10 cách để trở thành bạn của con

(SKGĐ) Chắc hẳn không ít lần bạn cảm thấy mệt mỏi và bất lực khi cố gắng tìm hiểu xem con mình đang làm gì, quan tâm gì? Một vài mẹo nhỏ sau để giúp những ông bố, bà mẹ dễ dàng kết bạn với con hơn.

15.6094

Ảnh minh họa

1. Nếu đặt câu hỏi về những việc con làm, hãy hỏi về quá trình thay vì chỉ hỏi về kết quả

Chúng ta cần phải học cách đặt câu hỏi tốt hơn và khác nhau. Tránh những câu hỏi kiểu như: Con đi học có vui không? Bài kiểm tra của con thế nào? Con đá bóng có thắng không?... Với những câu hỏi cho có như vậy bạn sẽ chỉ nhận được những câu trả lời cụt lủn: Cũng vui; Cũng được; Có… Hãy biết rằng từ góc độ của một thiếu niên đang lớn, càng ít thông tin truyền đạt cho cha mẹ thì càng tốt.

Vì vậy bạn cần biết cách khai thác thông tin từ chúng một cách khôn khéo: Ở lớp con có chơi thân với bạn nào không? Cậu ấy/ Cô ấy thú vị chứ? Hôm nào đó con mời bạn về nhà mình ăn cơm nhé? Hôm nay con có bài kiểm tra Hóa à? Ngày xưa bố học hóa kém lắm, không biết con có thông minh hơn bố trong cái môn khô khan đấy không nhỉ?... Với những câu hỏi cởi mở và có sự tương tác cao như vậy, bạn sẽ thấy con bạn mở lòng hơn, và chúng sẽ chia sẻ nhiều hơn với bạn.

2. Hãy làm thân với bạn bè của con

Làm bạn với con mình thì khó, nhưng với con người khác thì lại dễ hơn bạn tưởng đấy. Bạn nên tận dụng mọi cơ hội có thể tạo được thiện cảm từ các bạn của con mình, hãy luôn cởi mở và vui vẻ với chúng.

Kỵ nhất là việc ngay từ lần đầu con mời bạn đến nhà, bạn đã đưa ra một cái nhìn dò xét, rồi hỏi chúng hàng loạt các câu hỏi như thể hỏi cung. Cứ bắt quen tạo thiện cảm rồi tìm hiểu dần về chúng cũng không muộn mà. Hãy tỏ ra mình là một người vui tính, dễ gần và trẻ trung.

Hầu hết bọn trẻ đều hãnh diện vì mình có những ông bố, bà mẹ thân thiện và chúng cũng hết sức vui vẻ bắt chuyện với những ông bố, bà mẹ vui tính của bạn mình. Khi đó bạn sẽ dễ dàng tìm hiểu được về con mình qua những người bạn của chúng, có cơ hội hiểu chúng hơn và sẽ dễ dàng tiếp cận chúng hơn.

3. Hãy luôn biết cách lắng nghe con bạn

Lắng nghe là một nghệ thuật, và nó quan trọng trong mọi mối quan hệ xã hội cũng như gia đình. Hãy lắng nghe những gì con nói một cách nghiêm túc, cố gắng hiểu chúng, hiểu cảm xúc của chúng. Bạn cũng từng trải qua thời ẩm ương như chúng, do đó suy nghĩ giống như chúng sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn những gì mà chúng chia sẻ.

Quan trọng nhất, hãy dừng ngay mọi việc mà bạn đang làm để ngay lập tức tập trung vào câu chuyện của con khi chúng chia sẻ. Rất khó để chúng chủ động chia sẻ với bạn như vậy nên bạn phải tận dụng mọi lúc mọi nơi để chúng thấy mình được tôn trọng. Chỉ một lần bạn không tập trung lắng nghe, cái giá phải trả sẽ rất đắt, luôn phải tâm niệm như vậy.

4. Học cách tha thứ và suy nghĩ tích cực

Ai cũng có lúc sai lầm cho dù có là vĩ nhân đi chăng nữa. Nếu con bạn sai lầm hãy cho chúng cơ hội sửa chữa hoặc ít nhất cũng đừng làm như chúng vừa làm một điều kinh khủng.

Sự rộng lượng của cha mẹ sẽ giúp chúng đón nhận những sai lầm nhẹ nhàng hơn, chúng sẽ bình tĩnh nghe bạn phân tích sai lầm và rút ra kinh nghiệm. Đừng bấu víu vào những sai lầm trong quá khứ mà lên án chúng, hãy phân tích và chỉ cho chúng cách làm hợp lý hơn và chúng sẽ không lặp lại như thế nữa.

Hãy hướng con tới những suy nghĩ tích cực, hãy nói chuyện về những thành tích của chúng, dành cho chúng những tưởng thưởng xứng đáng với những thành tích ấy. Người cha, người mẹ rộng lượng và tích cực sẽ khiến chúng yên tâm chia sẻ ngay cả đó là điều sai trái mà chúng đã làm.

5. Dành thời gian cho con

Dù bạn có bận trăm công ngàn việc cũng không bao giờ được phép bỏ rơi con mình. Cha mẹ chỉ biết công việc sẽ không giành được tình cảm cũng như sự tin tưởng của lũ trẻ.

Hơn 70% thanh thiếu niên cho rằng không được cha mẹ yêu thương, cảm thấy cô độc trong chính gia đình mình. - Theo nghiên cứu của PGS.TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đối với 160 thanh niên nghiện ma túy.

