Sữa bò có phù hợp với người Việt không?

Thông tin được lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, bộ gene của người Việt không quen xử lý với sữa nên không tốt, thậm chí uống sữa là uống vi khuẩn vào cơ thể khiến không ít bà nội trợ hoang mang.

15.6005
PGS. TS Ngyễn Thị Lâm ( áo đỏ)

Cả thế giới vẫn tin dùng

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định: "Thông tin này hoàn toàn không chính xác! Bởi lẽ, cả thế giới từ lâu vẫn dùng sữa và các chế phẩm từ sữa. Sở dĩ tại sao nhiều người tin dùng bởi, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thành phần sữa giàu đạm, giàu can xibổ sung dinh dưỡng cho cơ thể con người. Các loại sữa nói chung đều cung cấp từ 1/4 đến 1/3 tổng lượng can xi cần có mỗi ngày cho hầu hết người lớn và trẻ nhỏ. Sữa bò còn là nguồn protein tốt cực kỳ dồi dào, chứa nhiều chất thiết yếu cho cơ thể".

Giải thích thông tin cho rằng, bộ gen một số dân tộc (trong đó có Việt Nam) không quen với xử lý sữa nên uống sữa là không tốt, PGS Lâm khẳng định với PV Infonet, việc không dung nạp sữa là do cơ thể thiếu enzym tên là lactaza. Enzym này có tác dụng chuyển hoá đường đôi lactoza (loại đường chỉ có trong sữa) thành 2 loại đường đơn để ruột hấp thụ được (ruột không hấp thụ được lactoza).

Hiện tượng này thường xảy ra với những người không hay uống sữa. Với người ít uống sữa thiếu men này sẽ khiến đầy bụng và rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, với những người được uống sữa thường xuyên thì cơ thể sẽ tiết men lactaza giúp tiêu hóa lượng đường lactose trong sữa khiến không bị tình trạng đầy hơi hoặc đi ngoài…

Với thông tin, sữa bò chứa 1 số loại hormone và chất có hại, thậm chí khiến trẻ dậy thì sớm, PGS Lâm cho rằng chưa có bằng chứng nào cho rằng trẻ uống sữa đảm bảo an toàn lại dậy thì sớm. Nếu có tình trạng này thì có thể là do người chăn nuôi đã trộn thuốc tăng trọng vào thức ăn của bò…“Bản chất của sữa rất tốt. Vấn đề nằm ở nguồn sữa có sạch, đảm bảo an toàn từ khâu chế biến thực phẩm cho bò ăn cho đến quá trình vắt sữa, đóng gói hay không?” – PGS Lâm nói

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa cũng là 1 loại thực phẩm nên cần sử dụng hài hoà theo thể trạng và độ tuổi, lạm dụng quá có thể gây ra các chứng béo phì, dư canxi, dị ứng sữa.. Không nên uống sữa khi đói mà không có tinh bột trong bụng, sữa sẽ không được hấp thụ hết, phần lớn sẽ bị đẩy ra ngoài và có thể gây hại cho ruột. Sữa cũng không nên ăn với hoa quả có vị chua, protein trong sữa sẽ kết tủa, gây hại cho dạ dày.

PGS Lâm khuyến cáo, trẻ nhỏ ngoài giai đoạn bú mẹ hoàn toàn vẫn cần được bổ sung 500ml sữa ngoài mỗi ngày để đảm bảo đạm, can xi. Với trẻ từ 1-2 tuổi, nên được bú sữa mẹ và uống thêm sữa ngoài với tổng lượng sữa khoảng 600ml/ngày. Trẻ trên 2 tuổi cần được bổ sung trên 600ml/sữa/ngày.

Thế nào là chu trình chăn nuôi chuẩn?

Theo một kỹ sư chăn nuôi thì quá trình chăn nuôi bò sinh sản là rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tình trạng kỹ thuật và bệnh tật, sự phát triển của bò là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sữa của bò sau này. Do đó việc chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ ăn uống, tắm chải và vận động phải thực hiện tốt và nghiêm ngặt.
Nguyên tắc bò phải được chăn nuôi theo quy trình chuẩn

Thông thường khẩu phần ăn cho bò ở giai đoạn vắt sữa cần 1-1,2kg thức ăn tinh cộng với thức ăn bổ sung gồm mật, muối, ure và thức ăn thô (tương đương khoảng 10% trọng lượng cơ thể bò). Đặc biệt, trong giai đoạn này trung bình mỗi con bò cần 40- 50l nước/ngày. Bò có sản lượng sữa cao có thể cần tới 100 - 120 lít nước trở lên.

Theo quy trình chuẩn vắt sữa, người công nhân/nông dân đến giờ phải đưa bò vào vị trí vắt, cho bò ăn thức ăn tinh theo khẩu phần. Rửa vú bằng nước sạch, dùng khăn lau khô vắt bỏ vài tia sữa đầu kiểm tra viêm vú sau đó tiến hành xoa kích thích. Mục đích của việc này nhằm gây cảm giác dễ chịu, kích thích sữa xuống và bò bình tỉnh cho vắt sữa.

“Về nguyên tắc, để đạt được lượng sữa tối đa, công tác vắt sữa phải được thực hiện đúng giờ, cố định. Cũng giống như con người, quá trình vắt sữa cần được giữ yên lặng, tạo cảm giác thư thái cho bò cái, tuyệt đối không gây cảm giác khó chịu đối với bò. Mọi hành động đánh đập, “bạo lực” sẽ gây ức chế khiến lượng sữa sẽ tiết ra ít hơn. Hiện hầu hết các trang trại chăn nuôi bò sữa của nước ta đều đạt tiêu chuẩn” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Các kỹ sư chăn nuôi cũng đưa ra khuyến cáo, sau khi vắt sữa xong, cần tránh cho bò nằm ngay vì vi sinh vật ở nền chuồng dễ xâm nhập vào bầu vú khi lỗ núm vú chưa kịp đóng lại. Nếu bò bị viêm vú cần điều trị ngay để tránh lây lan. 

Đặc biệt, giữa 2 lần vắt sữa, người công nhân phải dọn rửa, lau chùi, vệ sinh nền chuồng, máng ăn, máng uống. Nền chuồng khô, không có nước đọng (là môi trường dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và xâm nhập vào bầu vú). Ngoài ra, công nhân vắt sữa phải rửa tay sạch sẽ, móng tay cắt ngắn, đeo khẩu trang và không mắc bệnh truyền nhiễm. 

Ngô Châu Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]