Bí quyết dạy con tự ngủ ngoan không cần ru

15.5883

Cách dạy con tự ngủ hiệu quả nhất

Tập để bé tự ngủ chưa bao giờ đơn giản và nó thực sự đòi hỏi các mẹ phải thật kiên nhẫn. Hãy thực hiện tuần tự từng chút một và thậm chí nếm mùi thất bại để trẻ có được thói quen tự đi ngủ.

1. Cho con bú hay không?

Nhiều trẻ sơ sinh luôn thiếp ngủ khi đang bú mẹ hoặc bú bình. Điều này không xấu, nhưng nó hình thành thói quen xấu cho trẻ, làm con không thể tự ngủ được. Cho nên việc đầu tiên cần làm là tiến hành tách giấc ngủ của con và việc bú sữa ra.

Khi con thức dậy giữa giấc ngủ, có thể con đang bị đói, mẹ cần cho con bú sữa. Sau đó, con lại thức, khóc vì vẫn còn đói, hãy tiếp tục cho con bú. Tuy nhiên, nếu con chỉ đang buồn ngủ, hãy thử bế con đi dạo hoặc nhẹ nhàng đu đưa thay vì cho con bú sữa. Bằng cách này, con có thể đi vào giấc ngủ mà không cần phải ngậm ti.

Giúp con tự ngủ bằng cách bế trên tay và đong đưa hoặc cho vào nôi, võng hoặc giường cũi có chế độ rung khá hiệu quả, nhưng không có nghĩa là bắt con chịu đói. Khi con thức giấc và khóc vì đói, con vẫn cần được cho bú sữa đầy đủ. Vì trẻ sơ sinh cần được cho bú thường xuyên, con có thể có biểu hiện đói và buồn ngủ cùng lúc.

Bạn có thể bắt đầu cho con tự ngủ bằng cách đong đưa khi con được vài tháng tuổi, ăn uống tốt và phát triển khỏe mạnh.

Nếu bạn đang dỗ dành con ngủ mà con vẫn khóc, có thể con đang đói, hãy cho con bú, đừng ngại. Bước đầu tiên trong quá trình tách giấc ngủ của con ra khỏi giờ bú sữa chính là cho con đi vào giấc ngủ bằng một cách khác không phải là cho bú. Càng ngày, con sẽ tự ngủ khi được đong đưa, dỗ dành, và chỉ lúc đói, con mới khóc báo hiệu để mẹ cho bú.

Tập để bé tự ngủ chưa bao giờ đơn giản và nó thực sự đòi hỏi các mẹ phải thật kiên nhẫn

2. Dỗ con ngủ

Một vấn đề phát sinh nữa là, khi bạn dỗ con ngủ bằng cách ôm trên tay đong đưa lắc lư, làm sao để đặt con xuống giường mà con vẫn ngủ say chứ không khóc thét lên phản đối. Trẻ sơ sinh rất nhạy trong những vấn đề này.

Vì vậy, bạn cứ lắc lư dỗ dành con, trước khi con thật sự ngủ, hãy dừng lại và chỉ ngồi im ôm con. Nếu con phản đối, hãy lắc lư tiếp và rồi lại dừng lại. Lặp đi lặp lại như vậy, con có thể đi vào giấc ngủ trong khi vẫn được mẹ ôm trong tay.

Thực hiện liên tục trong một tuần hoặc lâu hơn để hình thành thói quen cho con: buồn ngủ khi được mẹ dỗ dành trên tay, đi vào giấc ngủ khi mẹ ngồi im và ôm con.

3. Đặt con xuống giường

Bước chuyển tiếp từ tay mẹ xuống giường vô cùng khó khăn, đây chính là bước mấu chốt. Nhiều mẹ thất bại vì khi đặt xuống giường, con lập tức khóc ré lên.

Sau khi con ngủ trên tay mình, hãy cứ tiếp tục lắc lư hoặc đi dạo quanh một lát. Sau đó dừng lại và vẫn giữ nguyên tư thế ngủ của con (nằm ngửa) cho đến khi con ngủ say. Nếu con phản đối, hãy lắc lư một chút trong vòng tay của mình trong lúc mẹ vẫn ngồi yên. Thực hiện điều này liên tục trong một tuần để con làm quen với bước này.

Tiếp theo đó là khẽ khàng đặt con xuống giường hoặc cũi, hai tay vẫn đỡ lưng con, nếu con phản đối, hãy bế con lên và lắc lư một chút, sau đó dừng lại rồi lại đưa con xuống giường hoặc cũi. Lặp đi lặp lại chuyện này, con dần dần sẽ chấp nhận việc ngủ trên giường hoặc cũi. Tuy nhiên, chuyện này đòi hỏi sự kiên nhẫn của ba mẹ và nỗ lực của ba mẹ một thời gian mới có thể thành công được.

4. Không bế, chỉ chạm vào

Đặt con vào giường hoặc cũi rồi nhẹ nhàng rút tay ra. Khi con ngủ, mẹ không cần dùng hai tay đỡ con nữa mà chỉ cần chạm vào da con là đủ. Con sẽ vẫn ngủ ngoan khi được mẹ nắm tay hoặc chạm vào trán. Hãy làm điều này cho đến khi con chấp nhận được thói quen mới: Được dỗ khi buồn ngủ, rồi được đặt vào giường hoặc cũi để tự đi vào giấc ngủ.

Một thời gian sau, mẹ hoàn toàn có thể để con nằm trong cũi hoặc trên giường trong lúc vẫn hoàn toàn tỉnh táo, sau đó con sẽ tự dỗ mình đi vào giấc ngủ mà không cần bất kỳ một sự can thiệp nào.

Phương pháp tập cho bé sơ sinh ngủ ngoan của BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh - Khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ

Với các bé đã được sáu đến tám tuần tuổi, mẹ có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé khi trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ  nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với  bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.

Bé sơ sinh giống  như tờ giấy trắng, bé sẽ là một em bé ngoan ngoãn, dễ ngủ nếu bạn không bỏ lỡ thời gian có thể dạy bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu bé quấy đêm nhiều quá thì bạn cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Hãy khôn ngoan lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.

Vân Anh (t/h)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]