Trầm cảm sau kết hôn Một nghịch lý?

Từ trước đến nay, trong các y văn thường hay nói đến hiện tượng trầm cảm sau sinh, sau ly hôn, sau đổ vỡ trong công việc… Hầu như người ta ít khi nói đến hiện tượng trầm cảm sau kết hôn...

15.6005
Từ trước đến nay, trong các y văn thường hay nói đến hiện tượng trầm cảm sau sinh, sau ly hôn, sau đổ vỡ trong công việc… Hầu như người ta ít khi nói đến hiện tượng trầm cảm sau kết hôn bởi lẽ nghe có vẻ rất nghịch lý nhưng trong thực tế hiện tượng này không phải là hiếm tuy chưa có con số thống kê chính xác bởi đây là một vấn đề khá tế nhị và thường hay bị những người trong cuộc giấu giếm…
 
Các cụ ta thường nói trong đời người có ba việc quan trọng nhất đó là tậu trâu, làm nhà và lấy vợ. Lập gia đình thường được coi là ngày đại hỷ trong đời. Người ta lấy nhau thường xuất phát từ tình yêu, từ việc làm mối mai và đôi khi như là định mệnh… sau một thời gian tìm hiểu dài ngắn khác nhau mà hai người quyết định làm bạn trăm năm. Nói chung, ngày cưới thường được coi là một trong những ngày trọng đại vui vẻ hạnh phúc nhất trên đời của các đôi uyên ương cũng như những bậc cha mẹ, bạn bè và người thân...

Vì sao có hiện tượng trầm cảm sau khi cưới?

Quay ngược trở lại các cuộc kết hôn có thể thấy có nhiều điều phải bận tâm cho dù cả ở những đôi yêu nhau thắm thiết điều kiện tinh thần vật chất nói chung đầy đủ mà người ngoài nhìn vào cho là hoàn hảo. Nhưng như người ta nói chỉ có người trong cuộc mới biết. Có người thú nhận là sắp đến ngày cưới rồi tất cả thiếp đã được gửi đi, cỗ bàn đã đặt hết rồi thì lại thấy sự lựa chọn của mình là có vấn đề, là sai lầm, là không hợp… nhưng tất cả đều “đã xong”, họ không dám từ bỏ vì sợ gây đau khổ cho đối tác cũng như bối rối khó xử cho cha mẹ người thân… nên họ liều mình nhắm mắt đưa chân bất chấp hậu quả.
 Não của người bệnh trầm cảm (trái) và não của người bình thường (phải).
Có người vì hoàn cảnh bản thân, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng do hủ tục, thói quen, thích hình thức chạy đua để không kém người đời và tặc lưỡi cho là dù sao đây cũng là một lần trong đời nên tìm mọi cách để làm một đám cưới thật “hoành tráng”, không thua kém thiên hạ nhưng vượt quá khả năng của bản thân và gia đình… Nên sau ngày vui lại là những ngày ưu tư vì lo... trả nợ.

Có người lấy nhau không phải vì tình yêu mà do sự sắp đặt cưỡng ép của gia đình, do các mối quan hệ môn đăng hộ đối, do bị đối phương đeo bám quá mức, do trả thù sau một cuộc tình đổ vỡ hoặc cũng có người sa vào bẫy tình vì một lý do khác không xuất phát từ tình yêu như lấy nhau vì tiền, vì địa vị của cha mẹ…

Có người lấy nhau vì hoàn cảnh bắt buộc, đã lỡ có thai nhất là với những người còn trẻ chưa có kinh nghiệm trong đời sống vợ chồng như các cụ thường nói “vợ chồng trẻ con”, chưa có đủ cơ sở vật chất tinh thần tối thiểu, sống hoàn toàn lệ thuộc vào gia đình… nên sau hôn nhân có rất nhiều sự cố dở khóc dở cười… Không biết xử lý các tình huống xảy ra trong công việc hằng ngày dẫn đến cãi vã và bạo lực, bỏ về nhà bố mẹ đẻ hoặc là với nữ giới thường hay âm thầm chịu đựng, cuộc sống gia đình trở nên địa ngục…

