Bí quyết của gia đình sống thọ nhất An Thạnh, Bến Tre: Hiếu thảo

“Mặc dù ở tuổi 85 (sinh năm 1929) nhưng hễ ra đồng hoặc đi đâu về, tôi không quên dành cho mẹ cái hôn đầy tình thương yêu kèm theo lời khen tặng” - ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ một cách giúp mẹ sống vui

15.5967
Ông Đức dành cho mẹ những nụ hôn mỗi ngày.
Theo thống kê của huyện Thạnh Phú, đây là gia đình cao tuổi nhất huyện thuộc xã An Thạnh - một xã nông thôn còn nhiều khó khăn. Mẹ của ông Đức là bà Trần Thị Nguy là người cao tuổi nhất huyện. Khi chúng tôi đến thăm, cụ Nguy lom khom ra ngồi uống trà trò chuyện, giọng nói cụ khá rõ ràng. Cụ cho biết năm nay mình được 113 tuổi (sinh năm 1901). Chúng tôi bất ngờ về sự minh mẫn của cụ, có thể đếm vanh vách tiền triệu với độ chính xác cao. Nếu so với những người cao niên khác, khả năng thị giác và thính giác của cụ còn tốt hơn. Cách đây mấy năm, mọi người trong xóm thường thấy cụ lui cui ra vườn (cách nhà khoảng 1km), cặm cụi làm cỏ, tỉa cây... Ông Nguyễn Văn Đức - con trai út đang phụng dưỡng cụ, kể: “Hồi còn trẻ, mẹ tôi rất mê làm việc. Mỗi ngày, bà ra đồng từ lúc 4 giờ sáng đến tối mịt mới về. Bà làm tất cả, kể cả việc cày ruộng nặng nhọc”.

Riêng ông Đức, mặc dù tuổi đã cao (85 tuổi) nhưng mỗi ngày cũng mấy lượt ra đồng, hết cào đất đến nhổ cỏ, bón phân; vừa thu hoạch vụ lúa xong lại quay sang cải tạo ao nuôi tôm trên phần diện tích 8 công đất. “Có lẽ do siêng đi bộ và lao động nên ông Đức có sức khỏe và dẻo dai. Cách nay không lâu, cụ Nguy lâm bệnh, ông cõng cụ đi bộ mấy cây số đến khám bệnh tại cơ sở y tế xã” - một người dân trong xã nhận định.

Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi và những anh chị công tác tại UBND xã An Thạnh, ông Đức nhiều lần quay sang cụ Nguy và luôn miệng khen ngợi. Ông nói: “Dù tuổi cao nhưng da mẹ tôi vẫn mịn, rất đẹp phải không? Trí óc mẹ tôi còn minh mẫn và sức khỏe của bà còn tốt”… Ông Đức nói, việc chăm sóc bà cụ hàng ngày đúng cách cũng là một trong những phương thuốc hữu hiệu giúp cụ sống khỏe, sống vui. Thường ngày, ngoài giờ lao động, ông dành nhiều thời gian ở nhà và trò chuyện với cụ. Đi phải thưa, về phải trình với cụ là thói quen xưa nay của ông. Ông có thói quen hôn lên má cụ mỗi ngày khi đi đâu về. Và dù đang làm bất cứ công việc gì ông cũng buông ngay khi cụ cần hoặc gọi. Thái độ quan tâm ân cần dành cho cụ mọi lúc là cách giúp cụ hạn chế sự lo nghĩ, bất an của tuổi già. Để giúp cụ dễ lưu thông huyết mạch, hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế tình trạng đau nhức, mệt mỏi, ông Đức chịu khó sưu tầm và trồng các loại thảo dược quanh nhà để pha chế, ngâm rượu cho cụ uống mỗi tối. Bản thân ông cũng tự chăm sóc mình bằng nhiều bài thuốc Nam từ các loại cây lá trong vườn nhà và khu vực xung quanh. Để có sức khỏe lao động, mỗi sáng ông đều dùng cơm và uống một ít mật ong. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho người mẹ 113 tuổi, người vợ 77 tuổi và người con gái ngoài 40 tuổi bị khuyết tật do bệnh nặng lúc nhỏ, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều người tìm đến ông bằng những bài thuốc mà ông biết được.

Hiện nay, với ông Đức, mong ước lớn nhất là nhìn thấy cụ Nguy sống vui, sống khỏe. Tấm gương hiếu thảo và hành động chăm sóc mẹ chu đáo của ông Đức đã làm xúc động nhiều người, nhất là những người từng hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của ông. Mặc dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn chăm sóc người mẹ già chu đáo bằng tất cả tình yêu thương. Đó là cách giúp cụ Nguy đắc thọ và trở thành một trong những người có tuổi thọ cao nhất tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]