Phương pháp mới: Sốc điện tiền mê chữa tâm thần

Vẫn là sốc điện điều trị bệnh nhân tâm thần trong trường hợp bệnh nặng, kháng thuốc điều trị, nhưng trước khi sốc điện, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc tiền mê.

15.5449
Điều này giúp hiệu quả điều trị giữ nguyên, bệnh nhân tránh được những tác dụng phụ, giảm thiểu những nguy hiểm mà phương pháp sốc điện cổ điển gặp phải.
 
Bệnh nhân Nguyễn Văn K. (20 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định) bị rối loạn trầm cảm có hành vi tự sát. Bệnh nhân đã treo cổ tự tử nhưng được cứu. Sau đó, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không có kết quả, được chuyển lên Bệnh viện 103. Bệnh nhân này đã được sốc điện tiền mê 6 lần, đến nay bệnh nhân đã hết ý định tự sát. Bệnh nhân K. chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân được điều trị sốc điện tiền mê tại Bệnh viện 103.
 
BS Đinh Việt Hùng đang điều trị cho bệnh nhân

Theo TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, trước đây, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp sốc điện cổ điển. Nhưng phương pháp này có hạn chế là cơn co giật khiến bệnh nhân đau cơ, đau đầu, sai khớp, gãy xương. Một số bệnh nhân không may đang bó bột, cơ xương khớp yếu hoặc có những chấn thương nói chung, nếu phải sốc điện thì rất nguy hiểm. Đặc biệt, bệnh nhân và người nhà rất sợ khi phải sốc điện.

BS Đinh Việt Hùng, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho hay, phương pháp sốc điện có gây mê được đưa ra giúp bệnh nhân đỡ "sợ" và giảm thiểu tai biến. Nhưng phương pháp này có nhược điểm là chi phí lớn, đòi hỏi phải có kíp kỹ thuật gây mê hồi sức theo dõi bệnh nhân cả ngày (không thuận lợi cho những bệnh viện chỉ chuyên về tâm thần, không có khoa gây mê hồi sức; nếu muốn điều trị, phải mời kíp gây mê hồi sức ở bệnh viện khác sang).

Trên cơ sở thực tế điều trị, các bác sĩ Bệnh viện 103 đã nghiên cứu ra phương pháp sốc điện cải tiến. Đây là phương pháp có tiền mê với thuốc tiêm tĩnh mạch, phóng điện trong từ 0,8 - 1,2 giây tùy từng bệnh nhân. Với phương pháp này bệnh nhân chỉ có cơn nhai nhẹ ở vùng mặt chứ không có những cơn co giật kiểu động kinh. Khi tiền mê, bệnh nhân không mất ý thức hoàn toàn; sau tiêm thuốc 2 phút đã có thể sốc điện.
 
Nếu như sốc điện cổ điển có tỷ lệ tử vong nhất định (2/100.000 người), có biến chứng ngừng thở, sai khớp, gãy xương; sau cơn mất ý thức, bệnh nhân đau mỏi cơ khớp, lú lẫn, lo sợ... thì phương pháp sốc điện tiền mê giúp tránh được tất cả các hạn chế đó.

Trong chuyên khoa tâm thần, sốc điện là phương pháp cuối cùng được áp dụng khi bệnh nhân dùng thuốc không còn hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm từ chối ăn uống, trầm cảm có hành vi tự sát, hưng cảm tâm thần phân liệt... cũng được chỉ định sốc điện. Khi sốc điện, bác sĩ sẽ dùng thiết bị phóng dòng điện lên não bệnh nhân, mục đích là tạo cơn co giật xóa hết hoạt động tâm thần. Sau liệu trình, hoạt động tâm thần bình thường hoạt động trở lại, hoạt động tâm thần bệnh lý được xóa đi.
AloBacsi.vn
Theo Hoài Hương - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]