Phụ nữ mãn kinh dễ mắc bệnh trượt đốt sống

TĐS thoái hóa thường gặp ở phụ nữ mãn kinh. Thoái hóa cột sống, đặc biệt là thoái hóa đĩa đệm và các mấu khớp, làm mất tính vững chắc vốn có của cột sống.

15.5165

Trượt đốt sống (TĐS) là bệnh lý cột sống thường gặp, xảy ra chủ yếu ở vùng cột sống thắt lưng - cùng và do nhiều nguyên nhân khác nhau như bẩm sinh, thoái hóa, chấn thương, bệnh lý... trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là trượt đốt sống do hở eo và do thoái hóa.
 
Bị trượt đốt sống thường có biến đổi tư thế thân người và dáng đi

Trượt đốt sống thoái hóa thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 40 - 50. Thoái hóa cột sống, đặc biệt là thoái hóa đĩa đệm và các mấu khớp, làm mất tính vững chắc vốn có của cột sống gây nên TĐS. TĐS thoái hóa gặp nhiều thứ hai sau TĐS do khe hở eo. Ngoài ra, các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư làm hoại tử hay phá hủy các cấu trúc của cột sống có thể gây trượt đốt sống.

Biểu hiện của TĐS là đau cột sống thắt lưng âm ỉ liên tục. Đau tăng khi cột sống phải chịu tải (đứng, đi bộ, lao động...), nằm nghỉ hết đau hoặc mức độ đau giảm nhiều. Thay đổi tư thế cũng gây đau cột sống, người bệnh phải chống tay vào đùi khi đứng lên. Bị trượt đốt sống nặng thường có biến đổi tư thế thân người và dáng đi, cột sống thắt lưng có thể có biến dạng lõm. Đau cách hồi là triệu chứng đau đặc trưng của bệnh TĐS. Bệnh nhân (BN) đau khi đi bộ nằm nghỉ hết đau. Những BN có chèn ép rễ thần kinh thường đau cả khi nằm nghỉ.

Nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong chẩn đoán bệnh TĐS như X-quang quy ước cột sống thắt lưng, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ nhưng cộng hưởng từ (MRI) là lựa chọn hàng đầu nhờ khả năng cho hình ảnh giải phẫu cột sống có độ nhạy cao nhất trong chẩn đoán thoái hóa đĩa đệm.

Phần lớn bệnh nhân TĐS được điều trị nội khoa. Những bệnh nhân đau cột sống khả năng điều trị nội khoa thành công cao hơn rõ rệt so với bệnh nhân có đau kiểu rễ. Điều trị nội khoa được thực hiện như cố định ngoài và hướng dẫn các hoạt động của người bệnh. Trong những đợt đau cấp phải được chỉ định nằm nghỉ, dùng các thuốc chống viêm, giảm đau; Điều trị vật lý, phục hồi chức năng. Điều trị phẫu thuật, chỉ định mổ khi bệnh nhân bị TĐS có tổn thương rễ thần kinh, có đau cột sống thắt lưng, điều trị nội khoa đầy đủ cơ bản nhưng thất bại; TĐS tiến triển.

Giải phóng chèn ép thần kinh trong phẫu thuật bệnh TĐS là khác nhau ở các nhóm bệnh. Trong bệnh TĐS do khe hở eo, nguyên nhân đau được cho là do các rễ thần kinh bị kích thích trong tình trạng cột sống không vững. Triệu chứng đau sẽ hết khi cột sống liền xương vững chắc bằng ghép xương.

Phẫu thuật điều trị bệnh TĐS luôn sử dụng nẹp vít cố định trong, làm tăng tỷ lệ thành công của phẫu thuật. ở những bệnh nhân kết xương, cột sống được làm vững ngay sau phẫu thuật, do đó quá trình hình thành can xương diễn ra thuận lợi, làm tăng tỷ lệ liền xương. Bệnh nhân có thể vận động sớm sau mổ, thời gian nằm viện ngắn.

AloBacsi.vn
Theo ThS.BS Phạm Anh Tuấn - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]