Phòng chống bệnh cúm mùa tựu trường

Hiện nay cả nước có hơn 20 triệu học sinh, học tại 40.000 trường học trong cả nước. Trường học là môi trường thuận lợi để dịch bệnh phát triển do đây là nơi tập trung đông người. Bởi vậy, nếu trường học không bảo đảm vệ sinh môi trường thì đây sẽ là “mối nguy” lớn gây nhiều căn bệnh nguy hiểm – TS Trương Đình Bắc - Phó cục trưởng, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết.

15.5739
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả nhất

Theo Cục y tế dự phòng, kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm cho thấy, các trường hợp mắc hội chứng cúm thì tỷ lệ cúm A (H3) chiếm 56%, cúm A (H1N1) 26% và cúm B 18%.

Cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ em. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Ông Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng  - cho biết, bệnh cúm có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Tác nhân gây bệnh vi rút cúm chia thành 3 tuýp A, B và C; có 2 loại kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H và trung hòa N. Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt ở  nhiệt độ 56OC và các chất hòa tan lipit như chloramine, cồn… Tuy nhiên, chúng có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Nguồn nhiễm chính là các loài chim và gia cầm, tất cả các tuýp vi rút cúm A tồn tại trong quần thể chim nước hoang dại. Vi rút cúm B và C chỉ gây bệnh ở người. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ 1 – 5 ngày, trung bình là 2 ngày. Phương thức lây truyền qua đường hô hấp, qua không khí nhỏ giọt. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Ông  Khoa cho biết thêm, cùng với bệnh cúm thì một số dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong học sinh, sinh viên mùa khai trường như: bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Ebola. Vì vậy, những khuyến cáo cho học sinh và nhà trường nói riêng trong năm học mới cần tuyên truyền nội dung phòng bệnh cúm cho giáo viên, sinh viên, học sinh. Vệ sinh lớp học, phòng làm việc, đảm bảo thoáng mát trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông.

Còn với tất cả mọi người dân nói chung, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo mọi người bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 500 triệu - 1,5 tỷ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3 - 5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nhiều nhất khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]