Súc nước muối có cải thiện được bệnh răng miệng?

"Lợi tôi thường xuyên bị sưng đỏ. Tôi đã súc miệng bằng nước muối nhiều lần nhưng không những chẳng đỡ mà miệng còn phát sinh mùi hôi.

15.6028
Xin được chỉ dẫn cách điều trị". Xuân Hòa (Vĩnh Long).
 
 
 
Triệu chứng mà bạn mô tả là biểu hiện của bệnh vùng quanh răng. Đây là bệnh thường gặp, đứng thứ 2 sau bệnh sâu răng. Bình thường, răng được giữ chặt trong xương hàm nhờ hệ thống quanh răng. Khi các tổ chức quanh răng bị viêm, bị phá hủy, răng sẽ bị lung lay hàng loạt, vị trí của các răng sẽ bị thay đổi. Người bệnh có cảm giác rất khó chịu vì miệng hôi, đau đớn. Bệnh ở giai đoạn cuối sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn, thẩm mỹ và phát âm.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh vùng quanh răng là mảng bám răng và cao răng. Mảng bám răng là mảng mềm bám vào bề mặt răng sau khi ăn, đầu tiên là vô khuẩn, sau 24 giờ thì có thể gây bệnh. Nếu mảng bám răng không được làm sạch sau khi ăn thì dần dần sẽ trở thành cao răng do sự lắng đọng muối canxi có trong nước bọt. Cao răng thường tập trung ở mặt ngoài vùng răng hàm lớn hàm trên và mặt trong của nhóm răng cửa hàm dưới.

Các độc tố do vi khuẩn trong mảng bám răng sinh ra sẽ kích thích gây viêm lợi, phá hủy tổ chức nâng đỡ xung quanh răng và xương ổ răng, tạo nên một túi quanh răng chứa đầy mảng bám và vi trùng làm cho bệnh tiến triển nhanh. Bệnh quanh răng có nhiều loại, trong đó phổ biến là:

- Viêm lợi: Đây là loại nhẹ nhất với biểu hiện là tổ chức lợi xung quanh răng bị viêm đỏ, sưng và dễ chảy máu. Giai đoạn này thường ít gây khó chịu cho bệnh nhân nên dễ bị bỏ qua. Nếu được thăm khám sớm thì việc điều trị sẽ rất dễ dàng và có hiệu quả.

- Viêm quanh răng: Viêm lợi nếu không được điều trị thì có thể chuyển thành viêm quanh răng. Ở giai đoạn nhẹ, viêm quanh răng bắt đầu chớm phá tủy xương ổ răng và các tổ chức nâng đỡ khác. Thể nặng sẽ khiến răng bị lung lay.

Khi thấy những biểu hiện như chảy máu khi đánh răng, lợi bị viêm đỏ, sưng, mềm, tụt lợi, hơi thở hôi kéo dài, có mủ chảy ra từ kẽ răng và lợi, răng thưa hoặc lung lay... thì hãy đến ngay nha sĩ để được khám và điều trị sớm nhằm phòng ngừa những biến chứng của bệnh.

Cách phòng chữa tốt nhất là súc miệng và chải sạch răng sau khi ăn để tránh sự tích tụ của mảng bám răng và mảnh vụn thức ăn, phòng ngừa sự hình thành cao răng. Nên làm sạch các kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa hoặc tăm tre (nhỏ và trơn láng để tránh làm xước lợi gây nhiễm trùng). Đánh chải răng phải đúng phương pháp. Nên đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Nguyệt Nga - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]