Tìm vốn theo cách khác

116.000 tỷ đồng là số vốn huy động được qua thị trường chứng khoán năm 2010. Con số này chủ yếu được doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu thông qua việc chào bán cổ phần với giá bằng mệnh giá hoặc chào bán trái phiếu chuyển đổi.

15.5803

Trước đó, năm 2007 - năm kỷ lục về phát hành qua thị trường chứng khoán - đã huy động được 127.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá (số doanh nghiệp niêm yết lúc đó là 210 doanh nghiệp, chưa bằng 1/3 số doanh nghiệp hiện nay). Số tiền thực tế các doanh nghiệp huy động được lớn hơn nhiều, ngoài vốn, doanh nghiệp còn thu được những khoản thặng dư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tích lũy.

Nhưng bối cảnh năm 2011 đã khác. doanh nghiệp rất khó thuyết phục cổ đông tiếp tục bỏ thêm vốn, trong khi nhu cầu vốn là rất lớn. Lãi suất không kỳ hạn có nơi đã huy động đến 14%, nếu phải vay ngân hàng, các doanh nghiệp phải chịu chi phí vốn quá lớn (trên 20%). Trong khi đó, nếu phát hành được cổ phiếu thì doanh nghiệp vừa có vốn để sử dụng vô thời hạn, vừa không phải chịu áp lực chi phí, có chăng chỉ là sự hứa hẹn về cổ tức cho cổ đông. Nhưng nhiều doanh nghiệp giờ không mong phát hành cổ phiếu để có vốn mới, mà chỉ mong tìm được cách nào giữ lại đồng cổ tức đáng lẽ phải trả cổ đông để bảo toàn tình hình tài chính hiện tại.

Trong tờ trình Đại hội Cổ đông sắp tới, Sacombank nêu phương án trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, nhưng đồng thời dự kiến phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng tỷ lệ 15%. Phương án này sẽ phải chờ Đại hội Cổ đông, nhưng nếu được thông qua thì đây là cách giữ lại đồng cổ tức nhỏ bé của cổ đông để tạm thời bảo toàn tài chính trong thời điểm các ngành, nhất là ngành ngân hàng đang quá khát vốn.

Một doanh nghiệp tài chính khác cũng đang phải vắt óc tìm cách nào đó để không phải trích tiền trả cổ tức cho cổ đông. doanh nghiệp này ở trong tình cảnh "trót" cho một số doanh nghiệp ngành công nghiệp vay vốn, nay giá điện tăng, than tăng, xăng tăng, nhưng chủ trương kiềm chế lạm phát không cho doanh nghiệp vay vốn được tăng giá sản phẩm đầu ra. Khi doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn thì doanh nghiệp cho vay cũng khó khăn tương tự. Tiền cho vay đọng cả lãi lẫn gốc, nếu có ép doanh nghiệp đi vay phải trả tiền hay tăng lãi suất cho vay cao hơn nữa cũng chẳng thể thu hồi được vốn.

Làm thế nào để cổ đông hiểu và chấp nhận để lại khoản cổ tức lãnh đạo doanh nghiệp hứa hẹn trước đó? Đây đang là bài toán không "dễ ăn, dễ nói" với cổ đông. Cùng với thời gian, cổ đông đã trải qua nhiều loại cảm xúc, từ vui sướng khi nghe tin được mua thêm cổ phiếu hay được thưởng cổ phiếu (thực chất chẳng thưởng gì cả), đến việc ngậm ngùi nộp tiền mua cổ phiếu với giá bằng mệnh giá và nay, lại phải đứng trước cân nhắc có để lại đồng cổ tức cho doanh nghiệp dùng tiếp hay không? Sự khắc nghiệt của thị trường đang dạy người chơi bài học mới về giá trị cổ phiếu và trong sự khắc nghiệt đó, đây đó đã có những nhóm cổ đông nung nấu ý tưởng đòi giải thể doanh nghiệp...

Thị trường hiện thời không tạo cơ hội cho doanh nghiệp "bòn" thêm vốn của cổ đông, vậy có con đường nào khác để doanh nghiệp gọi vốn lúc này? Hoàng Anh Gia Lai đã tiên phong tìm vốn bằng một con đường mới, tuy không dễ dàng gì và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp danh tiếng, nhưng cách làm này là một điểm sáng để các doanh nghiệp làm ăn minh bạch và hiệu quả khác có thể hướng theo. Theo thống kê tại thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2010, lợi nhuận trước thuế của 20 doanh nghiệp lớn nhất từ 800 tỷ đồng đến 5.500 tỷ đồng, trong khi P/E chỉ từ 5-15 lần, trừ một số trường hợp đặc biệt (BVH, VIC). Sức hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam là có thật và con đường gọi vốn theo cách mới đã có người mở đường, các doanh nghiệp không nên chỉ quẩn quanh nghĩ chuyện tìm vốn từ cổ đông cũ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]