Người trẻ mất cả gia tài vì thiếu kỹ năng làm việc nhóm

Không có kỹ năng làm việc nhóm là một trong những điểm yếu mà các bạn trẻ thường gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, gây nên những thất bại.

31.2009

Chia sẻ về thất bại của mình tại hội thảo quốc tế Khởi nghiệp trong thế giới phẳng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) chiều 25/8, Khương Văn Sâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh tốt nghiệp Y học cổ truyền ở Trung Quốc. Trở về nước, Sâm cùng 4 người bạn mở phòng khám Đông y với hy vọng nhanh chóng phát triển tại nhiều tỉnh trên cả nước.

Theo anh Sâm, 5 năm đầu tiên, công việc tuy gặp nhiều khó khăn, mọi người vẫn vượt qua. Nhưng khi có đủ điều kiện để mở phòng khám thứ hai, những mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết khiến phòng khám phải đóng cửa.

Mất công ty vì bất đồng nội bộ 

“Tôi khởi nghiệp thất bại vì mâu thuẫn nội bộ không đáng có, chủ yếu do kỹ năng làm việc nhóm. Nhóm có 5 người, tất cả đều làm chuyên môn y học. Các công việc về tài chính, nhân sự do các thành viên tự gánh vác chứ không thuê người chuyên nghiệp. Một người cáng đáng quá nhiều việc, gây tranh chấp nội bộ", anh Sâm chia sẻ.

Người này cho biết, sắp tới, anh mở lại phòng khám nhưng sẽ thuê người có chuyên môn về làm nhân sự và quản lý tài chính. "Tôi sẽ chỉ tập trung chuyên môn, đồng thời điều phối công việc, như vậy mới không theo vết xe đổ trước đây”.

Cũng từng thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên, chị Lê Hoàng Dung, giám đốc một công ty cổ phần về giáo dục, chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp với công ty chuyên về dịch vụ cung cấp quản gia cho các gia đình. Đây là dịch vụ mới ở Việt Nam lúc bấy giờ nên rất hút khách hàng. Tôi nhanh chóng thành công khi mới ngoài 20 tuổi”.

Tuy nhiên, chị Dung cho hay, do còn trẻ nên không có kinh nghiệm quản trị con người hay biết cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Điều này khiến nhân sự trong công ty lộn xộn, mọi người không đoàn kết. Mỗi thành viên đều có dự định riêng, làm ảnh hưởng công việc. "Tôi phải mất thời gian rất lâu để có thể vực dậy sau thất bại đầu tiên đó”, chị Dung nhớ lại.

Đỗ Việt Dũng (áo xanh) chia sẻ về kế hoạch khởi nghiệp của mình. Ảnh: Hoàng Như.

Cũng theo nữ giám đốc, các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường có xu hướng cá nhân cao, không chịu chia sẻ công việc với đồng nghiệp, luôn muốn làm một mình, tự chịu trách nhiệm và hưởng hết quyền lợi. Họ cố gắng 100% sức lực nhưng quá ôm đồm dẫn tới kiệt sức, không thành công.

Nhiều bạn trẻ khi làm việc nhóm hay thoái thác, đổ lỗi, chê bai và tâm lý sợ thiệt nên không hết mình. Vì vậy, trước khi khởi nghiệp, ngoài các kỹ năng kinh doanh và kinh nghiệm tích lũy, các bạn trẻ cần rèn luyện khả năng làm việc nhóm tốt để có thể phát huy tối đa nguồn lực.

Bên cạnh chia sẻ của những người từng vấp ngã, nhiều bạn trẻ đang triển khai các dự án khởi nghiệp cũng tỏ ra lo lắng trước việc xây dựng và làm việc theo đội, nhóm.

Đỗ Việt Dũng, 30 tuổi, làm nghề tự do chia sẻ: “Mình dự định phát triển dòng sản phẩm quà lưu niệm bằng gỗ thương hiệu Việt dựa trên các công nghệ hiện đại như mạng xã hội, quảng cáo trên Google… Tuy nhiên, mình còn ngại vì chưa biết làm cách nào để xây dựng một nhóm tốt. Việc tìm được người hợp tác phù hợp quả thực rất khó khăn”.

