Những sai lầm nghiêm trọng khi dùng tỏi
Báo Đất Việt cho biết, ăn tỏi giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tỏi còn được cho kích thích hệ thần kinh giải phóng hormone adrenalin, từ đó làm tăng quá trình trao đổi chất. Cơ thể chuyển hóa cao có thể giúp đốt cháy calo và giảm cân.
Đồng thời tỏi có tác dụng ngăn chặn sự lắng đọng chất béo thành các mảng mỡ thừa dưới da. Tỏi có thể giảm sự tích tụ những mảng chất béo mới hình thành trong cơ thể đến 40%. Chính vì vậy, khi bạn ăn tỏi sẽ không còn lo ngại về những ngấn mỡ thừa tồn tại trên cơ thể.
Tỏi còn có tác dụng giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tiểu đường. Tỏi được nhiều nhà khoa học ở nhiều nước nghiên cứu phát hiện nhiều đặc tính trị liệu quý của nó.
Tuy nhiên, để tỏi thật sự hiệu quả trong việc chữa bệnh, bạn cần tránh những sai lầm sau đây - Theo Sức khỏe & đời sống:
Nấu chín tỏi: Bạn có thể dùng tỏi đã nấu chín như một gia vị cho món ăn của mình. Tuy nhiên, việc nấu chín đã phá hủy thành phần hoạt chất của tỏi, allicin. Allicin là một trong những hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi được gọi chung là thiosulfinates. Allicin được kích hoạt khi nhai, cắt hoặc nghiền tỏi sống. Nhưng, nó bị vô hiệu hoá bởi nhiệt độ. Đó là lý do tại sao khi làm chín, tỏi sẽ làm giảm khả năng chữa bệnh.
Dùng viên thuốc tỏi thay vì dùng tỏi tươi: Để tránh mùi tỏi, một số người đã uống viên thuốc tỏi (như viên dầu tỏi) thay thế cho dùng tỏi tự nhiên. Đây là điều thường thấy, nhưng cách dễ dàng này không thực sự hiệu quả. Như đã nói, để kích hoạt chất chữa bệnh của tỏi, bạn cần phải ăn thô, nghiền tỏi. Không có loại thuốc viên, bột hoặc dạng tỏi khô nào có thể sánh được với tiềm năng chữa bệnh của tỏi trong trạng thái tự nhiên của nó.
Sử dụng tỏi để quá lâu: Hãy đảm bảo rằng tỏi mà bạn dùng với mục đích chữa bệnh vẫn còn tươi, chứ không phải là loại tỏi đã để quá lâu. Các hoạt chất trong tỏi tươi mạnh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều so với tỏi đã để lâu. Tỏi hữu cơ là một lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe.
Dùng quá ít tỏi: Nếu bạn đang mong muốn dùng tỏi để chống nhiễm trùng theo cách tự nhiên, thì bạn cần ăn khá nhiều tỏi. Thỉnh thoảng mới ăn một tép tỏi nhỏ sẽ không đem lại hiệu quả mong đợi. Một liều điều trị nên là 2 - 3 tép tỏi trung bình mỗi ngày. Theo nghiên cứu, những người khỏi nhiễm trùng đã nhai 2 - 3 tép tỏi/ hai lần/ngày.
Ăn tỏi nhưng quên bổ sung các thức ăn cho hệ thực vật đường ruột: Vì tỏi đóng vai trò như một kháng sinh, nên nếu ăn số lượng lớn, có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thực vật đường ruột và làm tiêu hao các vi khuẩn có lợi. Cũng như các kháng sinh khác, bạn cần cung cấp các chế phẩm sinh học cho đường ruột để đường ruột trở lại cân bằng khi bạn ăn nhiều tỏi tươi. Cách tốt nhất để làm điều này là bạn cần ăn các thực phẩm lên men chứa probiotics như sữa chua, miso, rau quả lên men.
Không có chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn không thể mong đợi tỏi như một thần dược. Bên cạnh việc dùng tỏi chữa bệnh, bạn cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng để thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Một chế độ ăn giàu đường và thức ăn chế biến sẵn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch. Tỏi sẽ phát huy hết tác dụng của mình nếu cơ thể bạn được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất khác từ rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu probiotic...
Trà Mi
Theo GĐVN