Bàn cách “giải cứu” ARPU sụt giảm

15.6014
Smartphone, tablet đang phát triển mạnh tại Việt Nam là cơ hội để 3G “cất cánh”, cải thiện ARPU. Ảnh: N.Đ

Nguồn thu giảm mạnh do cạnh tranh quá đà

Tại hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Comm 2011, ông Goro Furuhashi – Trưởng đại diện NTT Docomo (Nhật Bản) tại Việt Nam nhận định: Việt Nam hiện có tới 7 nhà mạng tham gia khai thác thị trường, trong đó có các doanh nghiệp lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel. “Thực tế đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt, các nhà mạng vẫn liên tục và quyết liệt đeo bám nhau để giảm giá cước thuê bao, cước dịch vụ nhằm “vét” khách hàng. Đây chính là lý do khiến cho ARPU (Average Revenue Per User - Doanh thu trung bình của một thuê bao) của các mạng ngày càng giảm sút”, ông Goro Furuhashi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng ARPU tại Việt Nam hiện nay đang đứng ở mức thấp, chỉ khoảng 4 – 6 USD/tháng. Nếu như câu chuyện cạnh tranh bằng việc tung khuyến mãi “khủng” vẫn chưa chấm dứt thì ARPU của các mạng còn bị “thắt” mạnh hơn. “Tiêu biểu cho thực tế cạnh tranh gay gắt này - đó là giữa tháng 9 vừa qua, nhà mạng Beeline tung ra thị trường gói cước Tỷ phú. Gói cước này như muốn… cho không người dùng tới 10 năm cước phí sử dụng dịch vụ ĐTDĐ. Cụ thể, khi mua SIM giá 20.000 đồng, người sử dụng sẽ có tới 20.000 đồng trong tài khoản chính và 1 tỉ đồng trong tài khoản nội mạng, được chia đều cho 10 năm sử dụng, đồng thời khách hàng được dùng tối đa 270.000 đồng/ngày cho tài khoản nội mạng, khiến không ít nhà mạng khác phải lo lắng và tiếp tục tính kế… khuyến mãi cạnh tranh”, một chuyên gia bày tỏ.

Trước thực tế nêu trên, tại hội thảo, một lần nữa các chuyên gia cho rằng 3G và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng mạng 3G đang được nhắc tới là mảnh đất để các nhà mạng có thể cải thiện được thực tế khó khăn. Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn VNPT và ông Xue Hongjian, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ đến từ Tập đoàn ZTE cũng cho rằng: Để “giải thoát” cho phần sụt giảm ARPU thì các nhà mạng cần đầu tư mạnh hơn vào việc phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cho lĩnh vực y tế, giao thông, tư vấn kiến thức giáo dục… để đem lại lợi nhuận cao hơn thay cho nguồn cước truyền thống từ dịch vụ thoại hay nhắn tin SMS.

Bày cách “hút” khách hàng doanh nghiệp

Nói đến cơ hội để gia tăng ARPU, theo đánh giá của các chuyên gia tại Vietnam Comm 2011 thì những thách thức đang đặt ra hiện nay cũng chính là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam có thể đầu tư, phát triển ứng dụng 3G. Trước hết tiềm năng đang đến từ thiết bị smartphone, máy tính bảng kết nối 3G. Hiện smartphone, máy tính bảng đang ngày càng được nhiều người dân Việt Nam sử dụng, để tăng được ARPU, các nhà mạng cần phát triển thêm nhiều ứng dụng như game, ứng dụng văn phòng… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng này.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần đặc biệt chú trọng nắm bắt, đón trước các quy định, chính sách do Nhà nước ban hành và để từ đó đưa ra ứng dụng cho đối tượng khách hàng là khối doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng nhằm sớm gia tăng được thuê bao trung thành và ARPU. “Ví dụ như tại Nhật Bản, tuy thuê bao của khách hàng thuộc khối doanh nghiệp chỉ chiếm trên 13% nhưng doanh thu trong 2010 đạt trên 39%, tức là gấp nhiều lần các loại thuê bao khác”, ông Goro Furuhashi chia sẻ, đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể với Việt Nam: Như trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, Việt Nam đã ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định về việc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá phải lắp thiết bị định vị toàn cầu (GPS) cho xe tải, xe khách để quản lý, kiểm soát hành trình. Dù chưa đến thời hạn “chốt” việc lắp đặt thiết bị GPS, tuy nhiên với hàng triệu phương tiện giao thông vận tải hàng ngày hàng giờ toả đi mọi vùng miền, khi các doanh nghiệp vận tải thực hiện lắp đặt triệt để, đây là cơ hội lớn để mạng 3G của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đem lại doanh thu lớn hơn.

Tuy nhiên, trong vấn đề phát triển 3G, dù ưu việt hơn hẳn so với các công nghệ trước đó nhưng lại chưa phát triển rộng tại Việt Nam do hạn chế về băng thông. “Thị trường của 3G tại Việt Nam hiện nay mới chỉ chủ yếu tập trung ở khu đô thị lớn, chỉ chiếm khoảng 10% nên dịch vụ nội dung số cho 3G tại Việt Nam vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như đối tượng doanh nghiệp, tổ chức. Chính vì vậy, các nhà mạng cần sớm dịch vụ này”, ông Goro Furuhashi nhấn mạnh.

Sáng 16/11, Triển lãm và Hội nghị Truyền thông quốc tế, Triển lãm Internet & CNTT và Triển lãm quốc tế về các Sản phẩm Điện tử tại Việt Nam 2011 (Vietnam Comm 2011) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo đại diện Tập đoàn VNPT, cả ba sự kiện nói trên đã quy tụ hơn 140 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia giới thiệu những sản phẩm, giải pháp kinh doanh mới nhất trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và CNTT.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 138 ra ngày 18/11/2011.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]