Sáng qua, tình cờ có hai thông tin về tiền tip (còn gọi là “bo”) đến cùng lúc với tôi, gây ra hai cảm giác trái ngược.

1. Một cơ sở chăm sóc da trên đường Cao Thắng công khai lưu ý với khách hàng “không nhận tiền tip” bằng cách ghi hẳn điều này vào phiếu thu tiền. Hỏi “Họ có làm đúng vậy không?”, nhiều khách quen của cơ sở này cho biết “Đã có đưa nhưng không nhân viên nào nhận”. Rất có thể cơ sở đã cộng phí phục vụ trên hóa đơn nên giờ không thu nữa. Cũng có thể cơ sở không muốn khách hàng bận tâm thêm điều gì khác ngoài việc mạnh dạn bỏ tiền một lần để được cung cấp dịch vụ nhiều lần với giá rẻ hơn so với việc mỗi lần đi mỗi lần trả tiền.

Được biết cơ sở này rất đắt khách vì chất lượng phục vụ tốt. Nhưng nhiều người khách nói họ cảm thấy thích thú với việc khỏi phải “bo”. Vì nếu “bo” đậm thì tính ra giá vé không hề rẻ; nếu “bo” ít thì có thể bị chê là “trùm sò” và lần sau đừng có mơ được phục vụ tận tình! Xem ra cơ sở đã có cách chiêu dụ khách hàng bằng việc tránh làm khách hàng khó nghĩ, hoặc có thể bị phân biệt đối xử.

2. Một người bạn Việt kiều cho biết: Như mọi lần, bạn ấy và các đồng hương về nước ăn tết đều phải kèm tờ 5 USD vào trong hộ chiếu để không bị hải quan sân bay gây khó dễ (!). Đã có người cố ý làm lơ việc này và sau đó nhận được ngay lời đề nghị “cho em xin chút đỉnh…”.

Khi lượng khách nhập cảnh đang tăng cao vào dịp tết (theo báo chí thì mỗi ngày có đến khoảng 10.000 khách), chắc chắn số tiền “bo” mà nhân viên hải quan nhận được là những con số không nhỏ. Có lẽ vậy mà một số nhân viên đã cố gắng “bày vẽ” để nhận được càng nhiều tiền “bo” càng tốt, bất chấp việc này có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh ngành hải quan của đất nước.

3. Gửi tiền tip hay “bo” là cách để mọi người thể hiện sự cảm ơn sau khi được ai đó cung cấp cho mình một dịch vụ và làm mình hài lòng. Dẫu chẳng có văn bản, giấy tờ nào quy định việc này nhưng cả hai phía (người được phục vụ và người phục vụ) đều xem đây là việc bình thường, thậm chí nhiều người được phục vụ còn cho đây là việc nên làm để người phục vụ có thêm thu nhập ngoài lương. Nghe đâu ban đầu do một số Việt kiều thích “bo” mà dần dần trở thành lệ xấu trong ngành hải quan.

Ở nước ngoài cũng có những quy định khác nhau về tiền tip hay “bo”. Như ở Pháp, phí dịch vụ cũng được tính trong giá hóa đơn nên không cần gửi tiền tip. Nhưng thông thường người Pháp lịch lãm vẫn để lại tiền thối nhỏ cho người phục vụ. Ngược lại, theo quy định chung của Singapore, nhân viên phục vụ ở mọi bộ phận không được nhận tiền tip. Chính quyền nước này cũng khuyến khích du khách không nên “bo” với mức 10% phí phục vụ được tính trên hóa đơn…

Như vậy, rất khó có câu trả lời thỏa đáng về việc nên hay không nên nhận tiền tip, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh hoặc làm dịch vụ. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận và những tính toán khác nhau mà các doanh nghiệp có thể để cho nhân viên của mình nhận tiền tip hay không. Tuy nhiên, sẽ hay hơn rất nhiều lần nếu ngay cả khi không có tiền tip, nhân viên vẫn làm việc hết mình để mang lại cho khách hàng sự hài lòng cao nhất. Và sẽ vô cùng tồi tệ, không thể chấp nhận được nếu bản chất của nó là sự vòi vĩnh của những cán bộ, nhân viên nhà nước đang hưởng lương bằng tiền đóng thuế của dân và phải có nghĩa vụ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hay ngành hải quan VN cũng thử công khai không nhận tiền tip như cách làm “khác người” của cơ sở chăm sóc da nêu ở trên?

PHẠM NGUYỄN(Quận 2)


Video đang được xem nhiều