Hãy tổ chức những cuộc picnic gia đình vào những ngày cuối tuần hay đi cổ vũ cho con tham gia một môn thể thao mà chúng yêu thích. Nhưng cần nhớ, bạn phải là người vui vẻ, hòa đồng với đám bạn của con và tránh đừng chăm sóc như thể chúng mới tập đi sẽ khiến chúng xấu hổ, mọi chuyện sẽ hỏng bét.

Hãy cho chúng thấy bạn sẵn sàng tham gia với chúng với tư cách là một người bạn chứ không phải bảo mẫu. Tận dụng bất cứ thời gian rảnh rỗi nào của bạn để trò chuyện với con, để lắng nghe con bạn sẽ giúp bạn ngày càng gần chúng hơn.

6. Sức mạnh của những dòng ghi chú

Ghi chú trên giấy note là những bức thư ngắn mà cha mẹ có thể gửi cho con cái. Khi bạn nói điều gì đó khiến cho hai người căng thẳng và những đứa trẻ không thèm nói chuyện với bạn nữa, thì những tờ note này chính là cứu cánh cho bạn. 

Điều này cũng cực kỳ hiệu quả với những ai cảm thấy khó khăn khi trò chuyện với con cái mình, hoặc khi giờ giấc của bạn lệch với lũ trẻ khiến cho bạn khó lòng gặp mặt để trò chuyện trực tiếp với chúng. Những tin nhắn có thể là lời xin lỗi như:

Con yêu!

Mẹ rất tiếc vì hôm qua đã nặng lời với con. Khi đó mẹ nóng nảy quá. Hẹn con tối nay khi mẹ tan làm, mình cùng đi ăn và mua sắm để bù lại cho con nhé!

Cũng có thể chỉ là một lời nhắn thể hiện sự quan tâm của bạn tới chúng:

Ken yêu quý!

Tối qua khi đi qua cửa phòng con, mẹ nghe thấy tiếng con cười trên điện thoại với các bạn. Với mẹ, tiếng cười sảng khoái của con là thứ âm thanh hay nhất trong cuộc sống. Hi vọng là đêm qua con ngủ ngon. Chúc con có một ngày vui vẻ ở trường cùng các bạn nhé! Hẹn gặp con bữa tối nay.

Với những dòng thư ngắn và không tốn quá nhiều thời gian của bạn như vậy thôi cũng sẽ khiến bạn và lũ trẻ thêm gần nhau hơn.

7. Luôn luôn là người thỏa hiệp cùng con chứ không phải ông chủ

Bọn trẻ đang lớn, đặc biệt là khi chúng dậy thì sẽ vô cùng nhạy cảm và rất dễ tự ái. Chỉ một lần bạn lớn tiếng với chúng thôi sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

Vì vậy hãy tâm niệm rằng mình đang thỏa hiệp với con chứ không phải ra lệnh cho chúng, mặc dù đúng là bạn cần phải ra lệnh. Đừng phiền vì việc đó, phương thức là không quan trọng nếu bạn đạt được mục đích.

Một thái độ mềm mỏng và cởi mở sẽ giúp bạn dễ thở hơn trong những cuộc đàm phán với con đấy.

8. Chủ động nói chuyện với con

Bạn nên chủ động nói chuyện với con thay vì để chúng phải cố gắng nói chuyện với bạn. Chủ động nói chuyện cũng khiến lũ trẻ thấy được bạn thật sự quan tâm tới chúng. Và khi bạn cho đi sự chủ động này, thì chúng cũng sẽ chủ động trò chuyện với bạn, chẳng phải mục đích của bạn là điều này hay sao?

9. Động viên và khen thưởng con rõ ràng

Hãy là nguồn động viên tinh thần đối với con bạn trước những sự kiện quan trọng của chúng.

Đừng bao giờ gây áp lực lên chúng trước mỗi kỳ thi, thay vào đó hãy hết sức tạo điều kiện cho con ôn luyện cũng như tạo cho chúng một tinh thần thoải mái trước các kỳ thi. Làm được như vậy chúng sẽ biết ơn bạn vô cùng.

Chớ tiết kiệm lời khen mà nên khen ngợi ngay khi con bạn làm tốt điều gì đó. Sự nhìn nhận của cha mẹ trước những việc tốt của con đáng giá với chúng hơn bạn tưởng nhiều.

10. Tôn trọng con

Ai cũng cần được tôn trọng, lũ trẻ cũng vậy. Do đó, đừng bao giờ gặt phắt ngay ý kiến của chúng bằng câu trả lời gọn lỏn “Không!”. Điều này thể hiện rằng lời của chúng không có chút trọng lượng nào với bạn, và như thế thì đừng hòng bạn có thể thân thiết với chúng nữa.

Cha mẹ với hiểu biết rộng hơn cần phân tích cho con hiểu mọi thứ và hơn hết cho chúng thấy rằng mình được tôn trọng và hoàn toàn có quyền tương tác với bố mẹ một cách bình đẳng.

Bạn có biết?

Gần 50% số phụ huynh mong muốn có thể kết bạn với chính con cái của họ trên Facebook là kết quả khảo sát của website đánh giá sản phẩm Retrevo.

Tuy nhiên, một khảo sát khác của Consumer Reports lại tiết lộ hầu như các phụ huynh có con nhỏ hơn 10 tuổi rất ít quan tâm đến chuyện con có tham gia Facebook hay không.

Tiến Đạt

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]