5 món ăn Tết mới lạ và độc đáo

(VietQ.vn)- Bên cạnh các món ăn truyền thống, các bà nội trợ ngày nay thường bổ sung những món ăn Tết mới lạ và độc đáo để không khí ngày xuân thêm vui vẻ và ý nghĩa.

0

Theo quan niệm của người Việt Nam, món ăn Tết cổ truyền gồm có bánh chưng xanh, giò hoa, gà luộc,…Ngày nay, người dân vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống đó, đồng thời phát huy thêm những món ăn độc đáo làm cho bữa cơm ngày Tết vừa thơm ngon, mới mẻ, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Bánh chưng ngũ sắc

Bánh chưng là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Ngày nay, bên cạnh bánh chưng xanh, còn có nhiều loại bánh nhiều màu sắc khác nhưng mới mẻ, độc đáo và ý nghĩa nhất phải kể đến bánh chưng ngũ sắc. Đúng như tên gọi, bánh có 5 màu: trắng, đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với quan niệm mang lại may mắn, bình an cho năm mới.

 

Món ăn Tết độc đáo nhất hiện nay là bánh chưng ngũ sắc

Chị Nguyễn Ngọc Hà (Đại La, Đống Đa), tác giả của chiếc bánh này cho biết: “Làm một chiếc bánh chưng ngũ sắc mất rất nhiều thời gian và yêu cầu kỹ thuật cầu kỳ. Gói một chiếc bánh dạng này mất hơn 30 phút, trong khi với loại thông thường chỉ vài phút. Gạo nếp phải được ngâm trong nước tạo màu tự nhiên từ 2 đến 3 tiếng rồi đồ đỗ chín, chuẩn bị nguyên liệu”.

Cũng theo chị Hà, màu sắc của bánh làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm. Tuy nhiên, để bánh có màu đẹp, người làm phải khéo léo trong quá trình pha nước màu, ngâm gạo. Người thợ làm bánh cũng phải khéo léo, đổ gạo vào khuôn sao cho các màu không bị lẫn.

Khi gói, chỉ cần người thợ lỏng tay một chút là các màu sẽ trộn vào nhau, bánh không đạt chất lượng. Chị Hà chia sẻ, mặc dù đã mất gần 2 tháng để thử nghiệm, nhưng hiện tại, tỷ lệ thành công cho ra mẻ bánh màu đẹp mắt chị làm chỉ 85-90%.

“Cuộc sống hiện đại dẫn đến nhiều điều thay đổi nhưng bánh chưng là món truyền thống không thể thiếu trên mẫm cỗ ngày Tết ở Việt Nam. Các loại bánh thông thường dần nhàm chán nên tôi thay đổi màu sắc cho chiếc bánh chưng trở nên mới mẻ mà vẫn giữ được nét truyền thống. Đó cũng là lý do tôi đã mất nhiều thời gian và công sức để thử nghiệm làm”, chị Hà tâm sự.

Thịt bò kho quế               

Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được độ mềm và vị ngọt của thịt bò và hương thơm cùng vị cay của quế. Thịt bò kho quế với hương vị độc đáo sẽ tô điểm cho mâm cơm Tết thêm phần hấp dẫn.

 

Thịt bò kho quế là món ăn Tết thơm ngon, hấp dẫn

Để chế biến món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó, ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Tiếp theo, thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội rồi gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là màu trắng của mỡ heo. Thịt bò kho quế ăn kèm với bánh chưng hoặc cơm nếp sẽ tạo nên hương vị thơm ngon không thể cưỡng lại được, làm cho bữa cơm sum vầy thêm vui vẻ và ấm cúng.

Canh sườn non nấu củ sen

Ngày Tết, mọi người thường thưởng thức nhiều món ăn có nhiều dầu mỡ, dễ gây cảm giác ngấy, nóng không tốt cho sức khỏe. Một bà nội trợ đảm đang sẽ khéo léo bổ sung thêm vào bữa ăn món canh sườn non nấu củ sen vừa ngon miệng vừa có tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả.

 

Canh sườn non là món ăn Tết giúp thanh nhiệt

Củ sen có tác dụng thanh nhiệt, lại rất tốt cho giấc ngủ nên rất thích hợp với những quý ông vừa trở về sau tiệc rượu. Chế biến món này không khó. Củ sen gọt sạch vỏ, rửa sạch bùn đất bám bên trong, thái thành từng khoanh vừa ăn. Sườn non thái thành khúc vừa ăn, rửa qua nước muối và rửa lại bằng nước sạch. Cho sườn non vào nồi, đổ nước ngập mặt đun sôi, nhớ canh vớt sạch bọt cho nước trong. Sau đó, đun đến khi sườn chín thì cho củ sen vào đun tiếp. Khi củ sen chín, nêm vào một ít muối, hạt nêm cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc canh ra bát, cho vào ít hành lá, ngò rí thái nhỏ và thưởng thức.

Rau nộm             

Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong ngày Tết mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món rau nộm. Nộm có nhiều khúc biến tấu khác nhau: nộm rau muống, hoa chuối, su hào…. nhưng tựu chung đều rất đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng.

Rau nộm là món ăn Tết độc đáo và dễ làm

Rau nộm không chỉ đẹp mắt mà hương vị còn ngon và hấp dẫn. Đó là món ăn đẹp ý, đẹp tình thể hiện sự quan tâm và thông thái của các bà nội trợ.

Canh bóng thập cẩm

Giống như canh sườn non hầm củ sen và rau nộm, canh bóng thập cẩm cũng rất bắt mắt và bổ dưỡng. Món ăn này có vị ngọt đặc biệt, vừa đậm đà vừa nhẹ nhàng, dung dị.

Món ăn Tết canh bóng thập cẩm dịu ngọt thơm hương

Canh bóng gồm có su hào, cà rốt, đậu Hà Lan. Su hào, cà rốt được cắt tỉa hoa cho đẹp mắt và nấu vừa tới để không bị nát. Giò lụa và trứng tráng mỏng thái chỉ, tôm bông, mỗi thứ để một góc, bên trên trang trí mấy cọng rau mùi. Khi ăn, gắp mỗi thứ một ít, bỏ vào bát, phụ thêm với tôm nõn và thịt thăn. Hai thứ này cho vào nước dùng nấu trước cho ngọt.

Có thể nói, những món ăn Tết ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Thực đơn cho bữa ăn ngày Tết vẫn lưu giữ những món ăn cổ truyền, song cũng bổ sung thêm nhiều món ăn độc đáo, vừa thơm ngon vừa an toàn cho sức khỏe.

Hường Vũ 

 

Thích và chia sẻ bài viết:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]