Ăn đậu đỏ khi mang thai và những lợi ích bất ngờ

Đậu đỏ là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào cho cơ thể, đặc biệt là dành cho phụ nữ mang thai rất dễ thiếu máu do thiếu sắt.

15.6014

Bạn có biết rằng ăn nhiều đậu đỏ giúp cơ thể sản sinh ra nhiều sữa hơn và giúp cân bằng những nội tiết tố trong cơ thể bạn? Bổ sung đậu đỏ vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày còn giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng thiếu máu khi mang thai. Đậu đỏ là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho quá trình mang thai nhưng không phải mẹ nào cũng biết được những lợi ích này.

Bà bầu ăn đậu đỏ có tác dụng gì?

Trong đậu đỏ có rất nhiều vitamin và khoáng chất, giúp ổn định thể chất và thoải mái tinh thần. Theo nghiên cứu, trong đậu đỏ chứa một lượng lớn các chất oxy hóa. Đây là yếu tố quan trọng giúp mẹ tự bảo vệ sức khỏe của mình vì mẹ có khỏe thì sức khỏe thai nhi mới có thể tốt được. Đặc biệt, trong mùa hè, có rất nhiều dịch bệnh xảy ra, mẹ càng phải cần bổ sung một lượng chất chống oxy hóa lớn để đảm bảo sức đề kháng của mẹ.

Bên cạnh đó, đậu đỏ rất giàu protein, omega 3 và axit béo, những chất có lợi cho hệ tim mạch, giúp mẹ có một trái tim khỏe mạnh. Vitamin B1 và B6 có trong đậu đỏ giúp tăng cường hệ miễn dịch và lưu thông máu, giúp cho mẹ giảm bớt những nguy cơ mắc bệnh cảm cúm và những căng thẳng mệt mỏi khi mang thai.

Đậu đỏ là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào cho cơ thể. Khi mang thai, yêu cầu về lượng sắt của mẹ tăng lên đáng kể. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến của việc thiếu máu trong thời kỳ mang thai. Thiếu sắt khiến cơ thể mẹ nhợt nhạt, mệt mỏi, chóng mặt. Ngoài ra, sắt còn giúp cải thiện hệ miễn dịch và tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi.

Hơn nữa, trong đậu đỏ cũng chứa một hàm lượng chất xơ bão hòa, làm giảm đáng kể lượng cholesterol trong máu trước khi cơ thể kịp hòa tan chúng. Nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc, giảm huyết áp, điều tiết đường máu là những công dụng khác từ đậu đỏ.

Đặc biệt, đậu đỏ còn là một phương thuốc chăm sóc vẻ đẹp khi mẹ mang thai. Vì trong đậu đỏ có chứa vitamin C và vitamin E giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và hạn chế những sắc tố gây sạm da.

Một số lưu ý khi chế biến đậu đỏ cho bà bầu

- Bản thân đậu đỏ đã có sẵn vị ngọt nên khi chế biến, mẹ nên giảm bớt lượng đường. Việc cho quá nhiều đường vào có thể giảm bớt một nửa hiệu quả kích thích tiêu hóa của đậu đỏ và khả năng hấp thụ vitamin B1.

- Mẹ có thể kết hợp đậu đỏ với những thực phẩm chứa tinh bột khác để tạo ra một món ăn bổ dưỡng như xôi đậu đỏ, chè đậu đỏ…

- Tùy cơ địa của mỗi người nên cách hấp thu và chuyển hóa cũng khác nhau nên dù tốt mẹ cũng không nên ăn quá nhiều đậu đỏ.


Một số món ngon từ đậu đỏ

+ Chân giò hầm đậu đỏ

Nguyên liệu: (cho 4 người ăn)

- 1kg chân giò

- 4 quả trứng gà

- 200g đậu đỏ

- 1 lít nước

- Đường phèn, hạt nêm, gia vị, hành, rau mùi

Thực hiện:

- Để chân giò mềm mà vẫn giữ vị dai ngon, bạn có thể nướng sơ và rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, chặt chân giò thành nhiều miếng vừa ăn và ướp với nước mắm, muối, đường phèn, hạt nêm khoảng 15 phút.

- Rửa sạch đậu, lọc bỏ hạt lép, sâu. Cho đậu đỏ vào 1 tô lớn đổ nước ngập rồi ngâm ít nhất từ 6 đến 8 giờ. Nếu không đủ thời gian thì bạn có thể ngâm đậu với nước ấm khoảng 2 giờ trước khi nấu.

- Cho chân giò, đậu đỏ vào nồi cùng nước và hầm với lửa liu riu. Trong quá trình hầm, thỉnh thoảng bạn nên hớt bọt để nước trong.

- Trứng gà đập vào bát, đánh đều. Khi chân giò và đậu đỏ mềm, cho trứng vào, quấy đều.

Nếu bạn chỉ muốn có vị béo ngậy của chân giò và mùi thơm của đậu đỏ trong món hầm thì bạn có thể không cho trứng gà vào.

- Nêm lại cho vừa ăn rồi cho hành thái khúc. Trang trí với rau mùi và trút ra bát.

Món ăn sẽ ngon hơn khi dùng nóng và ăn cùng cơm

+ Chè đậu đỏ hạt sen

Nguyên liệu: (cho 4 người ăn)

- 200g đậu đỏ

- 50g hạt sen

- 2 miếng vỏ quýt khô

- 80g đường mật

Thực hiện:

- Ngâm đậu đỏ từ 6 -8 giờ trước khi nấu

- Hạt sen rửa sạch và vỏ quýt khô để nguyên miếng

- Cho đậu đỏ, hạt sen vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ (tùy sở thích của bạn mà có thể cho thêm nước nếu muốn chè loãng hơn).

- Đun lửa to đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa và cho vỏ quýt vào. Tiếp tục ninh chè trong 1 giờ. Bạn có thể dùng nồi áp suất ninh để rút ngắn thời gian.

- Khi đậu đỏ và hạt sen đã chín bở, bạn cho đường và quấy đều lên. Tiếp tục đun thêm 5 phút để đường ngấm vào đậu.

- Dùng thìa đánh đều để hạt đậu nhuyễn tạo hỗn hợp sánh mịn.

Thùy Linh (t/h)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]