Thiếu kỹ năng làm việc nhóm, kinh nghiệm quản trị nhân lực, cũng như khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là những rào cản mà các bạn trẻ gặp phải trên con đường khởi nghiệp.

Ngoài ra, việc thiếu vốn đầu tư, không nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của khách hàng hay phương pháp tạo nên sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý cũng là những lý do khiến khởi nghiệp thất bại.

Giỏi “buôn dưa lê” nhưng ngại chia sẻ công việc

Trước thực trạng nhiều người trẻ thiếu kỹ năng làm việc nhóm dẫn đến thất bại khi khởi nghiệp, nhiều khách mời là các chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên trong hội thảo Khởi nghiệp trong thế giới phẳng.

Khách mời của chương trình là luật sư Oliver Massmans - trọng tài quốc tế về TPP - cho biết, ông có hơn 20 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam. Ông nhận thấy nhiều bạn trẻ có những vấn đề tiêu cực khi làm việc nhóm. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các công ty phá sản, việc khởi nghiệp của bạn trẻ không thành công.

“Nhiều người trẻ làm việc nhóm rất kém. Các bạn không có sự tin tưởng lẫn nhau, luôn muốn kiểm soát mọi việc. Không ít bạn giỏi 'buôn dưa lê, bán dưa chuột', nhưng lại không chịu chia sẻ với nhau về công việc. Hãy cố gắng nói chuyện cùng nhau, tin tưởng và dừng việc giấu mọi chuyện cho riêng mình để công ty trở nên vững mạnh”, ông thẳng thắn nói.

Ông Oliver Massmann đánh giá, khả năng làm việc nhóm của nhiều bạn trẻ không tốt. Ảnh: Hoàng Như .

Đồng tình với ý kiến của ông Oliver Massmann, TS Hoàng Trung Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho hay: “Thế giới phẳng từ lâu rồi nhưng chúng ta không chịu thay đổi để hội nhập. Làm việc nhóm đáng ra phải là kỹ năng được rèn luyện và khắc phục từ lâu, chứ để đến bây giờ lại trở thành rào cản khi chúng ta khởi nghiệp, phát triển”.

“Chúng ta phải làm thế nào để không chỉ làm việc nhóm với các thành viên trong công ty, mà còn với đối tác, với quốc gia này, quốc gia khác để tạo ra những giá trị lớn hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Để có thể khởi nghiệp thành công, ngoài vấn đề xây dựng và làm việc nhóm, vốn ban đầu cũng là vấn đề nan giải với nhiều bạn trẻ.

Nguyễn Việt Anh, 24 tuổi, nhân viên của Công ty One Office, có dự định xây dựng chuỗi cửa hàng bán đồ ăn sáng với sản phẩm do chính cậu nghĩ ra. Tuy nhiên, chàng trai chưa có vốn để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp.

Thạc sĩ Phạm Tuấn Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nói: Theo nghiên cứu, những người mới khởi nghiệp thường nghĩ đến nguồn vốn tự có hoặc vay mượn gia đình. Tuy nhiên, mọi người nên xem xét, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để khởi nghiệp.

“Chúng tôi ưu tiên tiếp cận phương án kinh doanh đối với những bạn trẻ mới khởi nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ nhưng có phương án kinh doanh với đối tác lớn, uy tín, chúng tôi nhìn vào phương án kinh doanh đã được doanh nghiệp lớn phê duyệt để đầu tư”, ông Hải thông tin.

Chiều 25/8, Hội thảo quốc tế Khởi nghiệp trong thế giới phẳng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với sự tham dự của gần 500 bạn trẻ.

Các vị khách mời gồm: Trọng tài quốc tế về TPP – Oliver Massmann; ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TASCO; thạc sĩ Phạm Tuấn Hải - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB); PGS.TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; ông Đinh Minh, tiến sĩ kinh tế tại Nga… cùng nhiều khách mời là chuyên gia kinh tế.

Nội dung chính của hội thảo xoay quanh vấn đề khởi nghiệp của các bạn trẻ trong thế giới phẳng. Từ các câu hỏi của khán giả, các vị khách mời đã đưa ra những lời khuyên, giải pháp về những điểm yếu kém ở các bạn trẻ Việt Nam.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]