Phòng và điều trị bệnh mề đay

15.6046

Mề đay là một bệnh dị ứng thường gặp ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng biểu hiện chủ yếu nổi những mảng phù màu hồng cao trên mặt da, ngứa.

1. Mề đay là gì?

Mày đay (có nơi gọi là bệnh mề đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến ở cộng đồng dân cư nước ta. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Bệnh mề đay là tình trạng phản ứng của các mạch máu ở da, niêm mạc gây nên hiện tượng phù tại chỗ làm cho da bị phồng lên giống kiểu nổi da gà nhưng lại kèm theo ngứa tại nơi nổi da. Bệnh nổi mề đay có thể đơn thuần tại một vùng da, niêm mạc nào đó trên cơ thể nhưng cũng có thể xuất hiện ở nhiều vùng và cũng có khả năng xuất hiện ở một số cơ quan khác gây nguy hiểm hơn.

2. Những biểu hiện của bệnh mề đay

Triệu chứng của mề đay là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên mặt da, kích thước và số lượng thay đổi khác nhau, có thể ở bất cứ vị trí nào trên da, khi mề đay khỏi không để lại dấu vết gì. Thông thường người ta chia mề đay ra làm 2 loại chính:

– Cơn mề đay cấp tính: Bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thể hiện trên những sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở…

– Cơn mề đay mãn tính: Đó là khi tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.

  • Mề đay thành vệt dài, thành vòng – mề đay xuất huyết.
  • Mề đay sần ở trẻ em – mề đay mụn nước, phòng nước.
  • Mề đay khổng lồ – đó là phù nổi đột ngột làm sưng phù mặt, mi mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục, thường sau vài giờ thì lặn, không ngứa chỉ gây cảm giác căng tức khó chịu. Mức độ nguy hiểm của dạng phù này là có thể làm phù đường hô hấp trên, gây hẹp thanh quản và họng dẫn tới khó thở, phải cấp cứu.
  • Mề đay cấp tiết Cholin: Xuất hiện khi đi ra nắng, vận động thể lực, xúc cảm hay gặp ở người trẻ tuổi. Mề đay nổi đột ngột rầm rộ khắp cơ thể gây cảm giác rất ngứa.

3. Nguyên nhân của chứng mề đay

– Do yếu tố vật lý như chấn thương, cọ xát, lạnh nắng.

– Do tiếp xúc các vật lạ qua da, qua đường hô hấp, do ăn uống, thuốc, mỹ phẩm, côn trùng, ký sinh trùng, vi khuẩn…

– Do di truyền, chủ yếu là chứng dị ứng do lạnh.

– Do các bệnh hệ thống: Có thể gặp mề đay kết hợp với bệnh Luput ban đỏ hệ thống, u ác tính, cường giáp trạng…cũng có nhiều trường hợp nổi mề đay nhưng không xác định được nguyên nhân.

4. Cách phòng bệnh mày đay

– Bệnh mề đay có nguyên nhân phức tạp nên nếu tìm ra được nguyên nhân và loại trừ chúng là bệnh khỏi hẳn. Những người (nhất là trẻ em) có cơ địa dị ứng với những chất như phấn rôm, tôm cua, sữa, xà phòng tắm… cần phải được loại trừ, không nên dùng lặp lại như những lần trước khi dùng đã xảy ra hiện tượng mề đay. – Nhiều trường hợp mỗi lần tiếp xúc với nước lạnh hoặc gặp thời tiết lạnh là nổi mề đay ngay, vì vậy cần mặc ấm mỗi lúc thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Mỗi lần giặt quần áo, rửa chén, bát nên dùng găng tay loại có độ dày thích hợp. Khi đã bị mề đay một lần cần đi khám bác sĩ ngay, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa dị ứng. – – Hiện nay thuốc dùng trong điều trị bệnh mề đay có nhiều loại. Tuy vậy dùng thuốc gì, liều lượng ra sao, dùng trong bao lâu rất cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho mình. Đặc biệt đối với trẻ em khi bị mề đay cần dùng thuốc chống dị ứng, thầy thuốc sẽ cân nhắc nên dùng loại nào cho thích hợp với từng loại lứa tuổi, có những loại thuốc chống dị ứng rất tốt nhưng không dùng cho trẻ em hoặc có loại thuốc chống dị ứng chỉ được dùng cho lứa tuổi này mà không được dùng hoặc không nên dùng cho lứa tuổi khác…

Theo khambenhonline

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]