Những chuyện lạ trong khu rừng Miếu Cấm

Trong thời kỳ mà một tấc đất rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng rất nhiều công cụ hành chính, và những con người được đào tạo chuyên nghiệp để bảo vệ rừng, thì ở một nơi thuộc vùng bán sơn địa Quảng Nam có một ngôi làng mà người dân ở đây ra sức bảo vệ rừng như bảo vệ chính tính mạng của mình vậy.

0

Trong thời kỳ mà một tấc đất rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng rất nhiều công cụ hành chính, và những con người được đào tạo chuyên nghiệp để bảo vệ rừng, thì ở một nơi thuộc vùng bán sơn địa Quảng Nam có một ngôi làngngười dân ở đây ra sức bảo vệ rừng như bảo vệ chính tính mạng của mình vậy. Họ bảo vệ rừng chỉ bằng những điều ghi trong hương ước, một thứ lệ làng còn tồn tại với những điều tốt đẹp.

Bản hương ước giữ rừng

Chúng tôi theo con đường nhựa từ ngã ba Hương An (quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn, Quảng Nam) chừng 15km hướng về dãy núi Hòn Tàu cao chót vót, bốn mùa mây phủ mà đi. Nơi đây, câu chuyện về 6 tộc họ hết đời này đến đời khác giữ lại cánh rừng nguyên sinh chỉ nhờ vào bản hương ước của làng. Có lẽ khó có nơi nào mà người dân bảo vệ rừng nghiêm ngặt đến thế. Trên vùng đất bán sơn địa ấy, vẫn còn một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý lừng lững đứng giữa trời xanh. Suốt hơn 400 năm qua, 6 tộc họ ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã thay phiên nhau canh giữ khu rừng Miếu Cấm. Đứng ở một góc rừng miếu cấm làng Nghi Sơn nằm thoải mình trên dốc núi đẹp như tranh vẽ. Và ở đó, có những câu chuyện thật đặc biệt về cánh rừng Miếu Cấm được người dân nơi đây bảo vệ như bảo vệ kho báu của mình vậy...

Một nhà thờ tộc họ trong khu rừng Miếu Cấm.

Khi tìm hiểu về lịch sử ngôi làng, chúng tôi được biết tất cả người ở làng đều là con dân Thanh Hóa theo chân vua Lê mà Nam tiến mở cõi, khi đến vùng đất này họ đã hạ trại lập làng. Để tưởng nhớ làng quê cũ, những người khai khẩn đã lấy tên làng cũ là Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới. Cái tên đó đeo bám trên giấy khai sinh của bao thế hệ làng này từ đó mãi đến giờ. Ngôi Miếu Cấm trong khu rừng già này cũng hình thành từ đây. Nó được coi là thành trì tâm linh vững chãi của ngôi làng.

Đó là một khu rừng rộng chừng 10ha, xung quanh được bao bọc bởi những khoảnh ruộng bậc thang xanh mướt. Con đường độc đạo chạy quanh khu rừng già được điểm đủ sắc hoa dại từ sim, mua đến dủ dẻ, ngũ sắc, vông vang... cánh rừng xanh thẳm như chiếc ô khổng lồ nằm cạnh làng, che nắng mưa và cả dông tố cho làng. Ngôi làng nhỏ chưa đầy 130 nóc nhà này cứ bám quanh triền núi tạo nên một cấu trúc cư ngụ hài hòa đẹp mắt. Điều độc đáo là cổng vào nhà nào cũng có những gốc cây cổ thụ với đủ hình thế, thậm chí có gia đình còn tỉa tót cổng ngõ tạo nên những tán cây rừng xinh xắn. Những ngôi nhà lưng dựa vào núi đá, mặt hướng ra đồng ruộng bậc thang phía trước...

Các lão nông tri điền ở làng Nghi Sơn này cũng không biết “lệ” giữ rừng của làng mình có từ đời nào. Họ chỉ biết rằng ngay từ thời còn bé, những cây đại thụ của rừng đã đứng vững chãi, che chắn mưa bão cho làng. Đến mùa hoa nở, từng chùm hoa buông tỏa đỏ thắm, hương thơm phảng phất khắp đường làng ngõ xóm. Chính vì vậy, người dân nơi đây canh giữ rừng lộc vừng nghiêm ngặt như canh giữ báu vật của làng.

