là lúc bệnh đã nặng.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tạ Văn Bình, có một dấu hiệu xuất hiện ở nhiều trẻ tiểu đường mà cha mẹ có thể nhận biết để đưa con đi khám: Đó là vùng da đen xạm, có những nốt gai ở cổ, gáy, nách, khe ngực. Da vùng này dày lên, ram ráp, có các nhú ngắn như gai màu đen, vân da sâu xuống (nên dấu hiệu này được các chuyên gia gọi là gai đen). Các thống kê cho thấy khoảng một nửa số bệnh nhi tiểu đường có biểu hiện này.

Thừa cân nên xét nghiệm đường máu

Do dấu hiệu gai đen chỉ xuất hiện ở một số bệnh nhân nên phụ huynh không thể dựa vào biểu hiện bên ngoài để phát hiện sớm bệnh tiểu đường type cho trẻ. Cách duy nhất để trẻ được điều trị kịp thời là chủ động đi khám, xét nghiệm máu.

Cách tính BMI: Lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là bình thường. Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), tiêu chuẩn này ở trẻ em cũng tương tự như người lớn.

Các chuyên gia nội tiết khuyến cáo, những trẻ em thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI trên 25) và béo phì (BMI từ 30 trở lên) nên đi xét nghiệm đường máu để tầm soát bệnh tiểu đường. Với những trẻ có bố hoặc mẹ bị bệnh, điều này càng đặc biệt cần thiết.

Bệnh tiểu đường dễ gây tàn phế, chi phí điều trị khi có biến chứng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, trẻ bị tiểu đường có thể sống như người bình thường, lớn lên có thể sinh con đẻ cái. 

Tiểu đường type 2 hiện nay được điều trị bằng 3 liệu pháp: Dùng thuốc, vận động cơ thể và thực hiện chế độ ăn hợp lý. Chế độ ăn này cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để vừa duy trì đường huyết ổn định vừa đảm bảo cho trẻ tăng trưởng. Nguyên tắc cơ bản là giảm tối đa đồ ngọt, hạn chế chất béo, rượu bia, tăng cường chất xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất.

Cách phòng bệnh tiểu đường type hữu hiệu nhất là kiểm soát tốt cân nặng bằng chế độ ăn vừa phải và có thói quen vận động cơ thể.

Do phát hiện muộn nên tại Việt Nam, có khoảng 21-39% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng ngay khi vừa được chẩn đoán. Khoảng 80% những người bị tiểu đường có biến chứng mắt sau 10 năm. Sau 15 năm, tỷ lệ này gần như là 100%. Trên thế giới, cứ 30 giây có 1 người bị cắt cụt chi vì bệnh này.

Hải Hà 

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

 

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]