Phương pháp phát huy năng lực bản thân

LTS. Một công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Laura Morgan Roberts, Gretchen Spreitzer, Jane Dutton, Robert Quinn, Emily Heaphy, và Brianna Barker đăng trên Tạp chí Harvard Business Review sẽ giúp mỗi người khám phá những điểm mạnh nhất của mình.

0

Nhiều nghiên cứu cho thấy, con người thường tập trung chú ý nhiều hơn đến các thông tin tiêu cực (negative information). Ví dụ, khi được yêu cầu nhớ lại các sự kiện quan trọng đã xảy ra, người ta nhớ đến các sự kiện tiêu cực nhiều gấp 4 lần các sự kiện tích cực! Tất nhiên, những phản hồi truyền thống mang tính điều chỉnh luôn là cần thiết. Mỗi tổ chức đều cần định kỳ lọc ra những nhân viên không đủ tiêu chuẩn, sao cho mọi thành viên đều làm việc với một hiệu suất tốt nhất có thể.

Thật không may là những phản hồi nêu ra những khiếm khuyết như thế có thể khiến cho người nhận - đôi khi những nhà quản lý thật sự có khả năng - quá quan tâm đến việc chống đỡ, che giấu những điểm yếu của họ, hoặc thậm chí họ tự bắt buộc bản thân thay đổi theo những hình mẫu hoàn toàn không phù hợp. Điều hài hước là sự quá tập trung vào những vấn đề tương tự sẽ khiến công ty không thể có được thành tích tối đa từ nhân viên. Nói cho cùng, làm gì có cầu thủ bóng đá nào chơi tốt ở mọi vị trí trên sân?

Theo các nhà nghiên cứu ở Viện Gallup, như Marcus Buckingham, Donald Clifton và một số người khác thì giải pháp thay thế ở đây chính là nâng cao trình độ xuất sắc của hậu vệ nói trên bằng cách xác định rõ và tận dụng tối đa những điểm mạnh của riêng anh ta. Một nghịch lý trong tâm lý con người là:

- Trong khi người ta luôn nhớ những lời phê phán, họ lại luôn hưởng ứng, đáp lại những lời khen. Phê phán khiến chúng ta phải “phòng thủ” và không muốn thay đổi; trong khi ngợi khen giúp ta tự tin hơn, mong muốn làm tốt hơn. Nhà quản lý dựa trên điểm mạnh của nhân viên sẽ có khả năng đạt được tiềm năng tối đa của họ.

- Tuy nhiên, phương pháp tích cực này không hề bỏ qua những vấn đề mà cơ chế phản hồi truyền thống đã đặt ra. Ngược lại, nó đề ra một cách thức phản hồi đặc trưng, tách bạch, ngược với kiểu phản hồi đầy tiêu cực ở trên. Phương pháp này cho phép nhà quản lý có thể chỉ ra những điểm mạnh của nhân viên (mà nhân viên đã biết hay thậm chí chưa biết), giúp họ đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.

Trong vài năm gần đây, họ đã xây dựng một công cụ hiệu quả giúp hiểu rõ và tận dụng được những tài năng cá nhân: bài tập “Bản thân hoàn hảo nhất được thể hiện” (Reflected Best Self - RBS). Phương pháp này cho phép các nhà quản lý ý thức được những cái “tốt nhất” trong con người họ, từ đó phát triển tiềm năng tương lai. RBS là một phương pháp mới, xuất phát từ một ngành nghiên cứu với tên gọi “Nghiên cứu tổ chức tích cực” (Positive organisational scholarship - POS).

Một số điểm lưu ý khi sử dụng RBS

Một là, công cụ này không phải là để tán dương cái tôi của mỗi người; mà là để hỗ trợ chúng ta xây dựng một kế hoạch hành động hữu hiệu cho tương lai (làm xong RBS mà không xây dựng được kế hoạch này thì cũng như... chạy tại chỗ mà thôi!).

 

Hai là, những bài học có được từ RBS cần phải được quan tâm đúng mức, nếu không chúng sẽ mất tác dụng. Nếu bạn đang gặp sức ép về thời gian và công việc, khi làm bài tập này có thể bạn chỉ đơn thuần lưu lại thông tin và mau chóng quên nó ngay.

 

Bài tập này chỉ hiệu quả nếu bạn thực sự quan tâm, chuyên cần, thậm chí đôi khi cần có một người hướng dẫn giúp đỡ bạn. Ba là, cần thực hiện RBS vào những thời điểm khác với thời điểm đánh giá thành tích theo kiểu truyền thống.