Cụ Đinh Hữu Chi (78 tuổi, trưởng tộc Đinh Hữu làng Nghi Sơn) kể lại. Cách đây gần 15 năm, trong một đêm mưa gió, ông bỗng nghe tiếng máy cưa nổ từng hồi nhỏ, sau đó có tiếng cây cối đổ ngã. Nghi có chuyện chẳng lành, ông cùng mấy thanh niên trong làng chạy đến nơi xem. Một cảnh tượng diễn ra trước mắt: Trong bóng tối màn mưa, 5 thanh niên đang chất cây gỗ bị cưa phạt ngang gốc lên xe tải. “Ăn trộm! Bỏ cây lại mau!” - ông Chi hét lên và rọi thẳng đèn pin vào bọn trộm. Nhưng đã muộn, bọn trộm đã rồ xe chạy mất. Sáng hôm sau, mọi người trong làng kéo đến tụ tập đông trước khu vực cây gỗ bị đốn hạ. Ai cũng xót xa khi tận mắt thấy cây to bị cưa chặt tứa nhựa. Phải làm gì để bảo vệ khu rừng quý giá của làng? Các cao niên ngồi lại bàn, cuối cùng thống nhất lập ra đội bảo vệ rừng, chia thành nhiều nhóm, thay phiên nhau canh gác. Đêm nào, bất kể mưa gió, lụt lội, đội cũng phải đi tuần quanh làng xem có kẻ lạ đột nhập vào rừng hay không. Và bản hương ước của làng được đưa ra để thực thi chính từ đó, rừng Miếu Cấm được gìn giữ cho đến giờ với màu xanh như thế. Cụ Chi cho biết: “Trong hương ước của làng ghi rõ, cần phải bảo vệ rừng, cấm bất cứ ai xâm phạm nơi linh thiêng ấy. Rừng do tổ tiên, cha ông trồng nên, tồn tại cùng làng bao đời qua, che mưa chắn gió cho làng nên nó có giá trị thiêng liêng như là linh hồn của làng. Đó là đặc ân lớn của làng. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng, thế thôi”.

Ông Phạm Đình Bảy, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết: “Cái quý nhất của rừng Miếu Cấm ở làng Nghi Sơn đó là giữ được vùng rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý. Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước. Kể cả người dân nơi khác cũng không ai dám vào rừng này để săn bắt, chặt cây, nên rừng mới giữ được như thế này”. Trong hương ước của làng ghi rất rõ: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than. Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng”.

Nguyên tắc bất di bất dịch ấy lưu truyền từ đời này sang đời khác, suốt mấy trăm năm qua, cả mấy chục năm chiến tranh rừng không bị tàn phá, ngay cả thời gian này, người ở trong làng cũng không ai dám vào rừng chặt cây, đốn củi. Có lẽ nhờ vậy rừng Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như hôm nay.

 Sự ngưỡng vọng và tự hào rừng thiêng

Đấy là chuyện giữ rừng bằng hương ước và tinh thần của người dân làng Nghi Sơn. Có một điều đặc biệt khác mà khi đến đây chúng tôi cảm nhận được, đó là khi tiếp xúc với một số người trong làng, thấy chất giọng ở đây không hẳn là giọng người Quảng Nam với lối phát âm rất dễ nhận biết. Người trong làng nói giọng miền Nam hơi pha một chút nhưng phát âm tuyệt đối chính xác, tròn vành rõ nghĩa chứ không đơn thuần như cách phát âm của người xứ Quảng. Trưởng thôn Nghi Sơn Đinh Hữu Hoàng cười cho biết: “Chỉ có làng Nghi Sơn này nói giọng như thế thôi. Đi ra là họ biết ở đây liền, mà thôn khác, làng khác cũng ở xã này không có được. Chắc có lẽ do nước uống mà tạo nên thế đấy!”.

Một bia thờ nhỏ trong rừng Miếu Cấm.

