(SKDS) –Thở là sự trao đổi không khí giữa cơ thể với môi trường xung quanh. Trong động tác này, dưỡng khí ôxy được đưa vào và thán khí CO2 được loại ra khỏi cơ thể.
Mỗi phút ta thở trung bình 15 lần. Một ngày ta thở ra hít vào 18.925 lít không khí. Mặc dù thở là một động tác không chủ động, nhưng con người có thể cố tình thay đổi nhịp thở vì nhu cầu nào đó. Nhịp thở nhanh chậm tùy theo nhu cầu ôxy của cơ thể và cũng tùy theo sự tích tụ thán khí cao hay thấp. Nhịp thở cũng thay đổi tùy theo cảm xúc. Khi vui mừng hay tức giận thì
hơi thở dồn dập. Khi buồn rầu chán nản thì hơi thở uể oải, kéo dài thườn thượt. Những khi đó, ta có thể tập để điều hòa nhịp thở, thay đổi tâm trạng.
Thở đúng cách sẽ giúp tinh thần thư giãn. Ảnh: TL |
Lợi ích hít vào thở ra bằng mũi.
Niêm mạc của mũi có chất nhờn và những sợi lông. Xoang thông với mũi và sản xuất ra nhiều chất nhờn. Không khí được các vi huyết quản chứa đầy máu ở mũi làm ấm nóng. Chất nhờn làm không khí ẩm hơn trước khi vào phổi. Không khí khô và lạnh có thể gây kích thích khó chịu cho phổi. Lông mũi, chất nhờn chặn sự xâm nhập của các vật lạ có hại như vi khuẩn, bụi bậm rồi loại bỏ ra khỏi cơ thể khi ta hắt hơi hoặc đưa xuống dạ dày để được tiêu hủy. Với những sợi lông và chất nhờn, hô hấp qua mũi sẽ tránh được các bệnh nhiễm virut, vi khuẩn, bụi bặm ô nhiễm, giảm thiểu rủi ro viêm đường hô hấp như dị ứng, hen suyễn, sưng phổi, viêm họng...
Ngoài ra, thở bằng mũi tạo ra chất nitric oxide ở các xoang mặt, là chất làm dãn huyết quản, máu tràn đầy, đưa tới tăng sự trao đổi không khí.
Có nên thở bằng miệng?
Nếu thường xuyên thở bằng miệng sẽ mất các ích lợi kể trên, đồng thời còn làm miệng khô, ngáy khi ngủ, ngưng thở tạm thời … Với trẻ em, thở miệng có thể đưa tới hỏng răng, hàm răng lệch khớp...
Thở để thư giãn
Ngoài nhu cầu “hô hấp để sống còn”, thở còn thường được dùng để xả stress, thư giãn tinh thần khi có những lo âu buồn phiền rồi giảm huyết áp, nhịp tim, cơ bắp bớt căng. Nhưng thở cũng phải đúng cách. Thở đúng cách phải là hơi thở sâu, chậm và dài trong đó cơ hoành có vai trò chính.
Tư thế có thể là nằm, ngồi hoặc đứng. Toàn thân thư giãn, xương sống ngay thẳng. Sau đó, đặt một bàn tay lên bụng để có thể cảm nhận sự phình ra thót vào của bụng. Rồi chậm rãi hít vào bằng mũi.
Tập trung vào đường đi của hơi thở từ mũi xuống ống dẫn khí, vào phổi đồng thời hạ thấp cơ hoành để bụng phình hút vào nhiều không khí. Sự tập trung này cũng để tránh nhiễu ý ngoại cảnh. Sau đó cần nhịn hơi thở trong vài giây. Rồi tiếp tục từ từ thở ra bằng mũi. Khi không khí đã ra gần hết thì thư giãn một vài giây rồi hít thở lại.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức