Nhịn đi toilet dễ sinh bệnh

Tình trạng nhà vệ sinh quá bẩn hoặc quá thiếu khiến nhiều học sinh cố nhịn đại tiểu tiện ở trường. Các bác sĩ cho rằng đây là một thói quen nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh như trĩ, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận...

15.5878

Nên đi toilet ngay khi có nhu cầu. Ảnh: Corbis.

Trong những trẻ bị viêm đường tiết niệu đến khám và điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, không ít em có thói quen nhịn tiểu tiện do không có điều kiện "giải tỏa" kịp thời. Biểu hiện bệnh là đau buốt khi đi tiểu, tiết rắt, nước tiểu đục. 

Giáo sư Trần Đình Long, Trưởng khoa Thận - tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, nhịn tiểu tiện là một thói quen rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Trong một buổi học, thường trẻ có nhu cầu đi tiểu ít nhất một vài lần. Thông thường, nước tiểu phải được đẩy ra khi chứa đầy bàng quang. Nếu nhịn lâu, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là bàng quang.

Mặt khác, việc nước tiểu lắng đọng lâu trong bàng quang còn làm lắng cặn, góp phần tạo sỏi đường niệu, gây đau đớn cho bệnh nhi. Việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt. Một tác hại nữa của thói quen này là trẻ sẽ căng thẳng, khó tập trung vào học tập.

Vì vậy, khi có cảm giác cần đi tiểu, nên cố gắng "giải quyết" ngay.

Nhịn đi cầu - tác nhân gây trĩ

Theo bác sĩ Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), thói quen nhịn đi đại tiện đem lại hậu quả rõ rệt hơn rất nhiều so với nhịn tiểu tiện, bởi nó nhanh chóng gây táo bón. Bởi đại tràng thường xuyên rút bớt nước từ chất thải đường tiêu hóa nên để càng lâu, phân càng khô cứng và khó ra ngoài.

Trường hợp của bé Xuân, 4 tuổi, con chị Linh ở Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Có lần ở lớp mầm non, Xuân đòi ngồi bô. Sau khi phục vụ bé, cô giáo dặn lần sau cố gắng giải quyết ở nhà, đừng để đến lớp vì cô rất bận. Thế là từ đó, mỗi lần buồn đi cầu, bé Xuân đều cố nhịn cho đến lúc về nhà. Dần dần cháu sinh chứng táo bón, mỗi lần ngồi bô phải rặn đỏ mặt tía tai mới đi được.

Tình trạng như Xuân khá phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Việc trẻ cố rặn sẽ gây rách hậu môn, chảy máu và nhiễm trùng. Do sợ đau, trẻ càng ngại việc đi cầu nên khi buồn thì cố trì hoãn, khiến tình trạng táo bón càng nặng thêm. Không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn cũng lâm vào vòng luẩn quẩn này.

Táo bón lâu ngày là một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn đến bệnh trĩ. Do đó, các bác sĩ khuyên nên tìm cách đáp ứng nhu cầu đại tiện ngay khi có nhu cầu, tốt nhất là tạo thói quen đi vào một giờ nhất định.

Đừng vì thiếu nhà vệ sinh mà nhịn uống nước

Do không có nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều học sinh cố gắng uống thật ít nước để giảm số lần tiểu tiện ở trường. Thói quen này cũng rất có hại cho sức khỏe.

Giáo sư Trần Đình Long cho rằng, nước nhiều khi còn quan trọng hơn thức ăn. Nó giúp lưu thông khí huyết, lọc và đào thải các chất độc. Cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút.

Thiếu nước cũng khiến các loại sỏi dễ hình thành hơn. Chứng viêm đường tiết niệu và táo bón cũng khó cải thiện hơn khi không được cung cấp nước đầy đủ.

H.H.

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]