Những người “giữ linh hồn” người bệnh

Góp phần đáng kể vào thành công của những ca phẫu thuật, nhưng các bác sĩ gây mê ít người biết đến. Họ thật sự là những lương y thầm lặng trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh.

15.6042

Góp phần đáng kể vào thành công của những ca phẫu thuật, nhưng các bác sĩ gây mê ít người biết đến. Họ thật sự là những lương y thầm lặng trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh.

Công việc thầm lặng

Tại Khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức của Bệnh viện đa khoa Phú Yên, mọi hoạt động ban đêm vẫn như ban ngày. Dù ở bất cứ thời khắc nào, nơi đây vẫn được giữ vô trùng, các cửa đóng kín và đèn điện sáng choang. Nếu như trong phòng mổ, các phẫu thuật viên tập trung cao độ vào ca phẫu thuật thì bác sĩ gây mê căng mắt theo từng nhịp thở, huyết áp, nồng độ ôxy máu... hiển thị trên màn hình vi tính.

Bác sĩ gây mê luôn thầm lặng với công việc của mình.

Đây là khoa đặc biệt, không có bóng dáng của người nhà thăm nuôi bệnh nhân. Bệnh nhân càng khó nhận ra ai là người đã gây mê và theo dõi từng nhịp thở của mình. Vì khi vào đây tất cả đều bị gây mê, còn khi tỉnh lại họ đã được chuyển sang một khoa khác để chăm sóc sau mổ. Vì vậy, các bác sĩ gây mê thực sự là những "chiến sĩ" thầm lặng. Bác sĩ gây mê Trần Thanh Long, Bệnh viện Nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ gây mê hồi sức ngoại thần kinh tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên cho biết: "Để ca mổ được an toàn, bác sĩ gây mê phải biết đánh giá tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Tất cả những thông số này không chỉ được biết qua các công thức mà còn phải được đánh giá bằng chính sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp của từng bác sĩ gây mê. Và họ cũng phải phối hợp hết sức nhịp nhàng với phẫu thuật viên, hiểu được từng mũi dao của phẫu thuật viên ngay từ khi vết mổ bắt đầu đến khi khối u được bóc tách hay phần tổn thương được điều trị".

Ngoài ra, bác sĩ gây mê không chỉ quan tâm đến những thông tin về thể trạng của bệnh nhân để đánh giá họ có vượt qua được ca mổ hay không mà còn dành thời gian trò chuyện với người bệnh trước đó để giúp bệnh nhân có được "phép thắng lợi tinh thần". Trong ngành y gọi đây là giai đoạn khám tiền mê. Nghĩa là một ngày trước khi mổ bác sĩ gây mê phải tiếp cận với bệnh nhân để trấn an và giúp bệnh nhân yên tâm trước khi ca mổ bắt đầu. Chính tâm trạng thoải mái của bệnh nhân sẽ góp phần vào thành công của ca phẫu thuật.

Linh hồn của cuộc mổ

Ở Bệnh viện đa khoa Phú Yên, khối lượng công việc của một bác sĩ gây mê gấp 4 lần bình thường, bao gồm: phục vụ trong lúc mổ, sau mổ, tiếp nhận cấp cứu. Có những bệnh không cần mổ, nhưng Khoa cấp cứu phân loại bệnh vẫn đưa lên Khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức, chính vì vậy lượng bệnh nhân nhận vào khoa khá nhiều. Khoa hiện có 5 bác sĩ, 1 cử nhân gây mê, xong đảm nhận phần việc khá lớn.

Phẫu thuật một ca gãy tay không phức tạp cũng cần đến bác sĩ gây mê, nếu gây mê sai thì không thể sửa, bệnh nhân có thể tử vong. Có thể nói, linh hồn và thể xác trong mỗi ca phẫu thuật lúc ấy nằm trong tay bác sĩ gây mê. Phẫu thuật xong, bộ phận gây mê dọn dẹp "hậu trường" để tiếp tục chăm sóc sau phẫu thuật, ổn định chức năng sống. Theo BS. Trần Thanh Long, một ca mổ sọ não thì 70% phụ thuộc vào điều trị hậu phẫu. Cho nên cần phải thông cảm, chia sẻ và đãi ngộ. Công việc này, bản thân bác sĩ gây mê còn hít chất độc của thuốc gây mê. Ở Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM 1 kíp trực 6 người (ngày 3 kíp). Ở đây, kíp trực chỉ có 3 người (1 bác sĩ) vừa sơ cấp cứu bệnh nhân (khâu vết thương), hồi sức trước mổ, gây mê trong mổ và khi hồi tỉnh. Số lượng bác sĩ ít, tua trực dày như tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên là một áp lực rất lớn trong công việc. Phải có ít nhất 2 bác sĩ gây mê trong trường hợp nặng hoặc kíp trực phải có một bác sĩ phụ trách gây mê và một bác sĩ phụ trách hậu phẫu.

BS. Nguyễn Thị Thùy Linh là bác sĩ nữ duy nhất của khoa. Công việc ở đây không phân biệt nam hay nữ. Đã 7 năm vất vả trong nghề, BS. Linh tâm sự: "Công việc đặc thù vất vả đã đành. Song, điều đáng nói là nhân lực của khoa quá thiếu, lại gánh nhiều việc và không có sự hỗ trợ về kinh tế thỏa đáng nên không có điều kiện để tái tạo sức lực tiếp tục làm việc. Chúng tôi không chỉ trực tiếp gây mê, hồi sức mà còn tham gia nhiều việc như làm bệnh án, giải thích, thủ tục hành chính, bảo hiểm. Đặc biệt, trong các dịp tết, lễ, mùa cưới... có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do chấn thương. Có lúc bác sĩ đang gây mê trong phòng mổ, có trường hợp hồi sức khác thì bác sĩ phải chạy ra ngoài, có lúc không kịp ăn".

BS. Đặng Anh Toàn, Trưởng Khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức, cho biết: "Lượng bệnh nhân ngày càng tăng, nhất là trong những đợt phẫu thuật bằng kỹ thuật cao có sự hỗ trợ của tuyến trên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, các loại trung, đại phẫu cao hơn 400 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là, chỉ tiêu 5.500 ca/năm, đã thực hiện hơn 3.200 ca. Chế độ bác sĩ ở Khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức được hưởng theo chế độ Nhà nước, nhưng so với nhu cầu công việc thì quá thấp.

Song Hải

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]