Bí ẩn thành công của Taobao

15.6024

Từ màu sắc giao diện, cách trình bày thông tin đến phương thức thanh toán trên Taobao đều như "đi guốc trong bụng" người tiêu dùng Trung Quốc.

Taobao là công ty con của Tập đoàn Alibaba, thành lập năm 2003 theo mô hình thương mại điện tử C2C (hai cá nhân giao dịch với nhau). Trang bán hàng của tỷ phú Jack Ma xuất hiện sau gã khổng lồ eBay. Chỉ mới một tuổi, Amazon cũng tấn công vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2003, eBay từng bỏ ra 150 triệu USD mua trang đấu giá trực tuyến EachNet - lúc bấy giờ xếp vị trí hàng đầu ở Trung Quốc và đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng, phát triển. Còn Amazon cũng mua lại trang bán sách và bán lẻ trực tuyến Joyo với giá 74 triệu USD năm 2004 như bước tiến đầu tiên vào thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, đến 2006, eBay phải đóng cửa EachNet vì không hiệu quả còn Amazon vẫn kiên trì, nhưng đến 2014, thị phần bán lẻ của hãng ở quốc gia này chỉ đạt 1,5%.

Taobao dù xuất hiện trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhưng lại phát triển mạnh mẽ và chiếm hơn 80% thị phần thương mại điện tử tại Trung Quốc đến năm 2015 và đang tiếp tục tăng trưởng.

Theo Bloomerg, yếu tố khiến Taobao thành công lớn là vì am hiểu văn hóa, tâm lý người mua hàng với những chính sách lấy lòng người dùng tài tình, theo những cách như sau:

Đề cao tinh thần dân tộc

Người Trung Quốc nổi tiếng với tinh thần tự hào dân tộc, vì vậy, một nền tảng mua bán trực tuyến hiện đại càng cần phải thể hiện được điều này. Nó phải khiến người tiêu dùng cảm thấy tiện lợi, tân tiến nhưng vẫn thân thuộc, khơi gợi tinh thần dân tộc.

"Mỗi thành viên trong ban quản trị phải lựa chọn một biệt danh cho mình và cái tên đó phải xuất phát từ các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung", Sun Tongyu, chủ tịch Taobao cho biết. Thông điệp từ quy định này rất rõ ràng - Taobao là một sản phẩm của người Trung Quốc và họ tự hào về điều đó.

Tiếp đó, màu sắc chủ đạo của website này là đỏ và da cam, tượng trưng cho các lễ hội và sự thịnh vượng trong văn hóa quốc gia, mang lại cảm giác vui vẻ cho người mua sắm. Tính biểu tượng là một yếu tố rất quan trọng khi kinh doanh ở đất nước Á Đông này.

Hơn nữa, website Taobao có đủ các loại hàng hóa và thông tin, như một tạp hóa khổng lồ. Cuộc sống ở Trung Quốc cũng vậy - đông đúc, nhiều thông tin, biển báo ở khắp mọi nơi và hiếm có chỗ nào trống trải. Nơi đây ồn ào, tụ tập nhiều thứ, luôn chuyển động và nhiều màu sắc. Thiết kế của trang bán hàng này phản ánh chính xác cuộc sống thường ngày tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Những tiểu tiết, hàng loạt thông tin, hình ảnh chuyển động không ngừng trước mặt người mua khiến họ cảm giác thân thuộc, sống động như một trung tâm thương mại ngoài đời.

Tạo niềm tin để người tiêu dùng an tâm mua hàng online

Barney Tan, giảng viên Đại học Sydney và là người quan tâm, nghiên cứu nhiều về thương mại điện tử Trung Quốc cho biết: "Một trong những bí quyết thành công của Taobao chính là hiểu người dân ở đây muốn mua bán như thế nào".

Taobao đã đáp ứng sở thích mua bán của người tiêu dùng bằng việc cho phép người mua và bán thương lượng, mặc cả. Giảm giá không thực sự ý nghĩa ở đây, điều quan trọng là những tin nhắn trao đổi, tư vấn này khiến hai bên xây dựng lòng tin ở nhau.

Hiểu được nỗi sợ hãi bị lừa đảo trên mạng của người tiêu dùng, Taobao đã đưa vào dịch vụ bảo lãnh tự chọn nên người mua hàng chỉ phải thanh toán sau khi họ đã nhận và kiểm hàng. Hệ thống thanh toán Alipay cho phép người mua trả tiền trước cho món hàng nhưng bên trung gian sẽ tạm giữ khoản tiền này chứ chưa chuyển thẳng về cho người bán. Chỉ đến khi người mua nhận hàng thành công thì số tiền này mới thực sự đến tài khoản người bán. Bên cạnh hình thức này, họ có thể thanh toán khi nhận hàng (COD) bởi người dân ở đây vẫn duy trì thói quen tiêu tiền mặt. Cả hai phương thức trên đều khiến người mua yên tâm và phù hợp với hành vi mua bán truyền thống của họ.

Câu nói cửa miệng phổ biến "nếu bạn muốn bán thứ gì đó ở Trung Quốc, hãy bán trên Taobao" đủ cho thấy sự phổ biến của website bán hàng này. Hiện nay, hơn 98 triệu người dùng thường xuyên mua sắm trên Taobao, bao gồm các vùng thành thị lẫn nông thôn.

Thu Ngân

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]