8 bí quyết giúp con hết “lơ mơ” trong giờ học

Mất tập trung sẽ làm ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của con. Để trẻ tập trung hơn, các mẹ hãy tham khảo những bí quyết dưới đây nhé.

0

Con chị Thanh (Hà Nội) đang học lớp 6. Cháu được các cô giáo đánh giá là thông minh. Tuy vậy, trong giờ học không hiểu bé nghĩ gì mà không tập trung nghe cô giáo giảng bài. Nói chuyện thẳng thắn với bé nhưng không được nên cô giáo nhiều lần phải phản ánh với phụ huynh. Cô giáo cho rằng bé mắc bệnh “tự kỷ nhẹ” khiến chị Thanh rất buồn lòng.

Về nhà cũng vậy, để con ngồi học nhưng chị Thanh cứ phải ngồi cạnh vì chỉ cần chị đi làm việc khác là bé lại mất tập trung. Có lúc, chị Thanh để ý, thấy bé nghịch bút, thước hay cứ nhìn chăm chú về phía trước bàn học mà không hiểu bé nhìn gì.

Dường như việc thiếu tập trung khi học bài không chỉ là vấn đề của riêng con trai chị Thanh mà còn khá phổ biến ở trẻ các bậc tiểu học và trung học cơ sở khiến các bậc phụ huynh đau đầu.

Đặc biệt là hiện nay, khi xung quanh trẻ ngày càng có nhiều phương tiện, chương trình giải trí hiện đại ra đời thì khả năng mất tập trung của trẻ càng tăng cao. Trẻ ngày càng có xu hướng lười biếng, thụ động từ hoạt động cá nhân, việc nhà, cho tới việc học tập trên lớp và hoạt động đoàn thể.

Mất tập trung sẽ làm ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của con, vì thế chúng ta không nên xem nhẹ việc này. Nếu được rèn luyện kỹ năng tập trung, trẻ sẽ có được năng lực học tập và làm việc tốt hơn trong tương lai.

Thế nhưng, trước sự hiếu động hay những vui thích cá nhân của trẻ thì việc định hướng xuất phát từ phụ huynh không phải là công việc đơn giản. Vậy, làm thế nào để trẻ tập trung hơn? Các mẹ hãy tham khảo những bí quyết dưới đây nhé:

1. Hãy cảm thông với trẻ: Bạn có thể nhận thấy trẻ khó chịu và bực mình khi phải ngồi một chỗ vì các con thường chỉ muốn chạy nhảy, vui chơi. Vì thế, bạn đừng vội mắng chúng.

2. Tạo góc học tập yên tĩnh: Giảm mọi âm thanh (nhạc, tivi…) có thể làm cho trẻ mất tập trung. Khi đến giờ bé ngồi vào bàn học hoặc làm một việc gì cần sự tập trung thì hãy tắt nhạc hoặc tivi đi.

Trẻ không thể tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Sách vở phải luôn được sắp xếp gọn gàng, bút viết phải bỏ vào hộp, dẹp hết sách báo cũ…

Trong góc học tập của trẻ, ngoài sách vở và đồ dùng học tập, không nên để quá nhiều đồ chơi.

3. Học cùng con: Cha mẹ nên giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng, cho trẻ cảm giác mình được bình đẳng và cha mẹ như những người bạn thân thiết của chúng;

Thường xuyên khích lệ trẻ bày tỏ ý kiến cá nhân, chủ động tìm tòi, suy nghĩ để khả năng nhận thức phát huy ở mức độ cao.

4. Đặt mục tiêu sao cho bé có thể đạt được: Tạo cho bé những mục đích học tập phù hợp về điểm số, về thành tích nhưng đừng bao giờ nổi giận vì trẻ không thực hiện được mục tiêu mà bạn đề ra. Cơn giận của bạn sẽ làm cho trẻ thất vọng với chính bản thân mình và đánh mất dần lòng tự trọng.

Bạn nên bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải, ví dụ như bé phải tập trung làm bài tập nhà trong vòng 5 phút tối nay. Hãy thiết lập khoảng thời gian thích hợp với bé.

Khi bé đã đạt được sự tập trung trong khoảng thời gian bạn đề ra, hãy kéo dài thêm 30 giây nữa vào tối hôm sau. Hãy nói cho bé biết bạn đang làm gì và mục tiêu mới cần phải thực hiện.

5. Quan sát: có đôi khi bé có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp bé tập trung trong thời gian lâu như vậy? Bé thích làm bài tập này, bé thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?

6. Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: Hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc bé chơi là lúc bé thư giãn và sau đó bé có thể tập trung tốt hơn. Cho bé chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở bé quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.

7. Học mà chơi, chơi mà học: Tạo ra những phương pháp linh hoạt và trò chơi bổ ích chủ yếu theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học” để thu hút sự tham gia tích cực và hào hứng của trẻ, giúp trẻ chủ động tiếp thu được kiến thức trên mọi mặt đời sống.

8. Trao cho bé quyền làm chủ: Nếu bạn nghĩ đó là trách nhiệm của bạn thì bé sẽ phụ thuộc hẳn vào bạn. Khuyến khích trẻ tự chủ động làm mọi việc của chúng và thực hành kỹ năng tập trung.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được quan tâm: 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]