Thay đổi có ý nghĩa lớn

DN không giống như cơ quan nhà nước nên nhất thiết bắt buộc phải có con dấu? Đó là vấn đề đã được bàn đến khá sôi nổi trong nhiều cuộc hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

0

Doanh nghiệp không phải cơ quan nhà nước nên không nhất thiết bắt buộc phải có con dấu

CôngThương - Điều 44 dự thảo mới nhất Luật DN (sửa đổi) quy định: Con dấu là tài sản của DN. Hình thức và nội dung con dấu do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu....

Đó không phải chỉ là sự thay đổi về câu chữ của văn bản mà là sự thay đổi lớn về tư duy quản lý. Bởi, đã từ lâu, việc quản lý con dấu của DN ở nước ta được áp đặt hoàn toàn như việc quản lý con dấu của cơ quan nhà nước.

DN được thành lập hợp pháp, là pháp nhân và có quyền nhân danh trong mọi giao dịch. Việc sử dụng con dấu của DN chỉ có ý nghĩa chứng minh rằng, văn bản được đóng dấu của DN là văn bản của DN. Trường hợp không đóng dấu, nhưng có đủ căn cứ pháp lý để xác nhận rằng, văn bản đó là của DN thì văn bản đó vẫn có giá trị pháp lý. Chẳng hạn, một biên bản họp hội đồng thành viên của công ty TNHH, có đủ chữ ký của tất cả các thành viên góp vốn là có giá trị pháp lý kể cả khi biên bản đó không có dấu của công ty. Song, với quy định hiện nay, biên bản đó phải có dấu của công ty và thông thường được đóng vào chữ ký của chủ tịch hội đồng thành viên- người chủ tọa cuộc họp- thì mới có giá trị pháp lý. Như vậy, quy định đó đã tạo ra cho con dấu một “siêu quyền lực” trong DN, mặc dù con dấu cũng chỉ là một tài sản như những tài sản khác của DN.

Hơn nữa, pháp luật quy định rất chi tiết về con dấu của DN từ hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu. Tên quận, huyện, tỉnh, thành phố mà DN đóng trụ sở cũng phải được ghi trên con dấu. Chỉ cần DN chuyển trụ sở sang nơi khác (điều xảy ra rất phổ biến với các DN nhỏ và vừa) là phải thay con dấu, gây tốn kém rất lớn cho cả DN và công tác quản lý của nhà nước. Vô lý hơn nữa, khi DN không may bị mất con dấu- tài sản của chính mình- lại bị phạt vi phạm hành chính rất nặng!

Vì con dấu có vị trí pháp lý đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của DN nên tình hình tội phạm kinh tế liên quan đến việc sử dụng con dấu của DN ngày càng gia tăng với thủ đoạn cực kỳ tinh vi, khó có thể phân biệt được con dấu thật- giả.

Có khá nhiều ý kiến đề nghị bỏ ngay con dấu của DN với những lý do rất thuyết phục. Chẳng hạn, hiện nay, Việt Nam là 1 trong số 7 quốc gia còn lại trên thế giới có quy định bắt buộc về sử dụng con dấu của tổ chức, DN, và có khoảng 171 quốc gia không quy định dùng con dấu. Việc yêu cầu khắc dấu, quản lý con dấu phát sinh những thủ tục và chi phí không cần thiết đối với DN. Một phép tính đơn giản tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Mỗi năm, DN, đơn vị trực thuộc DN được thành lập mới phải bỏ ra 6,4- 8,4 tỷ đồng và 40.000 ngày chi phí cho việc làm con dấu. Ước tính, DN, đơn vị trực thuộc được thành lập mới trong cả nước sẽ phải bỏ ra khoảng 12,8- 16,8 tỷ đồng và từ 80.000- 120.000 ngày cho việc xin cấp và khắc dấu… Và, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay chữ ký số đã được sử dụng ngày càng nhiều. Do đó, không cần thiết bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu…

Hoan nghênh sự thay đổi quy định về con dấu trong dự thảo mới nhất Luật DN (sửa đổi). Trao trả quyền quyết định về hình thức, nội dung và việc sử dụng con dấu cho DN là một bước tiến và sẽ có tác động lớn tới cải cách thủ tục hành chính.

Hải Yến

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]