Những điều cần biết khi chăm sóc người bệnh động kinh

Khi lên cơn co giật, cần đặt người bệnh nằm, dùng khăn mặt hoặc vật nhựa đặt giữa hai hàm răng người bệnh, tránh xa các vật sắc nhọn, để không gây chấn thương….

15.5986
Bệnh động kinh có thể chữa khỏi hoàn toàn, nghĩa là sau một thời gian dài chữa trị, bệnh thuyên giảm dần và không cần dùng thuốc nữa.

Tỷ lệ động kinh khó trị, kháng thuốc ngày càng tăng

PGS.TS. Ninh Thị Ứng - khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương, cho biết động kinh (ĐK) là bệnh mạn tính, người bệnh đột ngột có biểu hiện co giật 2 tay, 2 chân, giật mắt hoặc giật cục bộ một bên người hoặc thần ra vài giây (cơn vắng ý thức), bệnh phổ biến và khá phức tạp trong lĩnh vực bệnh thần kinh trẻ em.

Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới điều tra 108 nước trên thế giới (85,4% dân số toàn cầu) phát hiện được 43.704.000 người mắc động kinh, trong đó 30% bệnh nhân là trẻ em. Tại Việt Nam, tỷ lệ ĐK chiếm 0,5 - 1% dân số, tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, năm 2009 số trẻ mắc bệnh động kinh nằm điều trị tại bệnh viện là 672 trẻ, năm 2011 trên 900 trẻ. Còn số trẻ điều trị ngoại trú gấp 4 lần nội trú, và tỷ lệ ĐK khó trị, kháng thuốc có xu hướng ngày càng gia tăng 20 - 30%.

Nguyên nhân mắc bệnh là do nhiễm trùng thần kinh- di chứng viêm não, viêm màng não mủ, xuất huyết não, di tật não bẩm sinh, mẹ bị nhiễm trùng virus thời kỳ có thai, di truyền, đột biến gene, rối loạn chuyển hóa - thiếu men trong cơ thể…

Cần quan sát và mô tả kỹ cơn co giật với bác sĩ

Theo PGS.TS Ninh Thị Ứng, khi gia đình có người thân bị động kinh, bên cạnh việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh để cho người bệnh lao động gắng sức, tránh tác nhân kích thích, stress, cần để cho người bệnh ngủ đủ 8 tiếng buổi đêm, người bệnh không được dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
 
Ở trẻ, không nên để trẻ thức khuya, không nên đánh thức, bắt trẻ dậy đột ngột khi đang ngủ, cần hạn chế cho trẻ đi bơi, hoặc khi đi bơi phải có bố mẹ giám sát chặt chẽ, còn người lớn cũng phải có bạn đi cùng và để ý, nhằm tránh người bệnh lên cơn co giật khi đang bơi, gây nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, nên thực hiện chế độ ăn kiêng đối với trẻ ĐK kháng thuốc, là chế độ ăn giàu lipid (dầu thực vật, mỡ), protein (thịt, cá) tối thiểu và ít đường, cơm.

Đối với trường hợp người động kinh đang lên cơn co giật, không nên ôm chặt, giữ chặt, cần đặt người bệnh nằm, nhanh chóng đặt khăn mặt hoặc vật nhựa mềm giữa hai hàm răng để không cắn vào lưỡi, cho nới rộng cổ áo, tránh xa các vật sắc nhọn để không gây chấn thương. Đồng thời, người nhà cần quan sát cách co giật, giật bên nào trước; mắt, đầu quay sang bên nào; run giật cơ nào; hai bàn tay nắm chặt, co cứng hay ưỡn cứng, thời gian co giật. Người thân cần mô tả kỹ cơn giật, tạo điều kiện cho bác sĩ phân loại cơn động kinh và chọn thuốc kháng động kinh thích hợp.

Người bệnh cần tuân thủ điều trị của thầy thuốc, điều trị nhiều năm đến khi không có cơn co giật hàng ngày thì mới đi làm được. Trong công việc, cũng nên chọn những công việc phù hợp, tránh làm nghề lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài, làm nghề gắn với sông nước…

AloBacsi.vn
Theo Tuổi trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]