 

Bằng cách đó những phản hồi tiêu cực từ cơ chế truyền thống không thể ảnh hưởng đến kết quả bài tập.

Các nhà tâm lý biết rằng con người có phản ứng tích cực đối với lời khen hơn là sự chê bai. Tương tự như vậy, các học giả về hành vi tổ chức nhận ra rằng, khi công ty tập trung vào tính tích cực như tính kiên cường và lòng tin, họ sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn. Sau đây là cụ thể từng bước của bài tập RBS, cũng như kết quả của nó.

Tổ chức tích cực

“Nghiên cứu tổ chức tích cực” (Positive organisational scholarship - POS) là một bộ phận của nghiên cứu hành vi tổ chức, tập trung vào các yếu tố tích cực (như điểm mạnh, tính kiên cường, linh hoạt, lòng tin...) dẫn đến những tác động tích cực (như tăng năng suất và thành tích) trong cá nhân và tổ chức.

 

Từ “tích cực” ở đây biểu thị khuynh hướng khẳng định, “tổ chức” tập trung vào quy trình và điều kiện xảy ra trong bối cảnh một nhóm. Còn “nghiên cứu” phản ánh quy trình khoa học, học thuyết, cũng như định nghĩa chính xác cho phương pháp.


Tiền đề của POS là: với việc hiểu rõ các động cơ thúc đẩy hành vi tích cực ở nơi làm việc, các tổ chức có thể đạt được những hiệu quả cao hơn.
POS không áp dụng một học thuyết hay khung mẫu duy nhất, mà vận dụng hàng loạt học thuyết về tổ chức để giải thích và dự đoán mức hoàn thành công việc - thành tích của nhân viên.

 

Một phần quan trọng trong POS là việc lập ra các công cụ, tình huống, dụng cụ đánh giá giúp tổ chức phát triển các phương pháp thực hành của họ. RBS chỉ là một trong các công cụ thực hành của POS mà thôi. (Xem thêm thông tin về POS tại website của Đại học Michigan: www.bus.umich.edu/positive/)

Bước 1: Xác định người trả lời và yêu cầu phản hồi

Công việc đầu tiên của bài tập này là thu thập các phản hồi từ một số người trả lời (respondent) cả ở trong và ngoài công ty của bạn. Phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau (người thân trong gia đình, đồng nghiệp cũ và mới, bạn bè, thầy cô giáo...) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, sâu hơn về bản thân, hơn là từ những bản đánh giá thành tích thông thường.

Ví dụ, ông Robert - một quân nhân, sau đó tốt nghiệp MBA thực hiện yêu cầu phản hồi: Trong vòng 10 ngày, ông nhận được e-mail trả lời từ 11 người được yêu cầu, trong đó miêu tả những ví dụ, trường hợp cụ thể trong đó ông ta đã thực hiện được những đóng góp quan trọng, bao gồm việc thúc đẩy tiến độ để đạt được thành quả công việc trong một thời hạn ngắn, việc giao tiếp hiệu quả với một nhóm đa dạng, hay việc tìm kiếm thông tin quan trọng.

Các câu trả lời khiến ông kinh ngạc. Robert không hề là người dễ để cảm xúc điều khiển, nhưng khi đọc các phản hồi trên, ông ta không thể kiềm chế được sự xúc động sâu sắc, cứ như thể ông ta đang nghe các bài diễn văn khen tặng dành riêng cho mình tại một buổi lễ long trọng. Ông có nhiều điểm mạnh hơn là ông ta nghĩ.

Bước 2: Nhận ra các khuôn mẫu

Trong bước này, hãy tìm ra những điểm chung trong các phản hồi, thêm vào các ví dụ dựa trên quan sát của bản thân, sau đó đưa các thông tin này vào một bảng. Cũng như nhiều người thực hiện RBS khác, thoạt tiên người ta tưởng rằng do tính đa dạng của nhóm người trả lời, các phản hồi và nhận xét có thể không nhất quán, thậm chí đối ngược nhau.

