Người bệnh được lợi gì?

Qua khảo sát, theo dõi quá trình điều trị sau hơn một năm cho thấy chương trình điều trị methadon đã đưa lại nhiều tín hiệu mừng. Bệnh nhân cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ sống cũng như có công ăn việc làm ổn định...

15.6

(SKDS) –  Qua khảo sát, theo dõi quá trình điều trị sau hơn một năm cho thấy chương trình điều trị methadon đã đưa lại nhiều tín hiệu mừng. Bệnh nhân cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ sống cũng như có công ăn việc làm ổn định...

Tìm lại được chính mình

Cứ vào đầu giờ sáng là anh Lê H. ở thành phố Thanh Hóa lại có mặt ở Cơ sở điều trị methadon (nằm trong khuôn viên Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa). Anh đến để uống methadon rồi còn về đi làm. Hiện nhà anh cho thuê đồ đám cưới, còn anh thì lái xe nên công việc cũng rất bận rộn. Thấy chúng tôi, anh nán lại chia sẻ, anh “dính” vào nghiện ma túy từ năm 1995, đến nay đã 17 năm và cũng đã hơn chục lần anh cai nghiện để quyết tâm cắt đứt với “nàng tiên nâu” với rất nhiều hình thức như vào trung tâm, cai tại gia đình rồi đi cả du lịch tới nơi cách biệt với môi trường nghiện ngập... tốn hàng trăm triệu đồng mà vẫn chứng nào tật đó.
 
 Hàng ngày anh Lê H. đến cơ sở điều trị để uống methadon đều đặn.
 Thế mà từ khi uống methadon đến nay mới được 4 tháng anh thấy sức khỏe mình ổn định. Điều quan trọng là trong đầu anh không còn nghĩ tới ma túy nữa, dửng dưng khi nhìn thấy các bạn chích ma túy. “Tôi tự thấy trong con người tôi đến 90% là con người đã hoàn chỉnh” - anh nhấn mạnh điều này với chúng tôi để so sánh với thời gian trước kia, khi anh bị lệ thuộc vào ma túy. Anh bảo, đã là người nghiện thì bằng giá nào cũng phải có tiền để “chơi”: có người đi buôn bán, có người lấy tiền của gia đình, rồi phải đi trộm cắp... Tôi là người nằm trong cả mấy trường hợp đó. Lúc nào cũng phải dối trá vợ, con. Ngày ít cũng phải “nướng” đến vài trăm ngàn đồng, nhiều lên đến vài triệu. Khi có thuốc thì nằm im một chỗ, không có thì vật vã khổ sở... người chẳng ra người. Có dính vào nghiện rồi anh mới thấy là chẳng ai lại muốn nghiện.

Bây giờ, ở cái tuổi 50 rồi, đầu hai thứ tóc anh mới tìm lại được chính mình, nên anh rất phấn khởi và tuân thủ điều trị. Anh còn giới thiệu cho những người nghiện ở xóm anh tiếp cận với chương trình này.

Cùng chung niềm vui ấy, anh Bùi Đình T. chia sẻ thêm, mặc dù mới tiếp cận chương trình điều trị được hơn 2 tháng nhưng anh cũng không chích nữa, vừa tiết kiệm được tiền cho vợ con lại không phải vướng vào con đường trộm cắp, trong túi vẫn “rủng rỉnh”. Anh cho biết, khi “chơi” ma túy chỉ thỏa mãn được 4 tiếng là hết, sau đó là sự vật vã nhưng khi uống methadon thì không còn cảm giác khổ sở đó nên cứ đến giờ là anh tới cơ sở này để uống thuốc, cả ngày nghỉ lẫn ngày Tết...

 Và những tín hiệu mừng

ThS. BS. Hoàng Bình Yên, Trưởng Cơ sở điều trị methadon ở đây cho biết, chương trình methadon được triển khai thí điểm tại thành phố Thanh Hóa từ tháng 5/2011 với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) với chỉ tiêu 400 bệnh nhân. Hiện nay đang có 361 bệnh nhân đang điều trị (trong đó 246 bệnh nhân trong giai đoạn điều trị duy trì và 115 bệnh nhân còn đang trong giai đoạn dò liều).  Lúc đầu triển khai để thu dung bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn vì đa phần người nghiện nghĩ rằng đây là lý do tập hợp họ để đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (Trại 05-06). Nhưng bằng việc tham mưu, tổ chức hội nghị đồng thuận giữa các ban ngành từ tuyến tỉnh xuống huyện xã, tuyên truyền trên đài truyền hình, loa đài phát thanh, gửi thông tin bằng văn bản tới các xã phường về việc tiếp nhận hồ sơ... cơ sở đã tuyển chọn được nhóm hồ sơ đầu tiên uống thuốc. Sau khi nhóm này điều trị được hơn 1 tháng, các hồ sơ liên tục dày lên đến đăng ký, giờ đã vượt quá 120% hồ sơ theo quy định.

Qua khảo sát, theo dõi quá trình điều trị sau hơn 1 năm cho thấy chương trình đã đưa lại nhiều tín hiệu mừng: đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh thông thường giảm từ 8,6% sau 3 tháng điều trị xuống còn 2,3% sau 12 tháng. Bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm giảm từ 75% trước điều trị xuống còn 5% sau 12 tháng điều trị. Cân nặng trung bình tăng từ 1-14kg. Bệnh nhân tự đánh giá chất lượng cuộc sống của mình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trước điều trị 64,6% cho rằng chất lượng cuộc sống là kém, 25,4% bệnh nhân cho chất lượng cuộc sống của mình là trung bình thì sau 12 tháng điều trị chỉ còn 28% bệnh nhân cho rằng chất lượng cuộc sống của mình là trung bình và 72% bệnh nhân cho rằng có chất lượng cuộc sống là tốt. Cũng theo kết quả điều tra này, sau 12 tháng điều trị không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới nào trong số 331 bệnh nhân âm tính khi mới bắt đầu điều trị.

Bệnh nhân không chỉ có chuyển biến tốt về sức khỏe và tinh thần mà còn ổn định việc làm, tăng thu nhập. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm ổn định tăng từ 26% lên 52,4% (trong tổng số bệnh nhân tham gia điều trị). Môi trường sống (nơi có nhiều bệnh nhân tham gia điều trị) có nhiều thay đổi nhất là về trật tự xã hội, giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật trong số những người tham gia chương trình. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật trước điều trị là 35,4%, sau 1 năm điều trị giảm còn 1,3%. Mọi mâu thuẫn giữa bệnh nhân với gia đình và xã hội cũng giảm mạnh.

Có thể thấy bằng chứng của việc triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadon đã đem lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình bệnh nhân và xã hội. Nhưng hiện nay, theo ThS. BS. Hoàng Bình Yên, Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng, số người nghiện chích đông (hiện có khoảng 5.000 người) thì với chỉ tiêu 400 bệnh nhân với 1 cơ sở điều trị như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Vì vậy, rất cần có thêm phòng điều trị methadon đặt tại thành phố và các huyện nữa thì mới đáp ứng nhu cầu cho những bệnh nhân có mong muốn được điều trị.       

Bài và ảnh: Thu Hương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]