. Thưa bác sĩ, những nhóm thực phẩm nào có khả năng giúp giảm nhiệt?

+ Nếu mỗi ngày cơ thể con người cần 2.500 calo thì vào thời điểm nắng nóng chỉ nên nạp khoảng 2.000 calo để giảm năng lượng trong cơ thể, không gây nóng.

Mùa nóng nên tăng cường thực phẩm xuất phát từ chất bột đường và từ rau củ, giảm thực phẩm giàu chất đạm và béo. Thực phẩm xuất phát từ chất bột đường gồm cơm, bún, nui, mì, miến, hủ tiếu, phở… Những ngày nắng nóng không nhất thiết phải luôn dùng cơm mà có thể thay thế bằng bún (bún măng, bún riêu…), miến (miến gà, miến vịt…), hủ tiếu…

Thực phẩm xuất phát từ rau củ có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Tuy nhiên nên sử dụng rau nhiều hơn củ vì trong một số củ có tinh bột (khoai lang, khoai mỡ, khoai môn) dễ bị nặng bụng, đòi hỏi cơ thể tiết ra nhiều men tiêu hóa nên hao tốn năng lượng, dễ sinh ra nhiệt. Nên sử dụng rau có màu xanh vì có nhiều vitamin. Bí, bầu, mướp chứa nhiều nước, giúp cơ thể bù lại lượng nước đã mất đi. Nên ăn khoảng 400 g rau mỗi ngày. Đối với trái cây thì nên chọn bưởi, cam, dưa hấu, thanh long… vì có nhiều nước, lại lợi cho sức khỏe. Sử dụng khoảng 200 g trái cây hằng ngày. Hạn chế tối đa các loại trái cây có chất béo, độ đường cao, tăng thêm nhiệt nóng trong cơ thể như xoài, sầu riêng, bơ, dâu…

Nước dừa là thức uống giải nhiệt rất tốt. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đối với thức ăn có nguồn gốc động vật thì nên chọn cá, tôm, cua, mực, hạn chế sử dụng thịt heo, thịt bò. Đặc biệt, đậu hủ, một sản phẩm làm từ đậu nành cũng có khả năng giải nhiệt rất tốt.

. Sử dụng thực phẩm được chế biến thích hợp cũng sẽ góp phần giảm nhiệt trong cơ thể, phải không bác sĩ?

+ Đúng. Vào mùa nóngng nên hạn chế chiên, xào, quay, tăng cường nấu canh, hấp, luộc. Khi chiên, xào buộc sử dụng dầu, mỡ khiến calo cung cấp cho cơ thể tăng lên, cơ thể phải hao tốn nhiều năng lượng hoạt động dẫn đến tình trạng nóng trong người. Ông bà có câu “Căng da bụng, chùng da mắt” để ám chỉ trường hợp ăn quá no, quá thừa năng lượng, dễ gây buồn ngủ vì khi đó hệ tiêu hóa hoạt động cật lực. Một điều lưu ý là thực phẩm thuộc nhóm chất béo (thịt heo, thịt gà, lạp xưởng…) nếu được hấp, luộc sẽ giảm bớt độ béo.

. Trẻ em dễ mắc bệnh vào mùa nóng, vậy bác sĩ có những lời khuyên nào dành cho phụ huynh?

+ Người lớn chỉ duy trì năng lượng để hoạt động, còn trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng nên không thể ăn ít hơn bình thường, vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng hằng ngày theo từng lứa tuổi cho dù trong những ngày nắng nóng.

Chế độ ăn hằng ngày của trẻ em vẫn phải đảm bảo cân đối bốn nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng, phô mai, sữa…), chất béo (dầu, mỡ…), chất bột đường (cơm, các sản phẩm từ gạo, từ lúa mì) và rau, trái cây. Trẻ em đang tuổi phát triển nên rất cần sử dụng mỡ từ động vật. Do vậy nên chế biến một bữa ăn có dầu thực vật, một bữa ăn có dầu động vật.

Mùa nóng trẻ em thường nổi rôm sảy, muốn hạn chế phải cung cấp đủ nước, cân đối thức ăn.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Thức uống giúp giảm nhiệt mùa nóng

Trà xanh luôn là thức uống lý tưởng, hỗ trợ chuyển hóa cơ thể rất tốt. Trà sấy khô cũng tốt nhưng không nên pha đậm. Nước uống được nấu từ mía lau, rễ tranh, râu bắp, thảo mộc… giúp giải nhiệt nhưng không nên thêm đường. Các loại nước uống kể trên có thể tự pha chế tại nhà, vừa rẻ vừa đảm bảo vệ sinh.

