Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc kinh doanh & phát triển công nghệ, IDG Venture Vietnam trong buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Fundraising – Gọi vốn đầu tư” với các startups ngành công nghệ, được tổ chức ngày 26/10 vừa qua.
Nghe theo bản năng, nhìn bằng lý trí
Nói về những lỗi thường gặp nhất của các founder (nhà sáng lập) khi tiếp cận nhà đầu tư, anh Trường chỉ ra 4 đặc điểm: Thứ nhất, nhiều founder thường đến với tâm thế mình có cả thế giới, kỳ vọng sản phẩm của mình có thể giải quyết được quá nhiều vấn đề. Thứ hai, là không quan tâm đến thế giới nghĩ gì. Không biết liệu thế giới có cần sản phẩm của mình hay không.
Lỗi thứ ba là sáng tạo lại bánh xe, đưa ra các sản phẩm và mô hình thiếu tính mới và sáng tạo. Mặc dù thực tế không đòi hỏi các mô hình thực sự mới nhưng luôn cần có nét sáng tạo và định hướng mới. Lỗi thứ tư lại là các startup quá mới dẫn đến trường hợp thậm chí còn không khả thi, khó có thể kiệm nghiệm và thuyết phục.
Theo anh Trường, các founder cần phải lùi lại, nhìn lại sản phẩm của mình, thực sự nhìn nhận xem bản thân có cái gì và không có cái gì, không nên quá đắm đuối với sản phẩm của mình, cũng không nên quá hốt hoảng khi nhận ra bản thân còn nhiều thiếu sót. Điều quan trọng là các bạn phải có sự tự tin, và dám thể hiện những gì mình có với nhà đầu tư.
Về mặt con người, anh Trường đưa ra lời khuyên: Các founder nên đến với đúng bản năng của mình, không nên cố gồng lên thể hiện mình là một con người nào đó khác. Đi theo bản năng, nhưng không đi một cách mù quáng, và phải minh chứng được bản năng của mình đang đi đúng hướng. Một trong những founder gây ấn tượng nhất với anh và cũng là một điển hình thành công nhờ đầu tư của IDG Ventures là anh Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vật giá.
Vốn du học từ Nhật về và còn bị ảnh hưởng mạnh, anh Điệp đến trình bày với các nhà đầu tư người Mỹ của IDG mang theo bản báo cáo tài chính với những tham số là tiếng Nhật. Hành động một cách bản năng, nhưng cách thức của anh Điệp lại gây ấn tượng lớn với nhà đầu tư.
Từ traffic đến kiếm tiền
Về “Những yếu tố cần chú ý trong bản kế hoạch kinh doanh?”, theo anh Trường, cần chú ý, thứ nhất là sản phẩm. Thứ hai là thị trường. Thứ ba là mô hình kinh doanh. Thứ tư là lượng hóa dự án. Hầu hết lượng hóa của các startup là không chính xác, nhưng việc tính toán lại vô cùng quan trọng để nhà đầu tư có thể nhìn ra điểm sai và cho bạn những lời khuyên hợp lí.
Về trình tự thẩm định dự án của IDG, anh Nguyễn Hồng Trường trả lời có 3 bước chính: Tiếp cận - Thẩm định - Đàm phán. Tiếp đến là giai đoạn quản lí đầu tư. Để một startup nhận được đầu tư từ đầu đến lúc có hợp đồng sẽ mất khoảng 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn tùy dự án.
Về cách lựa chọn đối tượng đầu tư của IDG, anh Trường cho biết có 2 trường hợp: Một là sản phẩm tuy chưa hoàn thiện nhưng nhà đầu tư đã nhìn ra tiềm năng của sản phẩm, nhìn ra được để sản phẩm hoàn thiện và đưa ra thị trường cần mức đầu tư như thế nào. Hai là nhà đầu tư đã có tầm nhìn là sản phẩm có khả năng thay đổi phù hợp (các website về diễn đàn, ví dụ như yeuamnhac và webtretho, dần trở thành một platform về âm nhạc hay chăm sóc trẻ con). Khi này IDG là bên hỗ trợ để biến đổi các sản phẩm ban đầu trở thành sản phẩm có giá trị lâu dài trên thị trường.
Trả lời câu hỏi “VC (các quỹ đầu tư) đánh giá thế nào về các dự án có thể mang lại lượng người dùng hàng tháng lớn nhưng lại chưa có hướng kiếm tiền rõ ràng?” – Anh Nguyễn Hồng Trường nhận định: “Từ traffic đến kiếm tiền là một quá trình dài cần có sự hỗ trợ của nhà đầu tư tới doanh nghiệp. Có những trường hợp phải biến đổi hẳn mô hình kinh doanh, ví dụ một site lớn vốn kiếm tiền từ quảng cáo chuyển sang ecommerce khi có lượng người dùng trung thành. Đây là một quá trình biến đổi liên tục do sự tương tác của người doanh nhân với thị trường và sự tương tác của doanh nhân với nhà đầu tư để có thể tìm ra hướng đi hợp lí nhất, thống nhất cao”.
Chia phần trăm với nhà đầu tư thế nào?
Với câu hỏi “Chia phần trăm với nhà đầu tư bao nhiêu là hợp lý?” anh Trường trả lời: “Có hai xu hướng: một bên thì rất e dè chia sẻ với IDG, một bên coi IDG gần như là một founder thứ hai cùng chia sẻ mọi việc. Tỉ lệ chia có thể lên đến 50%, nhưng thường thì mức độ chỉ khoảng 30%. Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp chia sẻ thì IDG lại khuyên là không cần thiết phải chia sẻ nhiều đến thế.”
“Nếu vòng đầu bạn hi sinh một lượng lớn cổ phần thì có thể vòng sau khi bạn đã ổn định bạn chỉ mất thêm một số cồ phần nho nhỏ. Lời khuyên của tôi là không có quá quan tâm đến con số,hãy chỉ lo lắng đến sản phẩm của mình.” - anh Trường cho biết.
Theo anh Trường, tỉ lệ gọi vốn thành công thường rất thấp. Nhiều sản phẩm có mô hình kinh doanh ổn định và chắc chắn nhưng không được đầu tư bởi chúng không có tính đột phá. Các VC thường chỉ muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có khả năng xếp nhất nhì trên thị trường hẹp của mình.
"Hãy nhớ rằng không được đầu tư không có nghĩa là công ty hay sản phẩm chưa tốt. Không phải dự án, con người tồi mà do nhà đầu tư muốn tìm kiếm những startup phù hợp. Startup đừng sợ tỷ lệ thấp, mà hãy tiếp cận để thử thách chính bản thân, sản phẩm của chính mình. Nếu không làm gì thì sẽ không có gì xảy ra".
“Cuối cùng, lời khuyên của tôi tới các startup là các bạn cần tỉnh táo để luôn nhìn ra xu hướng của thị trường và xu hướng phát triển tương lai. Luôn quan tâm và theo sát sản phẩm thì mới có thể tạo ra những thành công lớn. Điều quan trọng, các bạn hãy đi theo bản năng của mình một cách tỉnh táo thì sẽ đạt được nhiều thành công.” – Anh Trường nhắn nhủ tới các startups.
Theo D.H
Diễn đàn Doanh nghiệp