Thuốc chữa bệnh mày đay

Bệnh biểu hiện bằng các sẩn phù nổi cao hơn mặt da. Lúc đầu có một vài sẩn, sau đó xuất hiện ngày càng nhiều. Các sẩn có kích thước từ 0,5 - 2cm, có khi thành mảng rất lớn khu trú trên cả một vùng da cơ thể.

15.6027

Từ trước đến nay cháu chưa bị bệnh về da bao giờ mà chỉ bị hơi khô da. Sau khi sinh con, cháu bị mẩn rất nhiều, các sẩn đỏ cứ lên vài giờ rồi lại lặn, rất ngứa và khó chịu. Cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và cách chữa. Cháu đã cai sữa cho con.

Trương Vũ Hà(Yên Bái)

 Mày đay.
Theo thư mô tả, rất có thể cháu đã bị bệnh mày đay, là một bệnh ngoài da rất thường gặp. Vị trí có thể bị bất kỳ vùng da nào. Ngứa nhiều. Sẩn phù có màu đỏ, sau có thể nhạt dần rồi lặn mất trong vòng 2 - 24h. Sau khi tổn thương da lặn thì nền da trở lại hoàn toàn bình thường, không có dấu tích gì. Thường thì các sẩn cứ nổi lên rồi lại lặn theo chu kỳ hoặc không. Có thể kèm theo sưng phù môi hoặc một vùng da nào đó.

Một số bệnh nhân bị mẩn mày đay do dị ứng với một loại thuốc hoặc thức ăn nào đó. Phần lớn các bệnh nhân còn lại thì mẩn mày đay không rõ nguyên nhân. Mày đay xuất hiện nhiều hơn trên các bệnh nhân viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa có tính chất di truyền. Thường thì bệnh nhân được di truyền một làn da khô, chất bảo vệ ít và khi gặp điều kiện thuận lợi mới phát sinh bệnh. Bệnh viêm da cơ địa được biểu hiện bằng các hình thái lâm sàng như: á sừng, tổ đỉa, chàm nếp gấp, mày đay, sẩn  ngứa...

Cháu có làn da khô từ bé là có yếu tố cơ địa dễ dị ứng. Khi cháu sinh con có thể có những thay đổi nội tiết bên trong cơ thể làm cho phát sinh biểu hiện mày đay. Nếu cháu gãi nhiều thì sẽ tạo nên các vết xước và có thể gây viêm da.

Về thuốc điều trị: cháu có thể bôi các thuốc làm dịu da tại chỗ như hồ nước, cream vitamin E, dung dịch dalibour... Nếu cháu có biểu hiện viêm đường hô hấp trên thì phải uống một đợt kháng sinh vì những nhiễm khuẩn cũng là tác nhân gây phát sinh bệnh mày đay. Cháu nên tẩy giun 1 - 2 lần trong 1 năm để làm sạch hết các ký sinh trùng đường ruột. Các ký sinh trùng đường ruột cũng là một trong các tác nhân gây bệnh.

Để điều trị giảm triệu chứng tức thì, cháu phải uống 1 trong các thuốc kháng histamin như loratadin hoặc fexofenadin trong 10 - 20 ngày. Ngoài ra, nếu có điều kiện thì uống thuốc Đông y thanh nhiệt giải độc từ 1 - 2 tháng. Phải uống nhiều nước lọc trong ngày, ăn nhiều rau xanh, quả tươi để tăng thải độc. Nếu buồn đi tiểu thì cháu phải đi tiểu ngay, không được nhịn tiểu sẽ làm giảm thải độc và có nguy cơ gây viêm bàng quang. Tốt nhất cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.

TS. Nguyễn Thị Lai (Bệnh viện Hữu Nghị)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]