Nước dừa cũng là thức uống giải nhiệt rất tốt, có khả năng bù một số chất trong cơ thể mất đi qua đường mồ hôi. Không nên dùng nước có đường, nước tăng lực vì cung cấp lượng đường không cần thiết cho cơ thể.

Hằng ngày cơ thể người lớn cần 1-2 lít nước nhưng vào mùa nóng cần 2-2,5 lít nước. Nên uống đều trong ngày, không uống dồn một lúc. Làm việc trong môi trường có máy lạnh dễ dẫn đến hiện tượng mất nhiệt, mất nước, do đó phải bổ sung thêm 15% lượng nước hằng ngày (khoảng 0,3 lít).

Lưu ý người già và trẻ em thường thiếu nước. Trẻ nhỏ không biết đòi, trẻ lớn ham chơi. Người già do giảm trí nhớ, hệ thống thần kinh hoạt động kém nên không cảm thấy khát. Do vậy, người nhà phải chăm sóc, cung cấp nước uống thường xuyên để giảm nóng trong người.

 

Giảm nhiệt nhưng dễ… tăng cân!

Những ngày qua, thời tiết tại TP.HCM trở nên nóng bức đến ngột ngạt. Quanh các công viên trong thành phố dày đặc hàng quán nước giải khát di động: dừa trái, chè, nước sâm... Thời tiết nóng bức khiến những quán chè Thái, trà sữa trân châu cũng chật ních thực khách.

Trong cái nắng trưa gay gắt, một nhóm học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) kéo nhau vào một quán chè Thái trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10). Thanh, một nữ sinh trong nhóm, cho biết chè Thái không phải món khoái khẩu của em. Tuy nhiên, do bạn bè rủ rê, lại muốn “nắng nóng quá, ăn chè cho mát” nên hơn một tuần qua Thanh là mối quen của quán. “Phải thừa nhận ăn chè Thái người khỏe ra, bớt nóng. Tuy nhiên, em đã phốp pháp, không biết dùng nhiều chè Thái có lên cân nữa không” - Thanh băn khoăn.

Quán trà sữa trân châu gần Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) luôn đông thực khách nhí. Bà Lan, mẹ của một học sinh lớp 3, cho biết do quá nóng nên tan trường là đứa con nằng nặc đòi uống trà sữa. Trước đây, bà Lan chưa hề nếm qua trà sữa nhưng khi thưởng thức cùng con, bà cảm thấy ngon, mát… nên đâm ghiền. Nhưng “Tôi bị rối loạn mỡ trong máu, đang lo nạp nhiều trà sữa có hại cho sức khỏe không?” - bà Lan lo lắng.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết mặc dù chè Thái có tác dụng giải nhiệt nhưng do chế biến quá ngọt, lại có sầu riêng (chứa nhiều chất béo, hàm lượng đường cao) nên rất dễ tăng cân nếu dùng thường xuyên. Đối với trà sữa trân châu, căn cứ vào thành phần gồm có trà, hạt trân châu (được làm từ tinh bột đã tinh lọc) nên có chức năng giải nhiệt. Tuy nhiên, do trà sữa được sử dụng sữa béo để chế biến nên không tốt cho người có nguy cơ béo phì, bệnh nhân tiểu đường, người bị rối loạn mỡ trong máu…

TRẦN NGỌC

. Giảm nhiệt không phải là làm giảm thân nhiệt của cơ thể?

+ Đúng. Giảm nhiệt nhằm giảm sự chuyển hóa của cơ thể, giảm sự tạo ra nhiệt trong cơ thể.

. Mùa nóng nên sử dụng nước chanh đường?

+ Sai. Sử dụng nước chanh muối sẽ tốt hơn vì hạn chế quá trình ra mồ hôi, giúp cơ thể bớt thiếu nước.

. Nên uống nhiều nước đá vào mùa nắng?

+ Sai. Uống nhiều nước đá không tốt cho dạ dày, còn trẻ em dễ bị viêm họng. Nếu sử dụng nước đá không hợp vệ sinh sẽ dễ nhiễm bệnh đường ruột.

. Để quạt máy thổi thẳng nguồn gió vào trẻ em để chúng bớt nóng?

+ Sai. Trẻ thường ra mồ hôi trong thời tiết nóng bức, nếu hứng thẳng nguồn gió từ quạt máy dễ bị nhiễm lạnh đột ngột.

. Nhiều phụ huynh không cho con uống sữa vào mùa nắng vì sợ nóng?

+ Sai. Trong sữa có nhiều chất dinh dưỡng, giúp cho sự phát triển cả trí não và thể lực nên phải duy trì cho trẻ uống sữa.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

TRẦN NGỌC thực hiện


Video đang được xem nhiều