Vào ngày 6.10.2013, Trung Tâm ICS đã kết hợp với cộng đồng LGBT Tiền Giang (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Cái tên của hội thảo, “70 & 1”, xuất phát từ một thực tế người đồng tính chỉ có một quyền duy nhất trong 70 quyền mà người dị tính được hưởng từ Luật Hôn nhân và gia đình. Đó chính là “quyền giải quyết hậu quả quan hệ tài sản giữa các bên chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”.

Hội thảo có sự tham dự của rất nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT đến từ hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Xúc động nhất có thể kể đến một bạn đồng tính nam đã đạp xe hơn 30 cây số trong điều kiện trời mưa lớn để đến với hội thảo. Lý do của bạn ấy rất đơn giản: “Chỉ cần được công nhận hôn nhân cùng giới thì đi xa mấy em cũng chịu”.

Bà Lê Mười tại hội thảo

Bà Lê Mười (phường 5, TP Mỹ Tho, có con gái đồng tính nữ) phát biểu: “Luật đã cấm thì thôi, còn không cấm thì hãy công nhận. Đó không chỉ là quyền mưu cầu hạnh phúc của con người mà còn làm giảm đi sự mặc cảm của chính các bậc làm cha, làm mẹ khi có con là người đồng tính. Vì vậy tôi tha thiết và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hãy thông qua luật, cho phép kết hôn cùng giới để con tôi và người yêu của nó có thể làm đám cưới để nở mặt nở mày với bà con lối xóm”.

Con của bà Mười năm nay 30 tuổi, sống cùng với người yêu đã hơn một năm nay. Cả hai rất mong muốn chế định hôn nhân cùng giới sẽ được thông qua để có thể an tâm cùng nhau xây dựng một gia đình thật sự với đầy đủ quyền và nghĩa như các cặp đôi dị tính khác.

Mong muốn được sống thật là chính mình

Bà Lê Mười chia sẻ: “Tôi có một cô bạn là đồng tính, khi gia đình biết chuyện cô này yêu một người con gái thì gia đình ra sức ngăn cản. Cô ấy không chịu đựng được áp lực đã muốn tự tử. Không biết ở đây có cháu nào đã từng có ý định đó không?”.

Đáp lại câu hỏi đã có rất nhiều cánh tay trong hội trường được giơ lên. Một bạn đồng tính nữ kể lại: “Ba mẹ con khi biết chuyện con có bạn gái thì mắng nhiếc, chửi bới và còn đánh đập con…”. Một bạn đồng tính nữ khác đồng cảm: “Gia đình con cũng vậy, thậm chí còn bắt con uống thuốc bùa ngãi để cho con hết đồng tính. Đôi khi con cảm thấy buồn và tuyệt vọng lắm… Gia đình không hiểu nên nhiều khi muốn tự tử cho xong…”.

Tại sao cứ cần phải có lộ trình?

Nhiều người cho rằng vẫn còn quá sớm để Việt Nam có thể công nhận hôn nhân đồng giới. Hiện tại trên thế giới chỉ mới có khoảng 20 nước cho phép kết hôn cùng giới cho nên Việt Nam cần phải có lộ trình hay bước đệm thích hợp. Về vấn đề này, anh Nguyên Khang đã đặt câu hỏi: “Các nước trên thế giới muốn công nhận hôn nhân đồng giới cần phải có lộ trình rất dài để đạt được điều đó, vậy tại sao Việt Nam không học hỏi để trở thành một nước đi tắt dẫn đầu ở châu Á mà cứ phải đi sau theo người ta?”.

Tại hội thảo, khi được hỏi về cảm nghĩ khi biết được về dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình thì có 73% người tham dự cảm thấy rất thất vọng, 9% người thất vọng và có 19% cảm thấy bình thường. Khi được hỏi tại sao các bạn lại cảm thấy bình thường thì các bạn cho rằng “chẳng có hy vọng gì luật pháp Việt Nam sẽ thay đổi cho phép kết hôn cùng giới”. Đó là một nhận định khá buồn.

Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình lần này bỏ phần “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” mà thay vào đó là “không thừa nhận”. Và nếu như không có gì thay đổi, dự thảo sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng này và thông qua vào tháng 5.2014.

Thảo Nguyên