Có những người luôn chờ đời sự lãng mạn như trong tiểu thuyết hay trên phim ảnh nhưng sau kết hôn và nhất là sau đêm động phòng thì cảm thấy thất vọng không được như ý có khi còn lo âu sợ hãi, nhất là khi bị ức chế tâm lý gây đau đớn và lo sợ do đối tác không có kinh nghiệm nên làm cho có cảm giác bị tổn thương. Mặt khác, ngày nay con người hiểu biết hơn, đời sống vật chất cao hơn nên tiêu chuẩn đối với bạn đời cũng cao hơn vì thế khi không đạt được như ý thì cảm thấy dễ thất vọng hơn…

Có đôi sau khi kết hôn mới lộ rõ những tính xấu như cờ bạc rượu chè sinh hoạt bừa bãi, hay ghen tuông ích kỷ… Họ cho rằng sau khi lấy nhau rồi không cần phải giữ gìn ý tứ như khi còn yêu nhau… nên làm cho đối tác cảm thấy thất vọng sống trong cảnh đồng sàng dị mộng… mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Các biểu hiện thường thấy và hậu quả

Trầm cảm sau hôn nhân thường có triệu chứng như thế nào? Thật ra, các triệu chứng không khác gì triệu chứng của trầm cảm mà ta thường thấy như: buồn rầu, lo âu chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú, ăn không ngon, mất ngủ, nét mặt buồn rầu, không tươi tỉnh, sút cân, mất thích thú trong quan hệ tình dục hay lãnh cảm, hiệu suất làm việc giảm và nặng nhất có thể tự sát… Các triệu chứng tùy thuộc mức độ nặng nhẹ cũng như thời gian dài, ngắn và mức độ trầm trọng của xung đột và khả năng chịu đựng thích nghi của mỗi người…

Một số nguyên nhân dẫn đến những trục trặc sau kết hôn, nhẹ thì gây tâm lý mệt mỏi, chán nản, nếu không được giải quyết sớm sẽ dẫn đến các mâu thuẫn lớn phát sinh trầm cảm mà hậu quả là gia đình trở nên địa ngục, ly thân, ly dị, bạo hành gia đình... Trong trường hợp này cả hai giới đều chịu tổn thất nhưng người ta thường thấy nữ giới thiệt thòi và đau khổ hơn do tâm lý xã hội người con gái thường phải cam chịu, “thuyền theo lái, gái theo chồng” và khi phải ly hôn phụ nữ cũng dễ bị mang tiếng hơn, vả lại phụ nữ hay giấu giếm, không muốn bộc lộ cảm xúc thật của mình ngay cả với người thân và thường âm thầm chịu đựng. Không chỉ người trong cuộc bị ảnh hưởng mà cả những người thân như bố mẹ và con cái sau này cũng dễ có nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn khác…

Khuyến cáo của chuyên gia

Để giải quyết tình trạng này, các nhà tâm lý học thường khuyên khi yêu nhau cần tìm hiểu kỹ, có câu ngạn ngữ “dễ đến dễ đi”, cần có những lớp học về kỹ năng làm vợ chồng trước khi cưới, giảng giải những điều cơ bản trong đời sống vợ chồng hay còn gọi là kỹ năng xử lý tình huống... Và chớ nên hiểu lầm rằng hôn nhân là đoạn kết của tình yêu mà thực ra hôn nhân mới chỉ là sự khởi đầu đầy chông gai cũng như lãng mạn của ái tình và cần một sự vun đắp liên tục của cả hai phía, tình cảm con người cũng như thời tiết lúc nắng lúc mưa mà ta phải biết thích nghi…

Không bao giờ có sự hoàn hảo, đã yêu thì phải biết chấp nhận tất cả cái tốt xấu của đối tác. Nếu gặp trục trặc thì các đôi uyên ương nên gặp các nhà chuyên môn, nhà cố vấn tâm lý, bác sĩ tâm thần và các bậc cha mẹ có nhiều kinh nghiệm để nhận được những lời chỉ bảo, giúp đỡ, không nên âm thầm chịu đựng. Có trường hợp chỉ cần trị liệu tâm lý như liệu pháp gia đình, liệu pháp tâm lý riêng cho cặp vợ chồng và đôi khi cũng cần đến kết hợp cả thuốc chống trầm cảm. Tình trạng trầm cảm diễn ra từ vài tháng đến nhiều năm có khi cả đời người nếu như không được phát hiện và xử lý thỏa đáng…

BS. Lê Đào Nghĩa

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]