Theo bác sĩ Đôn, bệnh creutzfeldt – jakob là thuộc nhóm bệnh prion, bệnh này do một protein lạ được phát hiện là protein 14-3-3. Còn bệnh gây bò điên, xuất hiện ở bò cũng thuộc nhóm bệnh prion nhưng ở dạng khác. 

Trước đây, nhiều người nghĩ, người mắc bệnh bò điên liên quan đến việc ăn thịt bò điên bị nhiễm prion, nhưng hiện nay khoa học chứng minh không có sự lây nhiễm này, nhưng nhiều người vẫn sợ.

Vậy người mắc bệnh creutzfeldt – jakob có gọi là người mắc bệnh bò điên không?

Như trên tôi đã nói, bệnh creutzfeldt – jakob là một dạng trong nhóm bệnh prion-  gây ra bệnh bò điên ở bò. Bệnh này gây lối loại bất thường ở não, thoái hóa tế bào thần kinh mà hiện nay khoa học gắn tên cho bệnh này là thoái hóa não. 
Do đó, nếu nói bệnh creutzfeldt – jakob là bệnh bò điên thì chưa chính xác, đó chỉ là 1 dạng của bệnh bò điên. Hiện nay ở Việt Nam chưa có bệnh bò điên đúng nghĩa.

Làm sao để phát hiện ra một dạng của bệnh bò điên này, thưa bác sĩ?

Để phát hiện chính xác bệnh này, phải điện di protein trong dịch não tủy để phát hiện chất protein lạ là protein 14-3-3, và thực hiện sinh thiết não để loại trừ một số bệnh khác. Tuy nhiên, hiện nay 2 phương pháp này Việt Nam chưa thực hiện được.

Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Hiệp hội phòng chống bệnh tật của Mỹ cũng đưa ra những dấu hiệu nghi mắc bệnh này. Hiện nay, những dấu hiệu này, thông qua các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng mà ở Việt Nam có thể xác định được.

Những dấu hiệu lâm sàng như sa sút trí tuệ kéo dài (ít nhất 6 tháng), rối tầm vận động (cầm nắm không chính xác), co giật, tổn thương ở não…Bên cạnh đó, ở phương pháp cận lâm sàng, thông qua chụp MRI, nếu xác định tổn thương não ở vùng đồ thị, vùng thái dương; đo điện não, nếu phát hiện sóng não 3 chu kỳ pha/giây...Đó chính là những dấu hiệu nghi mắc bệnh creutzfeldt – jakob.

Qua thực tế những trường hợp nghi mắc bệnh creutzfeldt – jakob mà bệnh viện tiếp nhận, yếu tố nào tác động khiến họ mắc bệnh này?

Những người sống trong một cuộc sống bình thường cũng có thể mắc bệnh này. Ngay cả một dược sĩ khá chuẩn mực, công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nghi mắc bệnh này.

Hiện chưa thể xác định được nguyên nhân mắc “bò điên”, chỉ biết đó là do mắc phải một protein lạ được xác định là protein 14-3-3 (không có axiuric trong protein đó). Cơ chế bệnh không rõ ràng nên rất khó để phòng ngừa.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học cũng đã xác được độ tuổi dễ mắc bệnh “bò điên” này là từ 60 tuổi trở đi; những người mắc thường có liên quan đến yếu tố gen và sống trong cùng một gia đình. Như vậy bệnh này có yếu tố di truyền.

Việc phòng ngừa hiện nay chỉ là hạn chế lây lan. Theo các nhà khoa học, bệnh này có thể lây truyền qua đường máu, để phòng ngừa cần tránh tiếp xúc với máu của người mắc bệnh, tránh tiếp xúc với những dụng cụ có liên quan đến máu.

Bệnh lây qua đường máu, vậy những người chăm sóc, điều trị người nghi mắc bệnh này cũng cần phải cảnh giác?

Việc lây bằng đường máu cũng chỉ mới là giả thuyết, nên không quá lo lắng. Đôi lúc Protein lạ trong prion chưa chắc có thể lây từ người này sang người khác. 
Tất nhiên người mắc bệnh này sẽ có protein lạ trong prion, nhưng cơ chế lây từ máu là như thế nào vẫn chưa rõ.

Hiện nay ở Việt Nam số người mắc bệnh được xem là một dạng của bệnh bò điên này có cao không, thưa bác sĩ?

Rất ít, mỗi năm chỉ có vài trường hợp. Trên thế giới, theo thông kế của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh creutzfeldt – jakob là 1/1 triệu người/năm.

Bệnh chỉ điều trị triệu chứng, chủ yếu là để kéo dài thời gian sống. Sử dụng thuốc chống co giật, chống viêm phổi tiêm, chống lở loét…Thường một người mắc bệnh creutzfeldt – jakob, khoảng 6 tháng sau khi phát hiện, có thể bị biến chứng nặng. Lúc này bệnh nhân không biết gì, gần như sống đời sống thực vật. 
Những người mắc bệnh creutzfeldt – jakob, không phải chết vì bệnh này mà chết vì những biến chứng do nằm một chỗ như: tim mạch, viêm phổi, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da, lở loét….

Việc điều trị cần thời gian lâu dài, phải có người hỗ trợ. Quan trọng là cách chăm sóc của gia đình. Nếu được chăm sóc tốt thì thời gian diễn tiến nặng chậm hơn, có thể kéo dài thời gian sống hơn chục năm.

Cám ơn bác sĩ!

Hồ Quang (thực hiện)