Về khu rừng Miếu Cấm, chẳng biết thuở trước tiền nhân tính toán thế nào, đất được chọn như thế nào mà khu rừng nguyên sinh hơn 10ha ấy lại nằm lọt thỏm giữa làng. Trong rừng lại xây một ngôi miếu, tương truyền là vô cùng linh thiêng. Ông Đinh Quốc Toàn (79 tuổi) kể rằng: “Miếu Cấm linh lắm! Hồi chiến tranh có tiểu đoàn biệt động quân ngụy vào phóng hỏa đốt rừng. Đang nắng như nung bỗng dưng trời sấm chớp, mưa gió vần vũ, mưa lớn dập tắt đám cháy ngay. Đám quân ngụy sợ quá bỏ chạy khỏi rừng. Ra đến ngoài thì trời vẫn nắng chang chang. Chúng sợ quá từ đó không dám bén mảng vào rừng Cấm nữa!”. Cũng theo lời kể của một người dân cao niên trong làng thì năm 2001, làng làm nhà thờ tiền hiền rồi bày lễ cúng rước bia trong miếu ra. Vừa đốt nhang lên, bỗng có con bướm to bằng bàn tay cứ bay quanh mâm cúng, rồi đậu xuống giữa đĩa trầu cau. Mọi người hoảng quá, ông chủ lễ xin bái tất rồi con bướm mới bay vào trong miếu.

Người dân trong làng còn lan truyền nhau một câu chuyện không kém phần ly kỳ: Năm ấy, có một đoàn cải lương về làng biểu diễn. Chiếc máy phát điện được đặt trên đình tiền hiền, nhưng quay thế nào máy cũng không nổ. Một người mang chiếc máy khác tới, nhưng từ diễn viên đến cán bộ xã xúm lại giật dây, nó cũng không thèm nổ. Một ông già lúc này mới lên tiếng bảo đưa ra khỏi đình, đặt chỗ khác là nó nổ ngay. Mọi người mang ra trước miếu, chỉ giật nhẹ máy đã nổ giòn giã, từ đấy mọi người càng kinh sợ. Chưa hết, khi thi công đường dây điện trung thế đi qua làng, mấy công nhân thi công vì không biết miếu linh thiêng nên không xin phép thần rừng, cứ thế chặt hạ một cây chò lớn rồi đường hoàng chở ra, đường bằng phẳng như thế, vậy mà vừa ra khỏi rừng là xe lật. Chạy một đoạn, lại lật tiếp...

Đặc biệt, bất cứ ai vào săn thú, chặt củi đều bị “con ma rừng” phạt cho một trận đau ốm, hay năm đó gặp một cái họa. Có người vào đốn cây chỉ để bán củi, về nhà mặt mày sưng phù, phải “giải” bằng cách vào miếu trong rừng khấn nguyện, xin “thần rừng” tha thứ mới tai qua nạn khỏi. Ngạc nhiên hơn, mỗi năm đến ngày giỗ làng, dân tứ phương tề tựu về đây khói hương và mang sản vật đến cúng bái.

Những câu chuyện huyễn hoặc về khu rừng Miếu Cấm ấy cứ kéo dài mãi. Mà cũng là đồn thế thôi, chưa ai khẳng định được điều gì, chỉ biết rằng giữ được rừng là rừng thiêng. Sự ngưỡng vọng và tự hào đã lan truyền nhiều thế hệ. Rừng rú nơi khác, nếu không bị chặt phá, phủ trọc đồi xanh, thì cũng bị phứa ngang lưng. Còn rừng Miếu Cấm vẫn được giữ nguyên vẹn, đảm luôn chức năng phòng hộ, giữ nước, nó được người dân gìn giữ như một “báu vật của làng”.

Rồi cứ thế, hằng năm ra tết âm lịch một tuần, dân trong làng tụ tập trước cổng đình để cúng bái tiền hiền, đền ơn người khai hoang lập đất. Người làng dù bán buôn đâu xa cũng tìm cách về dự hội làng. Người góp của, kẻ góp công để trống hội làng Nghi Sơn nổi lên khắp cánh rừng Miếu Cấm đặc biệt này.

Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]