Thực tế hoàn toàn ngược lại. Mọi người, từ vợ, các thành viên gia đình, đồng nghiệp... đều đánh giá cao Robert về đạo đức, lòng kiên trì, tính ham hiểu biết, dễ thích nghi, tôn trọng sự đa dạng, hay kỹ năng xây dựng nhóm của ông ta. Ông cũng chợt nhận ra rằng ngay cả những hành vi nhỏ nhặt, không ý thức của mình cũng có thể có ấn tượng mạnh đối với những người khác. Trong đa số trường hợp, ông hoàn toàn không nhớ gì về những câu chuyện cụ thể đó, mãi cho tới khi đọc các phản hồi.

Ngoài ra, bài tập RBS cũng cho ta biết kỹ hơn, sâu hơn về những sở trường, kỹ năng mà ta đã nhận biết từ lâu.
Với những người có phong cách phân tích bẩm sinh, việc phân tích bài tập này vừa giúp kết hợp các phản hồi, vừa giúp có được một “bức tranh” đầy đủ hơn về khả năng của họ.

Bước 3: Vẽ chân dung bản thân

Bước này yêu cầu bạn tóm tắt các thông tin và viết ra một bản mô tả bản thân. Bản mô tả này kết hợp các nét chính từ thông tin phản hồi với sự tự quan sát của bản thân (self-observation), hình thành một chân dung hoàn chỉnh của bạn, với những sở trường. Chân dung này không nhắm đến việc hình thành một tổng kết đầy đủ về tâm lý và nhận thức của bạn.

Ngược lại, nó phải là một hình ảnh đầy đủ, sâu sắc mà bạn có thể sử dụng như là cái gợi nhớ lại những đóng góp trong quá khứ và cái hướng dẫn cho các hành động trong tương lai. Chân dung này không nên là một danh sách với những gạch đầu dòng, mà nên là một đoạn văn mở đầu bằng: “Khi hoàn hảo nhất, tôi...”.

Viết ra khoảng 2-4 đoạn văn sẽ mô tả cụ thể hình ảnh tốt nhất của bạn một cách có ý thức. Kiểu trình bày này cũng giúp bạn tạo sự liên kết giữa các nét chính, các điểm mạnh chính trong cuộc đời bạn. Xây dựng bản chân dung này tốn thời gian, song một khi đã hoàn thành, bạn sẽ có trong tay một hình ảnh chính xác, tươi mới về bản thân.

Bước 4: Tái thiết kế công việc của bạn

Đã xác định xong điểm mạnh của bản thân, bước tiếp theo là tái thiết kế công việc hiện tại dựa trên điểm mạnh đó. Thách thức đặt ra với ông Robert là làm sao để có sự phù hợp hơn giữa công việc và “bản thân hoàn hảo” (best self) của ông ta. Như đa số những người làm RBS, ông nhận ra rằng điểm mạnh vừa được xác định theo bài tập có thể được thực hiện trong vị trí công việc hiện tại.

Điều này bao gồm việc thực hiện những thay đổi nhỏ trong cách làm việc; trong việc sắp xếp nhóm; và trong cách sử dụng thời gian của ông ta. (Đa số công việc đều có sự tự do nhất định trong cả ba lĩnh vực trên; vấn đề là làm sao thiết kế lại công việc trong phạm vi hạn chế của nghề nghiệp nhằm giúp bạn tận dụng tốt hơn thế mạnh của mình).

Trong một số trường hợp khác nữa, các kết quả RBS cho phép các nhà quản lý vươn lên những vị trí trong tổ chức mà trước đó họ chưa từng nghĩ đến.

Vượt qua ngưỡng “vừa đủ tốt”

Chúng tôi để ý thấy rằng, mặc dù mọi người luôn ghi nhớ những lời phê phán, việc ý thức rõ các lỗi lầm và điểm yếu chưa chắc đã khiến bạn có thể cải thiện được thành tích trong công việc. Trên suy luận này, bài tập RBS giúp bạn ghi nhớ những điểm mạnh và hình thành một kế hoạch dựa trên điểm mạnh đó. Hiểu rõ điểm mạnh của bản thân cũng giúp bạn trong việc tìm ra cách, cũng như có được sự tự tin, để đối phó với các điểm yếu.

Cuối cùng, định hướng dựa trên điểm mạnh cá nhân trong phương pháp RBS giúp bạn vượt qua rào cản, hay ngưỡng “vừa đủ tốt, vừa đủ giỏi - good enough”. Một khi đã phát hiện ra điểm mạnh của mình, bạn sẽ có thể tận dụng chúng để thăng tiến trong công việc - ở hiện tại cũng như trong tương lai.

NGUYỄN DƯƠNG HIẾU
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]